Tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn chi trăm tỉ USD cho 45 dự án trọng điểm quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đây là những dự án trọng điểm quốc gia đã được "vua hàng hiệu" ấp ủ nghiên cứu trong suốt 10 năm qua.



Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG - do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐQT) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến đề án nghiên cứu triển khai 45 dự án trọng điểm tại Việt Nam. Cụ thể, các dự án được chia thành 5 lĩnh vực đầu tư: Đầu tư trung tâm tài chính quy mô quốc tế và khu vực tại TP.HCM và TP.Đà Nẵng: Hiện nay, Công ty tư vấn luật và tài chính Shearman & Sterling - Anh quốc, Công ty tư vấn trong nước đã hoàn thiện bản thảo đề án và đã gửi các sở ngành địa phương, Trung ương lấy ý kiến hoàn thiện trước khi trình Chính phủ. Bản thảo Đề án này đã được nhà đầu tư Mỹ - Công ty Cantor Fitzgerald gửi văn bản đồng thuận ngày 21.7 vừa qua.

 Đà Nẵng và TP.HCM kỳ vọng sẽ thu hút các nhà tài phiệt lớn trên thế giới khi xây dựng trung tâm tài chính. Ảnh: Ngọc Dương
Đà Nẵng và TP.HCM kỳ vọng sẽ thu hút các nhà tài phiệt lớn trên thế giới khi xây dựng trung tâm tài chính. Ảnh: Ngọc Dương



Nguồn tin riêng của Thanh Niên cho biết, ngày 21.9, tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn đã ký thành công biên bản ghi nhớ hợp tác với 3 "đại bàng chúa" là 3 tập đoàn hàng đầu của Mỹ (Cantor Fitzgerald, Weidner Resorts/GAM, Steelman Partners) và Inc. Silverstein Properties (một doanh nghiệp tư nhân phát triển, đầu tư và quản lý bất động sản chuyên nghiệp tại Mỹ), cùng phối hợp xây dựng 2 trung tâm tài chính quy mô quốc tế và khu vực tại Việt Nam.

Đầu tư các khu phi thuế quan IPPG đã được tỉnh Kiên Giang lựa chọn là Nhà đầu tư cho dự án Phi thuế quan Phú Quốc (thông qua đấu thầu). Công ty cũng đang xúc tiến làm quy hoạch tại Khu kinh tế Vân Phong - Khánh Hòa, TP.Đà Nẵng, Quảng Ninh, TP.Cần Thơ để hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật và nghiên cứu các cơ chế hoạt động cần thiết để có thể sớm đưa mô hình kinh doanh này tại Việt Nam.

Đầu tư phát triển các Thành phố sân bay: Theo nhận định của IPPG, đây là mô hình và xu hướng đã được các nước tiên tiến phát triển trong nhiều năm gần đây. Các khu vực này sẽ lấy các sân bay làm trung tâm và phát triển mở rộng các chức năng dịch vụ, thương mại, hậu cần phục vụ hàng không xung quanh. IPPG đã làm việc với TP.Phú Quốc - Kiên Giang, Cam Ranh - Khánh Hòa, huyện Long Thành - Đồng Nai, TP.Cần Thơ, Nội Bài - Hà Nội đề xuất cụ thể ý tưởng quy hoạch, đầu tư phát triển các Thành phố sân bay tại đây.

Đầu tư phát triển các Khu đô thị thông minh, nghỉ dưỡng và sức khỏe cộng đồng: Các dự án này được đầu tư phát triển cùng các Trung tâm tài chính, khu phi thuế quan nêu trên để đảm bảo tính đồng bộ và đầy đủ các chức năng trong quá trình khai thác vận hành.

Thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo và hệ thống kho hàng phân phối trung tâm hậu cần Bellazio Logistics: Người đứng đầu IPPG nhận định sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 và tác động của thương mại điện tử trong bối cảnh hiện tại, dẫn đến việc định hướng đầu tư vận chuyển hàng hóa và hậu cần chuyên nghiệp là rất cần thiết trong giai đoạn này. Hiện nay trung bình 88% thị trường vận chuyển hàng hóa của Việt Nam do các hãng vận chuyển nước ngoài chiếm lĩnh.

Với hơn 35 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại gắn với hàng không, IPPG đang đầu tư hệ thống kho bãi, logistics vận chuyển hàng hóa tập trung và áp dụng các công nghệ quản lý, khai thác tiên tiến tại các tỉnh, thành phố lớn tại Việt Nam để khép kín các dịch vụ vận chuyển trong nội địa Việt Nam và vận chuyển quốc tế. IPP Air Cargo cũng ký thành công biên bản ghi nhớ mua 10 tàu bay B777 Freighter vận chuyển hàng hóa của Tập đoàn Boeing, Mỹ trị giá khoảng 3,5 tỉ USD.

Vừa qua, IPPG đã gửi hồ sơ tới Bộ GTVT và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo (độc lập so với các hãng hàng không vận chuyển hành khách. Tuy nhiên, theo chủ trương của Bộ GTVT là không thành lập thêm hãng hàng không mới trong bối cảnh các doanh nghiệp hàng không trong nước đang gặp khó khăn vì dịch bệnh, IPP Air Cargo sẽ tạm hoãn việc xin bay cho tới 2022 - khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát.

"Đây là đề án tâm huyết đã được chúng tôi nghiên cứu từ cách nay cả thập kỷ, có tầm nhìn 20 - 25 năm tới với mục tiêu đồng hành cùng chủ trương của Đảng, Chính phủ, phấn đấu đến 2030, Việt Nam là nước phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Cùng đồng hành đầu tư với IPPG là các doanh nghiệp hàng đầu quốc tế trong lĩnh vực tài chính, du lịch, khách sạn, casino, hoạt động kinh doanh phi thuế quan và các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Chúng tôi cam kết có thể thực hiện được các kế hoạch đầu tư các dự án nêu trên và hỗ trợ vốn đầu tư công cho các tỉnh thành với dự kiến tổng vốn đầu tư lên tới hàng trăm tỉ USD" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định.


Hiện, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao các Bộ: Kế hoạch - Đầu tư, GTVT, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp cùng Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề nghị của Công ty IPPG, sau đó báo cáo Thủ tướng.

Theo Hà Mai (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất