Hơn một tháng nay, tại vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Sông Hinh (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), hàng trăm người dân từ khắp nơi trong tỉnh đổ về đào bới để tìm đá đen. Mặc dù không biết loại đá này dùng vào việc gì, nhưng với giá bán trung bình mỗi kg lên đến cả triệu đồng nên lượng người đổ về đào đá ngày càng tăng.
Hàng trăm người dân đổ xô về lòng hồ thủy điện Sông Hinh để đào đá đen |
Không biết thương lái thu mua để làm gì
Tại khu vực xã Ea Trol (huyện Sông Hinh), từng tốp người mang theo cuốc, xẻng, xà beng đến vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Sông Hinh để đào đất tìm đá đen. Ở đây, ngoài thanh niên còn có người già, phụ nữ, nhiều hộ còn đi cả gia đình để cùng đào tìm đá.
Theo người dân khai thác, đá được thu mua có màu đen nên người dân trong vùng gọi tên là đá đen. Nhiều chỗ đá đen được tìm thấy chỉ sau vài nhát cuốc, nhưng cũng có những chỗ đá nằm sâu dưới lòng đất nên phải đào tạo hàm ếch, sâu hơn 1m. Đá đen khi đập ra, bên trong giống như mảnh chai thủy tinh, sáng bóng.
Đá có nhiều kích cỡ, loại đá có kích cỡ càng lớn thì sẽ được thu mua với càng giá cao. Thương lái phân ra làm 3 loại: đá loại 1 (3 viên/kg) có giá 3 triệu đồng/kg; loại 2 (từ 8 - 10 viên/kg) có giá 1 triệu đồng/kg và loại 3 là đá nhỏ, mua xô với giá 400.000 đồng/kg.
Mưu sinh đào đá, mỗi ngày có người kiếm từ 2 - 3 triệu đồng, có người kiếm 300.000 - 500.000 đồng, nhưng cũng có người chỉ được vài chục ngàn đồng.
Theo ông Bùi Văn Huấn (ngụ xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa), ông đến khu vực này đào đá đen được gần tháng nay. Kinh nghiệm khi đào xuống gặp lớp đá trắng là cứ đào theo. Đá đen nằm giữa gân đá trắng với đủ loại kích cỡ, có viên to bằng ngón tay út, đến viên bằng con cóc. Đào xong bán cho thương lái, còn người mua đá làm gì thì ông không biết. Trung bình mỗi ngày ông đào đá và bán được 300.000 đồng.
Cách chỗ ông Huấn không xa, ông Dương Nho Hùng (ngụ xã Ea Bia, huyện Sông Hinh) đang cùng vợ và đứa con trai hì hục đào bới. “Nghe nhiều người kiếm được vài trăm đến bạc triệu mỗi ngày từ đá đen, gia đình tôi đến đây đào tìm đá hơn nửa tháng nay. Không chỉ người dân ở huyện Sông Hinh mà nhiều người ở huyện Sơn Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa cũng lên đây dựng lán trại, khai thác đá đen”, ông Hùng cho biết.
Đá nằm sâu dưới lòng đất nên phải đào tạo hàm ếch, sâu hơn 1m. |
Ông Ma Hy (ngụ xã Ea Trol) bảo, mấy tháng qua, trời nắng nóng gắt, vùng này mía chết, sắn héo, lúa khô. Không làm gì ra tiền nên vợ chồng ông sáng nấu cơm dỡ theo ra đây đào đá kiếm tiền.
“Vợ chồng tôi cũng như nhiều người ở đây, cứ chọn vị trí rồi đào sâu xuống để tìm đá. Đào sâu đến hơn bụng mà không thấy đá thì bỏ đi chỗ khác đào, còn nếu có đá thì tiếp tục đào đến khi lấy được hết đá thì thôi. Hai vợ chồng đào một ngày cũng kiếm được trên 500.000 đồng”, ông Hy cho biết.
Nguy cơ mất an ninh, trật tự
Để thuận tiện cho việc khai thác, quanh khu vực này người ta dựng cả lán trại để nghỉ ngơi, ăn uống. Bên cạnh đó có cả dịch vụ vận chuyển nước giải khát đến tận nơi để bán cho người đào đá.
Nhiều người dân xã Ea Trol cho biết, cách đây khoảng một năm cũng có người đi đào đá đen. Thời điểm ấy, những người đi thu mua đồng nát đặt mua với giá 50.000 đồng/kg nên người dân địa phương thường đi quanh suối để tìm. Nhưng cách đây hơn một tháng, đá đen bỗng có giá lên đến cả triệu đồng nên dân trong vùng đổ xô đến đây đào để bán cho đầu nậu từ TP.Tuy Hòa lên thu mua.
Theo ông La O Y Thanh - Chủ tịch UBND xã Ea Trol, nạn đào đá đen đã phát sinh ở đây từ đầu năm nhưng chỉ vài ba nhóm người, đến nay đã bùng phát thành “cơn sốt”, lan rộng đến khu vực suối Lồ Ô, suối Dứa ở xã Sông Hinh và buôn Thung ở xã Đức Bình Tây. Người dân đào theo kiểu “da beo” chứ không tập trung tại một khu vực.
“UBND xã Ea Trol đã huy động công an, dân quân triển khai nhiều cuộc truy chặn kết hợp vận động người dân rời khỏi vùng ven hồ thủy điện Sông Hinh, chấm dứt tình trạng khai thác đá đen trái phép. Thế nhưng, đến thời điểm này có tới hàng trăm người dân khai thác đá đen mỗi ngày, trong khi lực lượng làm nhiệm vụ quá mỏng không thể nào ngăn chặn được”, ông Thanh cho biết.
Theo Ksor Y Phun - Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, tình trạng đào và thu mua đá đen đã có trước đây. Tuy nhiên, phạm vi và mức độ khai thác nhỏ hơn. Hiện nay, việc đào đá đen chủ yếu ở vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Sông Hinh thuộc 3 xã Đức Bình Đông, Ea Trol và Sông Hinh. UBND huyện Sông Hinh đã yêu cầu các cơ quan chức năng tìm hiểu rõ việc mua bán và mục đích sử dụng loại đá này để có hướng quản lý vì đây cũng là một loại khoáng sản.
“Huyện cũng đã yêu cầu các địa phương vận động người dân không tiếp tục đào tìm đá đen. Việc tập trung đông người để đào đá dễ phát sinh nguy cơ mất an ninh, trật tự. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn biến xấu, huyện Sông Hinh sẽ có phương án yêu cầu người dân ra khỏi khu vực lòng hồ thủy điện Sông Hinh”, ông Phun cho biết.
Thắng Mỹ (PLO)