Thủ tướng: Xem xét giảm 10% chi thường xuyên để tăng lương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thủ tướng chỉ đạo, các địa phương, bộ ngành xen xét tiết kiệm 10% chi thường xuyên để nâng tiền lương cho cán bộ công chức.

Thủ tướng kết luận phiên họp.
Thủ tướng kết luận phiên họp.


Tiếp tục phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, chiều nay, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên Chính phủ tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11-2016; cho ý kiến vào những định hướng lớn xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 2017; cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Trước thực tế vốn đầu tư ngân sách mới đạt 70% kế hoạch, đe dọa đến mục tiêu tăng trưởng và bội chi ngân sách, nợ công của năm nay, Thủ tướng chỉ đạo, các địa phương, bộ ngành phát động tháng cao điểm giải ngân xây dựng cơ bản.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội có khả quan hơn. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng qua đã vượt 100.000; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng khá; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát; xuất siêu 2,8 tỷ USD. Đối với vấn đề biến động tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cho biết biến động này là không đáng lo ngại và Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn đủ khả năng can thiệp để ổn định thị trường.

Tuy vậy, vấn đề lớn đặt ra trong tháng còn lại của năm chính là hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. 11 tháng qua, cả nước thu được trên 911.000 tỷ đồng, bằng 89,9% dự toán. Còn nếu so với mức đã báo cáo Quốc hội là cả năm nay thu khoảng 1,039 triệu tỷ đồng, thì đến nay mới chỉ đạt 87,7%. Trong khi thu ngân sách khó khăn thì vốn ngân sách giải ngân đạt rất thấp, chỉ đạt trên 70%, thậm chí, vốn trái phiếu Chính phủ mới giải ngân được trên 46%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lo ngại, thu ngân sách khó khăn nhưng giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách chậm có thể ảnh hưởng đến nợ công và bội chi ngân sách: "Tiền có, chỉ tiêu có, dự toán có, kế hoạch có, nhưng không tiêu được. Do vậy phải rà soát và triển khai làm nghiêm Nghị quyết 60 của Chính phủ. Năm nay theo Nghị quyết Chính phủ nếu không tiêu được thì cơ bản phải cắt bỏ, vì liên quan đến nợ công. Giá trị GDP nếu không đạt 4,6 triệu tỷ đồng thì các chỉ tiêu về nợ công và bội chi sẽ đội lên. Bội chi sẽ không phải là 4,95%GDP và nợ công không phải là 64,98%GDP nữa. Do đó vô cùng quan trọng trong kiểm soát chi và đẩy tăng trưởng".

Trước thực tế này, Thủ tướng chỉ đạo: "Văn phòng Chính phủ phải làm ngay một Công điện, chiều nay tôi ký, để đôn đốc các Bộ trưởng, UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, các bộ ngành liên quan giải ngân nhanh, đúng quy định trong tháng 12. Bởi số vốn còn phải giải ngân còn rất lớn. Giải ngân tốt thì góp phần tăng trưởng tốt".  

Về nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế năm 2016, Thủ tướng đánh giá, sự cố môi trường ở miền Trung, thiệt hại do biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn mặn, lũ lụt trên cả nước đã khiến thiệt hại khoảng gần 1% GDP. Do đó, việc GDP cả năm nay đạt 6,3-6,5% là một cố gắng rất lớn của Chính phủ và các bộ ngành. Trong tháng còn lại của năm nay, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, tính toán mục tiêu cụ thể, có biện pháp chỉ đạo điều hành quyết liệt, hiệu quả để đạt nhiệm vụ tăng trưởng. Muốn đạt nhiệm vụ tăng trưởng thì tháng 12 tăng trưởng phải đạt 7,1 đến 7,3%. Các địa phương, bộ ngành phát động tháng cao điểm, tập trung chỉ đạo nhiều vấn đề như giải ngân xây dựng cơ bản, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, an toàn giao thông, chủ động triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội đến cơ sở.  

Về kế hoạch năm 2017, Thủ tướng nêu rõ, năm nay Chính phủ giao sớm kế hoạch, trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động triển khai.

Đối với việc sớm xây dựng Nghị quyết số 01/2017, triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu Nghị quyết khi ban hành phải ngắn, gọn, có tính dự báo, tập trung vào các giải pháp đối với những vấn đề lớn. Cùng với các giải pháp nêu ra thì tinh thần là cả bộ máy chính quyền phải hoạt động hiệu quả, chống quan liêu, có tinh thần liêm chính, phục vụ nhân dân; không phải chỉ Thủ tướng, Chính phủ chuyển động, mà cả hệ thống từ Trung ương đến các huyện, xã phải chuyển động, phục vụ phát triển.  
Nghị quyết cũng phải nêu lên các giải pháp để xử lý các vấn đề về lành mạnh hệ thống tín dụng, giải quyết nợ xấu, trong đó phải nâng vai trò của VAMC; xử lý các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ; xây dựng hệ thống thương mại quốc gia; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và đưa ra các tiêu chí, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa trong nước.

Thủ tướng cũng chỉ đạo, Nghị quyết 01/2017 sắp tới cũng phải nêu các giải pháp tiết kiệm chi tiêu công, nhất là trong bối cảnh vẫn còn tình trạng nhiều bộ, ngành, địa phương đi công tác nước ngoài quá nhiều, thường xuyên hội họp, ăn uống, chi tiêu lãng phí: "Trong dự toán Bộ Tài chính trình Chính phủ, có thể giảm 10% chi thường xuyên, trừ tiền lương, để lấy tiền đó nâng lương. Tôi đã xem bản dự toán và thấy nhiều khoản chi tiêu không thấp hơn các năm. Đi nước ngoài, tiếp khách… còn nhiều. Có thể công bố trước toàn dân là chúng ta tiết kiệm 10% chi thường xuyên, trừ trả lương, để nâng tiền lương cho cán bộ công chức được không? Đây là lợi ích rất lớn cho đất nước và mỗi địa phương. Địa phương bộ ngành nào tiết kiệm được để lại cho đơn vị đó".

Việc xây dựng Nghị quyết 01 cũng phải chú trọng vấn đề công khai minh bạch, trong đó có giải pháp công khai đấu thầu, công khai các định mức, chi tiêu…, làm cơ sở tăng cường giám sát, chống tham nhũng. Cùng với đó là đẩy mạnh xã hội hóa để có nguồn lực thực hiện các công trình, nhất là cơ sở hạ tầng các đô thị; phân cấp giao quyền, tăng cường kiểm tra; nâng cao tinh thần thực hiện những lời hứa trước dân với phương châm nói đi đôi với làm; ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát tiêu cực, mặt trái của thị trường.

Đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, Thủ tướng chỉ đạo:

"Đối với Nghị quyết TW 4 của Ban chấp hành Trung ương, đề nghị Bộ Nội vụ hoàn thiện 5 nhóm giải pháp thành chương trình hành động và Chính phủ sẽ có Nghị quyết về vấn đề này. Trong đó làm rõ việc bổ nhiệm cán bộ, tiêu chí đánh giá cán bộ. Ví dụ tiêu chí về hiệu quả công việc, phẩm chất, quan điểm lập trường… Bộ có rất nhiều người nhưng có thể đề xuất với Bộ trưởng, Chính phủ giải pháp gì để có thể tăng trưởng và phát triển kinh tế không?".

Trong báo cáo trình Chính phủ sáng nay, Bộ Nội vụ đề xuất giải pháp thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó. Cùng với đó là phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Bộ Nội vụ đề nghị Chính phủ giao Bộ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan để đánh giá và sửa đổi, bổ sung Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức; khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm, kể cả khi thôi việc, nghỉ hưu.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất xây dựng và thực hiện chính sách nhà ở nhằm tạo động lực cho cán bộ, công chức theo hướng nhiều chủ thể tham gia, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách Nhà nước.

Bộ đề nghị các địa phương, bộ ngành siết chặt kỷ luật kỷ cương trong các cơ quan hành chính các cấp; chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, chè chén, liên hoan, gặp mặt khi hội họp hay khi được đề bạt, thuyển chuyển công tác và việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ tết…xa hoa, lãng phí. Cùng với đó là tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đình chỉ công tác cán bộ dưới quyền để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm, chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

Trong phiên họp trực tuyến mới đây với sự tham dự của đại diện 10 Ủy ban Olympic quốc gia - trừ Timor Leste, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) đã yêu cầu quốc gia đăng cai SEA Games 31 cập nhật tình hình các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm khi thi đấu hồi tháng 5-2022 tại Việt Nam, trong đó có 5 trường hợp của đoàn thể thao chủ nhà.
Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Việc Quang Hải sa sút phong độ là nguyên nhân chính khiến tuyến giữa tuyển Việt Nam chơi không tốt trong trận hòa Thái Lan 2-2. Điều này, buộc HLV Park Hang-seo phải tính đến phương án thay Quang Hải.
Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

(GLO)- 19 giờ 30 phút ngày 13-1, đội tuyển Việt Nam bước vào trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022 với Thái Lan. Trận đấu trong mơ này sẽ là cơ hội cho huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đòi lại món nợ trước người Thái để có lời chia tay ngọt ngào với bóng đá Việt.
Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

AFF Cup 2022 hứa hẹn kết thúc cực kỳ hấp dẫn với trận chung kết trong mơ giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan. HLV Park Hang-seo cũng có cơ hội đánh bại 'Voi chiến' ở một giải đấu chính thức để khép lại triều đại thành công của mình.
Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

(GLO)- Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, kịch tính, giải bóng đá mini 5 người thanh niên khối THPT năm 2023 do Thành Đoàn và Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku tổ chức đã khép lại. Giải góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo mối quan hệ đoàn kết trong hội viên thanh niên khối trường THPT trên địa bàn thành phố.