Thủ tướng: Đắk Lắk cần tạo xung lực phát triển nhanh, xanh, hài hòa, bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Đắk Lắk cần tiếp tục đổi mới tư duy để tạo xung lực phát triển mới, nhanh, xanh, hài hòa và bền vững, dứt khoát không để tụt hậu và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong chương trình công tác tại tỉnh Đắk Lắk, chiều 18/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ tỉnh Đắk Lắk về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị 7 tháng đầu năm 2024, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và tỉnh Đắk Lắk.

Chưa phát huy hết tiềm năng và phát triển chưa tương xứng với vị trí, vai trò

Theo Tỉnh ủy Đắk Lắk, năm 2024 là mốc quan trọng khi tỉnh Đắk Lắk tròn 120 năm xây dựng và phát triển. Bám sát chủ đề điều hành của Chính phủ là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững,” tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong 7 tháng đầu năm tiếp tục phát triển ổn định, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ.

Trong 16 chỉ tiêu chủ yếu, có 10 chỉ tiêu được đánh giá, còn 6 chỉ tiêu sẽ được đánh giá vào cuối năm.

Cả 10 chỉ tiêu được đánh giá đều có mức tăng trưởng so với năm 2023. Dự báo đến cuối năm 2024, đa số các chỉ tiêu sẽ đạt kế hoạch đề ra.

Trong số đó, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 4,13% so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 25,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,52%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 4.500 tỷ đồng, bằng 64,12% dự toán Trung ương giao.

Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án với tổng số vốn đầu tư gần 2.900 tỷ đồng...

Công tác giải ngân các nguồn vốn đầu tư công đến ngày 31/7 đạt 38,9% kế hoạch.

Tỉnh đã hoàn thành việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư giao thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, với tổng số vốn là hơn 4.500 tỷ đồng.

Các hoạt động văn hóa, đối ngoại, an sinh xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, nổi bật là các hoạt động thi đua chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt kết quả tích cực.

Đắk Lắk tiếp tục quan tâm xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị báo cáo kết quả kinh tế-xã hội của tỉnh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị báo cáo kết quả kinh tế-xã hội của tỉnh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm, xem xét đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc còn lại kết nối khu vực Tây Nguyên với các vùng khác trong giai đoạn 2025-2030 theo các Quy hoạch và tuyến đường kết nối tuyến đường bộ cao tốc với hệ thống giao thông của tỉnh.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Đắk Lắk thảo luận đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và giải đáp, trao đổi làm rõ các nội dung mà tỉnh đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo các bộ, ngành đề nghị hỗ trợ Đắk Lắk tận dụng các ưu thế, ưu tiên phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao, phát triển văn hóa-du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng; tập trung phát triển hạ tầng hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường quản lý dân cư, hạn chế tình trạng di cư ngoài kế hoạch; giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đất đai; quan tâm giữ vững an ninh, quốc phòng...

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương nỗ lực và những kết quả quan trọng về kinh tế-xã hội mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đắk Lắk đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Thủ tướng cho rằng, Đắk Lắk có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại, trung tâm vùng Tây Nguyên.

Tỉnh có dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào; có truyền thống lịch sử, văn hóa giàu bản sắc; đất đai rộng lớn và mầu mỡ, phì nhiêu; có nhiều tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đang được đầu tư tương đối đồng bộ...

Tuy nhiên Đắk Lắk vẫn chưa phát triển xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng; kết cấu hạ tầng còn hạn chế; tiềm năng nhiều, nhưng cơ chế chính sách hạn hẹp; tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, quốc phòng. Đắk Lắk vẫn là tỉnh “khó khăn” trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, văn hóa, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, thu hút đầu tư...

Trong 7 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của Đắk Lắk chưa đạt mục tiêu đề ra; triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm.

Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, quy mô nhỏ. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới thấp; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ở mức rất cao so với cả nước và vùng Tây Nguyên. Khiếu kiện và tình trạng phá rừng còn xảy ra...

Quán triệt quan điểm Đắk Lắk phải phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, dựa vào 4 trụ cột tăng trưởng là: phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, hướng tới thị trường xuất khẩu; công nghiệp chế biến nông sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; dịch vụ logistics, du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội song hành với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh; gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, lấy con người là trung tâm, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của Nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng nhấn mạnh Đắk Lắk phải sớm đạt mức trung bình khá của cả nước, trên cơ sở phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững; phát triển không gian sinh thái, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Trong đó, thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm của vùng Tây Nguyên, là cửa ngõ hội nhập và liên kết của vùng với khu vực và quốc tế; người dân được thụ hưởng một đời sống chất lượng với dịch vụ xã hội tốt, môi trường được đảm bảo, cơ hội việc làm và thu nhập cao.

Thực hiện “6 tăng cường” để bứt phá đi lên

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đắk Lắk thực hiện “6 tăng cường” gồm: Tăng cường niềm tin chính trị của nhân dân với Đảng, sự tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc giữa 49 dân tộc trên địa bàn và các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên; chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, không để ai bị bỏ lại phía sau, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển; tăng cường cơ chế huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là hợp tác công tư, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để tạo không gian phát triển mới, khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu dịch vụ mới, giảm chi phí, thời gian đi lại, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

Cùng với đó, tăng cường giữ vững đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài;" tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và vùng Tây Nguyên; chuyển dịch lao động từ khu vực nông thôn, nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, thành thị; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đắk Lắk rà soát việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6-6,5% và thời gian tới đạt trên 7%.

Đắk Lắk phải đẩy mạnh triển khai quy hoạch tỉnh đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành và đảm bảo hài hòa, kết nối với quy hoạch vùng Tây Nguyên. Qua đó tổ chức, sắp xếp hợp lý không gian, lãnh thổ, phát triển hệ thống đô thị trở thành các cực phát triển, trung tâm kinh tế của tỉnh, vùng.

Theo Thủ tướng, tỉnh thúc đẩy sản xuất kinh doanh, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới; huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch, dịch vụ; các dự án phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường, đổi mới sáng tạo...

Đắk Lắk phải triển khai có hiệu quả các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh và của vùng Tây Nguyên nhằm kết nối đồng bộ, khép kín giữa hệ thống đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Tây, đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Quốc lộ 27 với mạng lưới giao thông đô thị thành phố Buôn Ma Thuột; tăng khả năng kết nối thuận lợi, khai thác hiệu quả Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Đắk Lắk cần tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; duy trì và mở rộng các làng nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững; phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng; tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, bán tín chỉ carbon; phát triển hạ tầng du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk về tình hình phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk về tình hình phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh; chú trọng công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tỉnh phải làm tốt công tác giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng thời gian tới tỉnh Đắk Lắk sẽ mạnh mẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn để tạo xung lực phát triển mới, nhanh, xanh, hài hòa và bền vững, dứt khoát không để tụt hậu và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Với quan điểm “lấy dân làm gốc”, “người dân là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực và động lực cho phát triển” và trên tinh thần “dân cần - chính quyền có; dân khó - chính quyền lo,” Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Đắk Lắk gần dân, sát dân, hiểu dân và chăm lo cho đời sống của dân hơn.

Đắk Lắk sẽ sớm vươn lên trở thành tỉnh các thu nhập cao của cả nước; có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, thân thiện, đáng sống; người dân Đắk Lắk có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố càphê thế giới,” trung tâm đô thị vùng, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển vùng Tây Nguyên, địa bàn “chiến lược của chiến lược,” phên dậu quan trọng của Tổ quốc.

Đối với các đề xuất của tỉnh Đắk Lắk về phát triển hạ tầng giao thông, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng đây là yêu cầu chính đáng, đã được quy hoạch nhằm kết nối khu vực Tây Nguyên với các vùng và cả nước.

Nhất trí xem xét, yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp với các tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch; xây dựng đề án, huy động đa dạng các nguồn lực, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo Phạm Tiếp (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Thành phố Buôn Ma Thuột sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025

Thành phố Buôn Ma Thuột sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025

Sáng 30/10, Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 1193 ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

Vụ sát hại người tình ở Lâm Đồng: Nữ sát nhân thử nghiệm đầu độc mèo trước

Vụ sát hại người tình ở Lâm Đồng: Nữ sát nhân thử nghiệm đầu độc mèo trước

Ngày 25/10, theo thông tin từ Công an tỉnh Lâm Đồng, chiều 21/10, nhận tin báo từ người dân có ô tô rơi xuống vực trên đèo Bảo Lộc, Công an TP Bảo Lộc phối hợp với các lực lượng thuộc Công an tỉnh lập tức triển khai các biện pháp cứu hộ cứu nạn, điều tiết giao thông và điều tra nguyên nhân.