Thi tuyển lãnh đạo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Mới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM lần đầu tiên tổ chức thi tuyển hiệu phó cho 3 trường THPT. Cách làm mới này đang được cẩn trọng đặt trong phạm vi “đề án thí điểm”.

Thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý trên thực tế là chủ trương đã được biết đến và thực hiện trong phạm vi đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” thuộc hệ thống chính trị trong cả nước do Bộ Nội vụ triển khai từ năm 2017. Chủ trương đúng đắn này được xác nhận bằng kết quả thực tế triển khai ở nhiều đơn vị, địa phương. Nhìn rộng ra, kết quả từ các đợt thi tuyển công chức cũng đem về những hiệu ứng tích cực cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức.

Chuyện ngành giáo dục thi tuyển hiệu phó trường THPT công lập, ngành y thi tuyển giám đốc bệnh viện công như tại Bệnh viện Mắt TP.HCM là một chủ trương tiến bộ, mở ra một cách làm rất đáng hoan nghênh. Cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch là một tiền đề quan trọng để một tổ chức tìm được người đủ năng lực bước vào vị trí “đầu tàu” quản lý. Về nguyên lý, phương thức tuyển chọn lãnh đạo này cũng mở ra cơ hội cho những người đủ tự tin về năng lực của mình và đủ tâm huyết sẽ được bước vào “sàn” cạnh tranh nhân sự. Các yếu tố thiếu minh bạch trong tuyển chọn và bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo được kỳ vọng là sẽ bị loại bỏ.

Một chủ trương tiến bộ như thế nên sớm trở thành một cách làm chung, phổ biến trong hệ thống, chứ không nhất thiết phải dè dặt, cẩn trọng “thí điểm” nữa.

Mặt trái của “thí điểm” sẽ là không quyết liệt chỉnh sửa nhiều quy định, cơ chế, tiêu chuẩn liên quan để thật sự mở đường cho người có năng lực “rủ nhau” bước vào “sàn” cạnh tranh năng lực công bằng. Chẳng hạn, chỉnh sửa quy định thi tuyển để các thử thách đặt ra thật sự có hiệu lực, giúp ứng viên giỏi bộc lộ tài trí. Chẳng hạn, gỡ bỏ các rào cản tiêu chí cứng nhắc để nhiều người hơn có thể được tham gia. Tài năng không đợi tuổi, quy định về tuổi tác, về số năm kinh nghiệm như thế nào là phù hợp để không cản đường người tuổi trẻ tài cao. Chẳng hạn, người vì những lý do nào đó không lọt vào khung quy hoạch trước đó có cơ hội được cạnh tranh sòng phẳng với người có tên trong danh sách quy hoạch hay không?... Không quyết liệt chỉnh sửa nhiều quy định, tiêu chuẩn, cơ chế liên quan thì phương thức thi tuyển sẽ rất dễ rơi vào hình thức, chỉ là hợp thức hóa lựa chọn nhân sự…

Tâm thế “thí điểm” cũng rất dễ trả nỗ lực đổi mới về trạng thái cũ đơn giản là “dừng thí điểm”. Mong rằng không chỉ TP.HCM mà các tỉnh đang “thí điểm” mạnh dạn bước ra khỏi “chiếc hộp” tư duy “thí điểm”, để tạo ra một “sàn” tuyển chọn lãnh đạo thật sự cạnh tranh về năng lực.

Theo Huỳnh Văn Thông (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Một vấn đề bao trùm được các đại biểu Quốc hội quan tâm, trước hết là chúng ta nên triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược nhằm giải quyết các thách thức phát triển, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa.

Phục hồi và tăng tốc

Phục hồi và tăng tốc

Sau hơn 1 tháng bão số 3 (Yagi) đổ bộ, tàn phá các tỉnh phía Bắc, những hậu quả nặng nề đã được cơ quan chức năng thống kê với mức thiệt hại ước tính trên 81.500 tỷ đồng, tác động tiêu cực đáng kể đến tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3 và kéo theo cả năm 2024 sẽ giảm 0,15%.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.