Thị trường nhà đất đang ấm dần

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Giao dịch ở hầu hết phân khúc nhà ở đều tăng, niềm tin thị trường đang dần hồi phục.

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2024 của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS) - Bộ Xây dựng, cả nước có 18 dự án nhà ở thương mại được hoàn thành, 23 dự án được cấp phép mới và 984 dự án đang triển khai.

Ở phân khúc đất nền có 32 dự án hoàn tất đầu tư hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng; 16 dự án được cấp phép mới và 519 dự án đang triển khai... Đặc biệt, thị trường đã nhộn nhịp hơn khi có tới 253.000 giao dịch được thực hiện, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giao dịch sôi động

Thống kê của một công ty nghiên cứu thị trường cho thấy 6 tháng đầu năm, thị trường căn hộ Hà Nội ghi nhận sự bùng nổ về nguồn cung, tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ năm 2023, đạt khoảng 7.525 sản phẩm. Tỉ lệ hấp thụ đạt trung bình 65% - 70% rổ hàng mới, tăng khoảng 4,5 lần so với mức 15% của cùng kỳ năm trước.

Còn tại TP HCM, nguồn cung căn hộ cũng tăng gần gấp 1,3 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 2.356 sản phẩm. Tỉ lệ hấp thụ đạt khoảng 45% - 50%, tăng khoảng 2,5 lần so với cùng kỳ.

Một dự án ở TP Thủ Đức vừa công bố trong tháng 6 đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư

Một dự án ở TP Thủ Đức vừa công bố trong tháng 6 đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư

Một số dự án đã công bố và thu hút người mua thời gian qua như Eaton Park (TP HCM) của chủ đầu tư Gamuda Land, dự án A&T Sky Garden (Bình Dương) của chủ đầu tư A&T Bình Dương.

Theo bà Giang Huỳnh, Giám đốc Nghiên cứu & S22M - Savills Việt Nam, với việc mở bán thành công của một số dự án trong 6 tháng qua cho thấy niềm tin của thị trường đang dần hồi phục. Cụ thể, ở phân khúc căn hộ thương mại, lượng giao dịch trong quý II đã tăng gấp đôi so với quý trước và tăng 606% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 2.302 căn. Lượng giao dịch quý II đóng góp gần 70% tổng lượng bán trong 6 tháng.

Lý giải việc tỉ lệ hấp thu nguồn cung căn hộ tốt, bà Giang Huỳnh cho biết do chủ đầu tư đưa ra các chính sách bán hàng hấp dẫn như khách hàng chỉ trả trước 5% giá trị căn hộ và nhận bàn giao, được hỗ trợ lãi suất cố định trong 15 năm hay chiết khấu lên tới 20%. Mặc dù vậy, căn hộ bình dân giá dưới 3 tỉ đồng ngày càng hiếm thấy tại TP HCM, chỉ chiếm 18% nguồn cung sơ cấp trong 6 tháng qua và chủ yếu nằm cách trung tâm thành phố trên 10 km. Đây cũng là thử thách cho phân khúc này vì trong 3 năm tới chỉ 5% nguồn cung ra thị trường thuộc phân khúc này.

Theo ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Đầu tư DKRA Group, điểm sáng của thị trường BĐS quý II là lượng tiêu thụ căn hộ trên thị trường sơ cấp tăng mạnh 88% so với quý trước và tăng 82% so với cùng kỳ năm 2023. Nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ biệt thự, nhà phố ở TP HCM cũng tăng đáng kể, đạt 12% và gấp 4,5 lần so với quý trước.

"Sức cầu thị trường cải thiện đáng kể, lượng tiêu thụ tăng mạnh so với quý trước chủ yếu ở các dự án đã hoàn thiện hạ tầng, pháp lý và được triển khai bởi các chủ đầu tư có uy tín trên thị trường" - ông Thắng nói.

Triển vọng tích cực

Thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy doanh nghiệp BĐS đã bắt đầu tăng trưởng trở lại sau 2 năm ảm đạm, số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023. Số doanh nghiệp thành lập mới cũng ghi nhận mức tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, minh chứng cho sự hấp dẫn và tiềm năng phát triển của thị trường. Quy mô vốn bình quân trên mỗi doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư BĐS Việt An Hòa, cho rằng 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và lành mạnh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện khung pháp lý, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính và tín dụng cũng như phát triển nhà ở xã hội. Chính những điều này đã giúp khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, người mua nhà, đưa thị trường BĐS trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định.

Theo ông Trần Khánh Quang, thị trường dù chưa đạt như kỳ vọng nhưng đã rất tích cực. Đặc biệt, những tháng cuối năm, khi các luật liên quan đến BĐS có hiệu lực, thị trường sẽ có những bước chuyển biến tích cực hơn. Các nhà đầu tư và các bên liên quan đang chuẩn bị nguồn lực tài chính để "xuống tiền", triển khai hoặc tái khởi động dự án..., từ đó giúp thị trường hồi phục mạnh mẽ hơn.

"Khả năng thị trường 6 tháng cuối năm có thể tăng trưởng 5% - 10% nếu nguồn cung đạt 10.000 sản phẩm các loại. Để thanh khoản thị trường duy trì mức cao như 6 tháng đầu năm, đòi hỏi sản phẩm cung cấp ra thị trường phải bảo đảm pháp lý; các chủ đầu tư phải có đủ tiềm lực, uy tín; chính sách thanh toán thuận lợi và lực lượng môi giới phải chuyên nghiệp hơn sau thời gian thanh lọc khắt khe vừa qua" - ông Quang nêu quan điểm.

Về tình trạng khan hiếm nguồn cung căn hộ và giá cả tăng vọt, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng thị trường địa ốc thời gian qua không hẳn là khan hiếm mà chỉ là ít hàng chất lượng, chuẩn pháp lý. Bởi nếu khan hiếm thì các BĐS khác cùng phân khúc và cả các phân khúc khác sẽ cùng tăng giá. Trong khi thời gian qua, giá BĐS chỉ tăng nhẹ ở phân khúc căn hộ, bởi 2 năm qua thị trường này không thể ra hàng ồ ạt vì nhiều dự án bị vướng pháp lý.

"Trong thời gian tới, khi các luật mới có hiệu lực (1-8), thị trường BĐS sẽ lành mạnh và minh bạch hơn do những vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ. Từ đó, các dự án sẽ lần lượt được khơi thông, nhiều sản phẩm cung ứng hơn góp phần giảm thiếu hụt nhà ở trên thị trường. Những dự án "ma", những dự án chưa đủ pháp lý cũng mở bán thu tiền của khách hàng hay tình trạng người dân mua nhà trên giấy rồi để đó không biết khi nào bàn giao sẽ được giảm tối đa" - chuyên gia này kỳ vọng.

Giá văn phòng hạng A tiếp tục tăng

Ông Leo Nguyễn, Giám đốc Bộ phận Chiến lược và Giải pháp cho khách thuê của Knight Frank Việt Nam, cho biết quý II vừa qua, giá thuê văn phòng hạng A ở TP HCM tiếp tục tăng cùng với các phân khúc khác và đã chạm mức 58,4 USD/m2/tháng. Nguyên nhân do nhu cầu về không gian văn phòng cao cấp tại các tòa nhà mới có chứng chỉ xanh tăng cao.

Dẫn đầu về nhu cầu thuê văn phòng tại TP HCM là các doanh nghiệp công nghệ, nghiên cứu và phát triển, chiếm đến 51% tổng diện tích giao dịch. Tiếp đó là các doanh nghiệp ngành dược, chiếm 23% tổng diện tích giao dịch. "Dự báo thời gian tới phân khúc văn phòng vẫn giữ xu hướng tích cực do nhu cầu của doanh nghiệp, các tập đoàn tiếp tục gia tăng" - ông Leo Nguyễn nhận định.

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.