(GLO)- Tính đến nay, tổng diện tích mía tại khu vực phía Đông tỉnh đạt 24.000 ha, tăng gấp 10 lần so với thời điểm sau cuộc khủng hoảng mía đường năm 1999-2000, mía trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng của các địa phương trong khu vực. Những năm qua, Nhà máy Đường An Khê trở thành đơn vị đầu tư, thu mua phần lớn nguyên liệu mía khu vực phía Đông. Bước đầu, Nhà máy đã bắt tay với nông dân khởi động lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu phát triển bền vững trên cơ sở hình thành cánh đồng mẫu lớn; cơ giới hóa quy trình trồng, chăm sóc cây mía; chuyển giao giống mía mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Ông Tổng Văn Giang (thôn 4, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) thừa nhận: Trong điều kiện giá mía trên thị trường không ổn định, chi phí ngày càng cao như hiện nay, người trồng mía nếu giữ phương thức trồng, chăm sóc truyền thống thì năng suất không cao, thu nhập thấp. Để giải quyết khó khăn này, ông cùng 15 hộ dân ở thôn 4 phối hợp với Nhà máy Đường An Khê triển khai trồng mía theo mô hình cánh đồng mẫu lớn để đưa cơ giới vào đồng ruộng. Trong quá trình thực hiện mô hình trồng mía cánh đồng mẫu lớn, Nhà máy hỗ trợ 50 tấn phân bã bùn/1 ha và sử dụng cơ giới thực hiện khâu cày, bừa đất, xới cỏ, bón phân… Kết quả mang lại là vụ thu hoạch mía tơ nông dân lãi 23-28 triệu đồng/ha.
Trên thực tế, việc trồng mía theo mô hình cánh đồng mẫu lớn được Nhà máy Đường An Khê triển khai từ vụ mía 2011-2012. Đến nay, Nhà máy đã thực hiện được 50 điểm trồng mía cánh đồng mẫu lớn tại các huyện Kbang, Đak Pơ, Kông Chro và thị xã An Khê với tổng diện tích 612 ha. Theo tổng hợp của Nhà máy Đường An Khê, năng suất mía bình quân cánh đồng mẫu lớn đạt 116,33 tấn/ha, cao hơn diện tích mía trồng cơ giới quy mô nhỏ lẻ 10-20 tấn/ha và cao hơn diện tích mía trồng theo phương thức truyền thống 30-40 tấn/ha. Từ thực tế trên, ông Nguyễn Hoàng Phước-Trưởng phòng Đầu tư Nguyên liệu mía Nhà máy Đường An Khê cho rằng đã đến lúc người trồng mía đặt yếu tố tăng năng suất, chất lượng lên hàng đầu thay cho yếu tố giá mua mía như trước đây. Ông Lê Văn Dũng-nông dân trồng mía ở xã Yang Nam (huyện Kông Chro) cho rằng: Nông dân không quyết định được giá mía nên chỉ còn cách áp dụng các giải pháp tăng năng suất mía. Cụ thể là phải áp dụng cơ giới hóa đưa giống mía mới vào trồng thay thế giống mía cũ đã thoái hóa...
Mô hình mía giống mới LK92-11, cho năng suất và chất lượng cao. Ảnh: Đức Phương |
Các giải pháp nêu trên luôn được Nhà máy Đường An Khê chú trọng thông qua cơ chế hỗ trợ thiết thực cho người trồng mía. Riêng vụ mía năm nay, Nhà máy đã đầu tư 200 tỷ đồng thực hiện các phần việc trên. Tác động của sự đầu tư trên mang lại là diện tích trồng mía bằng giống mới đã qua thử nghiệm như LK92-11, K95-84, K95156… đạt 8.000 ha; năng suất mía bình quân toàn vùng đạt 100 tấn/ha; các mô hình trồng mía xen canh cậy họ đậu, tủ rác cho mía gốc, bóc lá mía và tỉa định cây, tưới nước nhỏ giọt... được nhân rộng cho thấy vùng nguyên liệu mía phía Đông tỉnh từng bước phát triển theo chiều sâu. Tuy nhiên, việc phát triển vùng nguyên liệu mía theo chiều sâu chưa được nông dân thông hiểu. Theo ông Dũng, hiện tại có đến 3/4 sản lượng mía giống đưa vào trồng mới được lấy từ ruộng mía có phun thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều nông dân chưa rõ vì sao phải sử dụng mía tơ làm giống mà không dùng mía gốc, bón phân cho cây mía như thế nào cho hợp lý để cây mía phát triển trong điều kiện thời tiết phức tạp, làm cách nào nhận biết tình trạng thiếu-thừa dinh dưỡng trên cây mía, lợi ích của cơ giới hóa là gì?…
Những điều người trồng mía chưa hiểu đã được các chuyên gia lĩnh vực giống mía, phân bón, áp dụng cơ giới hóa giải đáp cụ thể tại Hội thảo chuyển giao kỹ thuật canh tác mía do Nhà máy Đường An Khê tổ chức mới đây. Hy vọng sau hội thảo này, quy trình nâng cao hiệu quả kinh tế cây mía sẽ có bước chuyển biến mạnh mẽ.
Quang Văn