Theo dấu trà Shan: Bản sắc trà Shan

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Khi nhắc đến trà Shan tuyết cổ thụ, mỗi vùng trà là một vùng văn hóa đa dạng, gắn với dân tộc bản địa, phong vị núi rừng, tín ngưỡng, cả những cách thức thu hái, sao sấy trà được truyền đời qua thế hệ.
 
Các chuyên gia trà đến từ Pháp, Úc trong chuyến tham quan vùng trà cổ thụ Hồ Thầu, Hà Giang. ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH
Bám chặt người lên “ngựa thồ” đường rừng - một cách gọi chiếc Win ở miền cao Tây Bắc - Aumarie Florian, chuyên gia chế biến trà ở Paris (Pháp) nói như hét trong cơn phấn khích: “Điên thật, không thể tin được có một ngày trong đời tôi đi trên con đường khủng khiếp thế này”. Cái khủng khiếp Florian đang trải nghiệm, chính là món “cua núi” đặc sản của Hoàng Su Phì (Hà Giang) với quanh co đèo dốc, toàn góc cua hiểm trở. Đích đến là bản Nậm Piên - nơi có cây trà cổ thụ vừa được công nhận cây Di sản Việt Nam (cuối 2019), được khoa học xác định tuổi đời hơn 600 năm - để tham dự lễ cúng trà của người Dao bản địa.
Trà trong tín ngưỡng dân gian
Điều khác biệt trong trà ở Việt Nam với thế giới là trà xuất hiện cả trong tín ngưỡng dân gian. Tục thờ Mẫu xa xưa đã có vị thánh cô được xưng tụng là “Cô Tám đồi chè”. Tên gọi cô Tám bởi trong hàng Tứ phủ Thánh Cô, cô xếp hàng thứ tám. Tương truyền Cô Tám rất tháo vát, đảm việc nhà, thường hái trà xanh làm thuốc chữa bệnh, trợ giúp dân lành, có công giúp Lê Lợi đánh đuổi quân Minh. Khi mất đi, vua Lê phong công, người đời nhớ ơn thờ phượng.
Trong nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu với 36 giá đồng, có giá Cô Tám đồi chè, lời hát Văn có đoạn: “Có tiên cô Tám hái chè non trên ngàn, lá chè làm thuốc làm thang, búp chè trị bệnh trần gian cô cứu người”. Khi cô ngự đồng, người trình đồng giá cô Tám sẽ thể hiện vũ điệu tay tiên, diễn tả cảnh cô thong dong hái trà làm lá thuốc.
Trà cũng cắm rễ sâu trong tín ngưỡng dân gian qua các nghi thức cúng bái. Người H’Mông Suối Giàng (Yên Bái) dịp xuân mới có lễ cúng cây trà đại thụ to nhất vùng do thầy cúng Giàng Nhà Lử, cũng là người thâm niên nhất Suối Giàng thực hiện.
Thầy cúng Giàng Nhà Lử kể: “Trà cổ thụ với người H’Mông quan trọng lắm, nó là lương thực, thuốc, là của để dành. Có thần sông, thần núi, thần rừng, cây trà cũng là một loại cây thần vì chẳng cần gieo trồng, chăm bón, cây tự mọc và phát triển, đến mùa ra cây hái lá là đủ sống. Từ xa xưa, lễ cúng chúng tôi cử hành như một lời tạ ơn đến thần trà”.
 
Thanh đồng Phạm Ngọc Lan (Hải Phòng) thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong giá hầu Cô Tám đồi chè. ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH
Sinh trưởng trên các vùng núi cao, thường từ 800 m trở lên so với mực nước biển, cây trà Shan tuyết cổ thụ cũng gắn liền với đồng bào Dao. Trong tín ngưỡng của họ, cây trà cũng được tôn thờ như thần linh, ông bà tổ tiên. Việc thể hiện lòng kính yêu ấy thông qua lễ cúng trà, được người Dao ở thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty của Hoàng Su Phì lưu giữ, truyền đời qua nhiều thế hệ.
Người H’Mông lập bàn thờ dưới gốc trà, trang trí bàn thờ, lễ vật có con gà trống còn sống; sau các lời khấn, gà được hóa kiếp tại gốc trà để làm nhiệm vụ chuyển tải lời khấn lên thần linh, nghi thức lễ cúng không quá một giờ đồng hồ. Còn lễ cúng trà của người Dao, vật cúng đặt trên cái mẹt đơn sơ, gồm con gà luộc và rượu, nhưng thầy cúng sẽ đọc bài văn rất dài, liền mạch gần hai giờ đồng hồ.
Mỗi vùng trà Shan đều là một vùng văn hóa riêng biệt, hấp dẫn không chỉ người làm trà, mà còn mở ra cơ hội làm du lịch văn hóa, trải nghiệm trà Shan

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Trà Việt Nam

Ở lễ cúng trà tổ Nậm Piên, thầy cúng Hoàng Xuân Chiêu chia sẻ: “Lễ cúng của người Dao ngày xưa để lại mình không được bỏ. Cúng cây trà, cúng để bảo hộ, cúng để tổ tiên nhà mình ngày xưa năm sáu đời về đây, dùng búp trà này. Cúng hằng năm hoặc ba năm cúng một lần để nhớ công ơn ông cha xây dựng trời, đất, rồi trồng búp cho mình hưởng. Cúng để cầu bình an, ai đến với cây trà khi trở về được tổ tiên phù hộ, đi đường gặp may mắn thôi”.
Bất ngờ trà Shan
Theo dõi nghi thức cúng, chuyên gia trà Aumarie Florian ngạc nhiên cực độ: “Hơn 20 năm đi khắp các vùng trà thế giới, đây là lần đầu tiên trà khiến tôi kinh hãi bởi cung đường Hoàng Su Phì quá hiểm trở, bất ngờ bởi trà là một thành tố trong tín ngưỡng dân gian, và vui sướng cực độ khi được tham dự lễ cúng. Thầy cúng đọc cả tên nước Pháp để cầu bình an cho tôi. Sau lễ cúng, cảm động nhất là lúc thầy cúng trèo lên cây trà tổ, hái búp non, trịnh trọng gói vào chiếc khăn thêu dành tặng người tham dự”.
 
Thầy cúng Giàng Nhà Lử bên bàn thờ dưới gốc trà cổ thụ ở Suối Giàng. ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH
Không chỉ gây ngạc nhiên với bạn bè quốc tế, chuyên gia ngành trà Việt cũng không khỏi bất ngờ. Nói về lễ cúng trà, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Trà Việt Nam, bày tỏ: “Mỗi lễ cúng mang một bản sắc riêng. Bài cúng của người Dao rất dài, thầy cúng nói liên tục không dừng trong hơn một tiếng, nội dung không lặp lại. Lời cúng rất hay, cúng thần linh cây cối, cúng cho mọi người đến đây đường đi thuận tiện, đường về sạch sẽ. Qua đó cũng khẳng định sự khác biệt của trà Shan, mỗi vùng trà Shan đều là một vùng văn hóa riêng biệt, hấp dẫn không chỉ người làm trà, mà còn mở ra cơ hội làm du lịch văn hóa, trải nghiệm trà Shan”.
Nhiều dự án nghiên cứu từ các tổ chức phi chính phủ của Pháp đang tập trung hướng đến trà Shan Việt. Trong chuyến khảo sát một dự án phát triển trà Shan cổ thụ ở làng Mảnh, xã Sùng Đô (H.Văn Chấn, Yên Bái), chị Carine Baudry, nhà báo Pháp, nhận định: “Ở Pháp chúng tôi uống trà đen nhiều, bây giờ mọi người bắt đầu chú ý đến trà xanh. Xu hướng cũng thay đổi, người Pháp trước kia chú trọng vào mùi hương, cách phối trộn, ướp trà cùng hoa, bây giờ họ bắt đầu chú ý đến nguồn gốc xuất xứ và câu chuyện đằng sau nó. Trà Việt có nhiều câu chuyện thú vị, không chỉ là nguyên liệu, thổ nhưỡng, hương vị trà, mà còn là dấu ấn văn hóa rất khác biệt từ mỗi vùng trà”.
Sau đề tài khoa học nghiên cứu các hoạt chất trong trà Shan đã công bố cuối 2019, tiến sĩ Việt kiều Úc Nguyễn Quốc Vọng đang ấp ủ thực hiện nghiên cứu mới về sự thay đổi nội chất trong trà Shan đã được ép thành bánh. Qua thời gian, trà vẫn tiếp tục lên men, nội chất, hương vị, màu nước cũng biến đổi theo hướng tích cực, tốt cho sử dụng, giá thị trường cũng theo độ tuổi của trà mà tăng thêm. Kỳ vọng khi nghiên cứu nội chất trong trà Shan cổ thụ ép bánh của Việt Nam thực hiện sẽ thêm nhiều bất ngờ và cũng để người tiêu dùng nhận ra giá trị thực của trà Shan Việt - một sản phẩm không chỉ tốt về nội dung, mà cả về những câu chuyện văn hóa liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ, con người. Đó chính là bản sắc trà Shan. (còn tiếp)
Trà Shan được giới trẻ tích trữ
Bà Ngô Thị Thúy Hà, chuyên viên đối ngoại Hiệp hội Trà Việt Nam, cho biết: “Hiện xu hướng tiêu dùng trà Shan ngày càng nhiều do dược tính trà Shan rất cao, tốt cho sức khỏe. Khoảng ba năm gần đây, trà ép bánh được người Việt sử dụng nhiều, trước đây sản phẩm này chỉ sản xuất thô, bán cho Trung Quốc, nay người Việt đã làm chủ kỹ thuật, tự sản xuất và đưa ra thị trường. Các bạn trẻ hiện có xu hướng uống trà theo hình thức trữ trà. Có những sinh viên mới ra trường nhưng rất am hiểu về trà, mỗi tháng dành tiền mua một bánh trà cổ thụ lưu trữ sau này uống dần. Đấy là hình thức hoàn toàn mới so với trước đây”.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhận định, hiện nay xu hướng khách bắt đầu đi vào các vùng sản xuất nông nghiệp để du lịch, đây là lợi thế rất lớn để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch ẩm thực, văn hóa. “Thường ẩm thực gắn với sản xuất nông nghiệp để tạo những sản phẩm đa dạng, đây là xu hướng chúng tôi muốn phát triển và gắn với các thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam”, ông Nam nói.

Nguyễn Đình (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.