Theo chân những người tìm mật ong rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Từ tháng 2 đến tháng 5, khi công việc đồng áng đã vãn, một số người dân ở huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) lại rủ nhau vào rừng tìm mật ong. Giọt mật vàng được những chú ong thợ cần mẫn gom góp tinh túy của núi rừng đã mang lại cho người dân khoản thu nhập khá.

Trời chưa tỏ mặt người mà 3 người đàn ông xã Sơn Lang đã có mặt ở vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng tìm lộc rừng. Hành trang mang theo trong ba lô của họ có gạo, nồi niêu, nước uống và dụng cụ để thu hoạch mật ong. Tấp xe vào bụi cây, kiểm tra một lượt đồ đạc, 3 người đàn ông lặng lẽ ngược núi. Đường núi càng cao, tiếng thở nghe càng nặng hơn. Đến một khoảnh rừng rậm rạp, trưởng nhóm Đinh Văn Thiêng và 2 bạn đồng hành dừng lại thầm thì trao đổi rồi tản ra 3 hướng.

Anh Thiêng chia sẻ: “Phải chia ra nhiều hướng thì việc tìm tổ ong sẽ nhanh hơn. Mỗi người có một sở trường riêng mà. Với lại, đi một mình, tiếng ồn ít sẽ giúp chú tâm vào công việc. Nhưng chúng tôi cũng đi gần nhau để tiện cho việc báo hiệu khi phát hiện tổ ong hoặc có gì bất trắc. Hết ngày, số mật thu được sẽ chia đều cho mỗi người”.

Anh Đinh Văn Thiêng trèo lên cây cắt sáp tổ ong. Ảnh: Thiên Di

Anh Đinh Văn Thiêng trèo lên cây cắt sáp tổ ong. Ảnh: Thiên Di

Sau hơn 1 tiếng đồng hồ băng qua những con đường mòn quanh co trong rừng, chúng tôi dừng chân bên dòng suối nhỏ nghỉ ngơi. Đang dở câu chuyện tiếu lâm về nghề “vác mặt lên trời” thì nghe tiếng hú ở sườn dốc gần đó vọng lại, anh Thiêng vội đứng dậy. Chỉ tay lên chỏm cây cao hướng đó, anh Thiêng bảo: “Bạn tôi vừa báo hiệu ở chỗ đó có tổ ong mật. Ong rừng Kbang thường đóng trên cây cao, tàng cây che kín và gần nguồn nước. Khi đi tìm mật, chúng tôi thường lựa những địa điểm như thế, chứ không phải bạ đâu đi đó. Đây là kinh nghiệm do ông cha truyền lại cho chúng tôi từ thuở nhỏ”.

Đến nơi, không ai bảo ai, cả 3 người đàn ông Bahnar chia nhau ra làm phần việc của mình. Một người dùng dao phát dọn dây leo quanh gốc cây cho dễ trèo. Người thì làm mấy bó đuốc bằng củi khô, quấn lá xanh bên ngoài. Người còn lại chuẩn bị vật dụng để đựng mật ong. Trùm mảnh lưới che kín mặt, cột bó đuốc vào người, anh Thiêng ôm thân cây trèo ngược lên cao.

Tiếp cận tổ ong to gần bằng nửa chiếc chiếu hoa, đóng ở một cành cây to, cách mặt đất chừng 30 m, anh Thiêng huơ huơ bó đuốc nghi ngút khói vào một góc tổ. Đàn ong vội vã bay lên không trung để lộ một góc vàng óng. Cùng lúc đó, anh Thiêng nhanh tay dùng dao cắt lấy phần sáp có chứa mật, bỏ vào bao đựng rồi tụt xuống mặt đất. “Chiến lợi phẩm” là khoảng 3 lít mật. Mọi người cùng ngắm nghía, thưởng thức mật ong vàng sóng sánh, thoảng hương thơm hoa rừng. Đây cũng là dinh dưỡng buổi sáng cho những người thợ rừng trong những lần săn lộc trời.

“Chúng tôi đi rừng từ lúc còn bé xíu. Rừng Kbang có nhiều sản vật quý như: quả xoay, mật ong, dược liệu… Trước đây, chúng tôi vào rừng tận thu lâm sản phụ chỉ để phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình. Còn nay thì bán bởi giá mật khá cao. Một lít mật ong rừng có giá 400-500 ngàn đồng. Chưa kể các loại lâm sản phụ khác. Nhờ vậy mà có thêm tiền nuôi con cái ăn học. Cứ tầm từ tháng 2 đến tháng 5, chúng tôi đều vào rừng thu lộc Yàng”-anh Đinh Văn Vất chia sẻ.

Hết buổi sáng, anh Nguyễn Văn Hai cùng nhóm bạn ở xã Sơ Pai thu hoạch được chừng 4 lít mật ong tại một khu vực rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Anh cho hay: “Chúng tôi đi săn mật ong từ tháng 3 vì đây là thời điểm mật ong thơm ngon nhất. Thường thì lúc đầu, chúng tôi sẽ đi ở khu vực rừng quanh xã, sau đó thì đi xa hơn. Như lần này vào Khu bảo tồn cách nhà khoảng 50 km. Ở đây chủ yếu là ong khoái nên làm tổ to, có nhiều mật. Gần 2 tháng nay, tôi cũng có được chừng 8 triệu đồng từ nguồn mật ong rừng, gia đình có thêm tiền trang trải cuộc sống”.

Anh Đinh Văn Thiêng thu hoạch mật ong rừng. Ảnh: Thiên Di

Anh Đinh Văn Thiêng thu hoạch mật ong rừng. Ảnh: Thiên Di

Trò chuyện với các anh, chúng tôi càng hiểu hơn những nỗi vất vả, hiểm nguy của nghề săn ong rừng và những nguyên tắc nghề nghiệp. Họ không chỉ bị ong đốt đến sưng người mà còn trầy xước bởi sơ sẩy lúc leo trèo. Cũng không ít người nằm lại với rừng vì bất cẩn lúc trèo lên cây cao.

“Thu mật ong rừng khá nguy hiểm, chỉ cần lỡ cái là hết đường sống. Nhiều trường hợp lắm rồi. Nhưng người dân ở đây cũng không có phương tiện bảo hộ gì ngoài mấy tấm màn che mặt. Mọi người chỉ biết nhắc nhau phải cẩn thận lúc trèo cây. Khi thu hoạch mật ong phải chừa lại một phần cho đàn, không được lấy hết. Phải như thế thì đàn ong mới sinh sôi, tiếp tục cho mật ở những năm sau”-anh Hai tâm sự.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Quân-Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng-cho biết: Khu bảo tồn có diện tích trên 15.000 ha. 300 hộ dân ở 5 thôn, làng vùng đệm đều được nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng theo hình thức giao khoán. Trong Khu bảo tồn có nhiều loại lâm sản phụ như: mật ong, nấm, dược liệu… Vì thế, hàng năm, bà con thường vào vùng đệm thu hái lâm sản phụ để kiếm thêm thu nhập. Đơn vị cũng tổ chức kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, thu lâm sản phụ không ảnh hưởng đến hệ sinh thái và đảm bảo an toàn, không để xảy ra sự việc đáng tiếc.

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.