Nuôi ong lấy mật trong rừng cao su ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cao su ra lá, ông Chiến mang 200 tổ ong đến, thu cả tấn mật sau ba tháng nuôi rồi chuyển chúng đến nơi khác.
 

 

Những ngày đầu tháng ba, nhiều người nuôi ong vào vụ thu hoạch mật trong những cánh rừng cao su ở Tây Nguyên. Tại rừng cao su ở huyện Đak Hà (Kon Tum), sau khi xin phép nông trường, ông Đỗ Văn Chiến (64 tuổi, quê Quảng Nam) cùng nhân công của mình dựng lán trại để lấy mật ong.

"Chúng tôi nuôi ong theo kiểu du mục, cứ đến mùa hoa nào thì mang tổ ong đến cho chúng tự kiếm mật. Ở Tây Nguyên, khoảng đầu năm thì lá cao su vừa nhú, là giai đoạn cuống lá cho nhiều mật, rất thích hợp để nuôi ong", ông Chiến cho biết.

 

 

Theo ông, việc di chuyển 200 tổ ong đến khu vực mới phải thực hiện trong đêm, nơi đặt tổ kín gió để không làm ảnh hưởng đến đàn. Khi thu hoạch mật, người nuôi đều phải mặc quần áo che kín tay chân, đầu đội mũ lưới nhằm tránh bị ong đốt.

"Nuôi ong theo cách này sẽ giảm chi phí cho ong ăn thêm đường, phấn hoa… mà chất lượng mật lại cao hơn. Cứ vài ngày mình kiểm tra, làm vệ sinh tổ và thêm phấn hoa nếu lượng mật từ cao su không đủ", chủ trại ong nói.

 

 

Loài ong ông Chiến nuôi là giống ong mật Ý, được nuôi phổ biến trên thế giới với sản lượng mật cao. "Những năm 1970, Việt Nam nhập nội giống ong mật này từ nước Ý nên được gọi là ong Ý", ông nói.
 

 

Sau khoảng ba tháng nuôi, các tổ ong đã cho nhiều mật. Để lấy mật, người nuôi dùng bình xịt khói cho ong bay ra khỏi đàn. Với 200 thùng ong, việc thu hoạch mật diễn ra trong một ngày và phải thuê thêm người làm với tiền công 200.000 đồng.
 

 

Khu vực lấy mật được giăng lưới để ong ngửi thấy mùi mật không bu đến.
 

 

Từng cầu ong được người làm dùng dao cắt sạch phần sáp thừa trước khi cho vào máy quay mật. Theo người nuôi, mỗi thùng thường có khoảng 10 cầu ong.
 

 

Những cầu ong sau khi loại bỏ sáp thừa được cho vào thùng quay mật, sử dụng lực ly tâm để mật từ lỗ tổ ong văng ra ngoài.
 

 

"Tốc độ quay vừa đủ để mật chảy ra thùng quay. Nếu quay chậm thì mật sẽ không văng ra hết, còn quay quá nhanh lại văng cả ấu trùng", ông Chiến chia sẻ.
 

 

"Cứ khoảng 80 cầu ong cho ra 30 lít mật. Chỉ trong một ngày quay, chúng tôi thu được hơn 700 lít mật. Nếu trời không mưa, cao su vẫn tiết mật thì có thể quay thêm 2- 3 đợt nữa, mỗi lần quay cách nhau khoảng chục ngày", ông Trần Văn Tư (người làm) cho biết.
 

 

Mật ong từ cây cao su có màu vàng nhạt, mùi thơm và vị ngọt dịu, được bán giá sỉ khoảng 45.000 đồng một lít cho nhà máy.

"Nếu bán lẻ cho người dân thì giá cao gần gấp đôi nhưng không có nhiều người mua. Sau mỗi đợt chúng tôi thu chưa đến trăm triệu đồng, trừ tiền xe cộ, mua phấn hoa, chăm sóc cho ong thì cũng không lời nhiều", ông Chiến chia sẻ.

 

 

Sau đợt nuôi ong ở rừng cao su, ông Chiến sẽ đến các vườn cà phê ở Gia Lai, Kon Tum hay rừng keo ở Quảng Nam khi hoa nở rộ. "Nghề này bấp bênh lắm, cứ nay đây mai đó theo mùa hoa nở. Xui rủi gặp thời tiết xấu, hoa mất mùa hay ong bị dịch bệnh thì coi như hỏng cả vụ làm ăn", người đàn ông 64 tuổi chia sẻ.
 

Quỳnh Trần/VNE

Có thể bạn quan tâm