Từ ngày 1 - 10.7, tại Quy Nhơn sẽ diễn ra Giải võ thuật cổ truyền các võ đường Bình Ðịnh tranh cúp Hoàng đế Quang Trung lần thứ VII, năm 2025. Giải năm nay tiếp tục có một số điều chỉnh nhằm tăng tính hấp dẫn, nâng cao chất lượng chuyên môn, thu hút sự quan tâm của công chúng.
Phát huy sáng tạo, giữ gìn tinh hoa
Trong khuôn khổ Giải đấu, lần đầu tiên Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Bình Định tổ chức Cuộc thi “Tinh hoa đất Võ”. Ở vòng loại, ban tổ chức sẽ chấm các video phần biểu diễn tập thể quyền thuật và đối kháng, thể hiện bản sắc võ cổ truyền Bình Định, với sự tham gia của các võ đường, CLB võ cổ truyền trong và ngoài tỉnh. Trong đó, yêu cầu các đội thể hiện được nét đặc trưng tiêu biểu; thông tin đầy đủ về quá trình hình thành và phát triển, điểm nổi bật, đặc trưng, đặc điểm nhận diện của môn phái, võ đường, CLB. Nội dung thuyết trình được thể hiện bằng chữ hoặc lời bình (ở vòng loại) và bằng lời dẫn trực tiếp đối với các tiết mục được góp mặt ở vòng chung kết. Các tiết mục vượt qua vòng loại sẽ được trình diễn trực tiếp trong đêm khai mạc, dự kiến diễn ra ngày 2.7 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành.
![]() |
Tại võ đường Kim Huệ (huyện Tuy Phước), công tác chuẩn bị cho nội dung quyền thuật đang được tập trung cao độ. Ảnh: H.V |
Đến nay, Ban tổ chức Cuộc thi đã nhận được một số tác phẩm có sự đầu tư, tâm huyết của võ sư và võ sinh từ các võ đường, CLB như: Kim Hoàng, Thanh Hùng (TX Hoài Nhơn), Lê Xuân Cảnh (TX An Nhơn), Kim Huệ (huyện Tuy Phước), Hồ Sừng, Phan Thọ (huyện Tây Sơn), Tài Năng Trẻ (TP Quy Nhơn)…
Có phần thi được chọn vào vòng chung kết, võ sư Kim Huệ (võ đường Kim Huệ) chia sẻ: Tác phẩm dự thi của võ đường do tôi và các học trò lên ý tưởng, dàn dựng để quay và tinh chỉnh. Võ sinh thể hiện các bài quyền và sử dụng binh khí như quạt, kiếm… Thông qua cuộc thi, chúng tôi mong muốn góp phần lan tỏa giá trị của võ cổ truyền, đồng thời cũng là dịp để học trò có thêm sân chơi, động lực rèn luyện, thể hiện sự sáng tạo và thêm tự hào về truyền thống võ học quê hương.
Tích cực chuẩn bị
Giải võ thuật cổ truyền các võ đường Bình Ðịnh tranh cúp Hoàng đế Quang Trung lần thứ VII - năm 2025 vẫn tổ chức thi đấu 2 nội dung đối kháng và quyền thuật. Đến nay, có hơn 40 đơn vị trong và ngoài tỉnh đăng ký tham gia.
Ở nội dung đối kháng, giải tổ chức 3 nhóm tuổi: Lứa tuổi 13 - 14 (10 hạng cân nam, nữ); 15 - 17 (15 hạng cân nam, nữ); 18 - 40 (15 hạng cân nam, nữ). Mỗi đơn vị chỉ được đăng ký 1 VĐV cho mỗi hạng cân.
Ngay sau khi một số VĐV phong trào trở về từ Giải vô địch trẻ võ cổ truyền toàn quốc năm 2025 tổ chức tại Thanh Hóa, các đơn vị tiếp tục duy trì cường độ tập luyện phù hợp để chuẩn bị cho giải đấu cấp tỉnh. Đặc biệt, để nâng cao cảm giác thi đấu, đánh giá lại phong độ, đồng thời điều chỉnh và phân tích điểm mạnh, điểm yếu trước khi bước vào giải cho từng VĐV, nhiều võ đường đã chủ động mời một số đơn vị trong tỉnh tổ chức các buổi thi đấu giao lưu.
Tại võ đường Phan Thọ (huyện Tây Sơn), không khí tập luyện đang bước vào giai đoạn nước rút với cường độ cao. Võ sư Phan Minh Hải cho biết: Võ đường đang tập trung vào 3 yếu tố về thể lực, kỹ thuật, chiến thuật. Một số VĐV vừa tham gia giải kickboxing và giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc trở về, có lợi thế hơn về kinh nghiệm và xử lý tình huống trên sàn đấu. Chuyên môn của các đơn vị đã nâng lên rõ rệt theo từng năm, vì vậy các võ sĩ của chúng tôi tập trung cao độ, nỗ lực hơn cho giải đấu lần này.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, một số CLB, võ đường nằm trong nhóm tranh chấp cúp vô địch ở nội dung quyền thuật, gồm: Võ đường Kim Huệ (Tuy Phước), võ đường Hồ Bé, Hồ Sừng (Tây Sơn), CLB Nguyễn Thanh Vũ (TP Quy Nhơn), võ đường Kim Hoàng (TX Hoài Nhơn), CLB võ cổ truyền Trường THCS Nhơn Bình… Bên cạnh đó, sự góp mặt của một số võ đường, CLB ở các tỉnh, thành khác cũng là những ẩn số thú vị cho giải lần này.
Theo điều lệ năm nay, nội dung quyền thuật được chia thành 4 nhóm tuổi: Thi đấu các bài quyền thuật quy định và quyền binh khí quy định (lứa tuổi 6 - 10, 11 - 14, 15 - 17, 18 - 40); thi đấu quyền tập thể (lứa tuổi 6 - 11, 12 - 15, 16 - 18); quyền tự do, đối luyện. Võ sư Kim Huệ, chia sẻ: Năm nay, việc thi đấu các bài quyền thuật quy định theo từng nhóm tuổi là một thách thức không nhỏ, yêu cầu cao hơn về kỹ thuật, độ sắc nét trong từng động tác. Chúng tôi phải lựa chọn bài phù hợp với thể hình, sở trường và khả năng của võ sinh, từ đó mới có thể phát huy được thế mạnh và tạo sự khác biệt so với các đơn vị khác.
Ông Bùi Trung Hiếu, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Bình Định, cho biết: Việc điều chỉnh, bổ sung nội dung thi đấu qua từng năm thể hiện tinh thần đổi mới và sự nghiêm túc trong công tác tổ chức, nhằm vừa nâng tầm giải đấu theo hướng vừa chuẩn hóa về chuyên môn, vừa giữ gìn bản sắc riêng của võ cổ truyền Bình Định. Đây không chỉ là dịp để các võ đường, CLB trong tỉnh cọ xát, kiểm nghiệm chất lượng huấn luyện mà còn góp phần khích lệ phong trào tập luyện võ cổ truyền, khơi dậy niềm tự hào, phát huy và tiếp nối tinh hoa võ học của vùng đất Võ.
KIỀU VY