(GLO)- Giám đốc Trung tâm Thủy sản Gia Lai Phạm Hữu Phước đưa tôi đi một vòng thăm cơ sở sản xuất cá giống của đơn vị. Thời tiết tháng tư trong thung lũng Bình Giáo, Chư Prông mới hơn 7 giờ sáng mà đã khá oi bức, nước trên con mương nhỏ dẫn từ đập thủy lợi Thăng Bình về không còn đầy, mực nước trong các ao nuôi cá cũng hạ thấp chỉ còn chừng ba bốn chục phân. Thế nhưng đi giữa những hàng ao lớn nhỏ, ao này nối tiếp ao kia nghe tiếng cá quẫy đớp không khí giữa hàng ngàn bong bóng tròn đồng tâm lan rộng trên các mặt hồ thật vui tai.
Ảnh: Trần Hiếu |
Phước cho biết, đây là cơ sở nuôi cá có từ thời chính quyền Ngô Đình Diệm, sau ngày giải phóng được ta tiếp quản và cũng tổ chức nuôi cá song trải qua nhiều giai đoạn sản xuất không hiệu quả. Đến tháng 8-2011, sau khi được các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ và tham mưu, UBND tỉnh duyệt đề án khoa học và ra quyết định thành lập Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai với nhiệm vụ tiếp nhận và nhân giống thủy sản mới, giống gốc; tiếp nhận và ứng dụng công nghệ mới cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất giống hàng hóa…
Cơ sở nuôi cá của Trung tâm xây dựng khá quy mô trên mặt bằng hơn 11 ha. Ngoài trụ sở làm việc hai tầng, trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị thí nghiệm, đơn vị cho đào và xây kiên cố 30 ao nuôi các loại cá như: lăng, trắm cỏ, trắm đen, diêu hồng, chép, rô phi, mè vinh, trôi, trê phi… Ngoài ra còn bố trí một số ao nhỏ nuôi cá con, làm nhà sinh sản cho cá truyền thống và các loại cá đặc sản như lăng, diêu hồng. Trong nhà là một bể lớn hình tròn đường kính hơn 6 mét, sâu 1,5 mét dành cho cá đẻ, sau đó đưa qua một bể lọc lấy trứng rồi tiếp tục chuyển qua 4 bể ấp nhỏ hơn.
Cho cá ăn. Ảnh: Nguyên Anh |
Trung tâm hiện có đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên ngành 13 người được đào tạo bài bản, trong đó có 4 kỹ sư thủy sản, 1 kỹ sư công nghệ sinh học thủy sản… Ngay cả Giám đốc Phạm Hữu Phước sau khi tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang cũng trở về Gia Lai công tác, gắn bó với ngành nông nghiệp đã 15 năm. Hiện nay, đơn vị là trung tâm giống thủy sản lớn nhất và độc nhất ở Tây Nguyên (cơ sở ở Kon Tum quy mô chỉ là trạm). Sau khi chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013, đến nay Trung tâm đã xuất bán hơn 14 triệu cá bột các loại, xuất hơn 2 tấn cá giống, ươm 10 triệu cá bột cung ứng cho nhu cầu nuôi cá của các hộ nuôi cá trong tỉnh, tập trung ở huyện Phú Thiện, thị xã Ayun Pa, TP. Pleiku… Trung tâm không chỉ bảo đảm được việc bảo tồn, dự trữ nguồn giống thủy sản gốc, cá bố mẹ phục vụ sản xuất mà còn tổ chức nhiều đợt thả giống thủy sản ra các thủy vực nhằm bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản của địa phương. Bên cạnh đó bước đầu còn tổ chức nghiên cứu, nuôi khảo nghiệm, lai tạo và tiếp nhận, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất thủy sản của địa phương, xây dựng các mô hình trình diễn về giống thủy sản…
Gia Lai hiện có 13.380 ha mặt nước đang nuôi thủy sản, trong năm nay phấn đấu nâng lên 14.000 ha nuôi trồng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có tổng trữ lượng nước lên đến 23 tỷ mét khối, tập trung ở 2 hệ thống sông Ba và sông Sê San cùng các hồ có diện tích mặt nước lớn như: Ayun Hạ 37 km2, Ia Ly 64,5 km2… là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản quy mô, áp dụng công nghệ nuôi và đánh bắt hiện đại. Trong những năm qua, đã có một số cơ sở tổ chức nuôi cá trên các hồ, ao ở Phú Thiện, Kbang, Chư Pah… nhưng thiếu quy mô, phần lớn nguồn cá giống đều mua từ nơi khác về hoặc tự ươm lấy, nhân giống không đảm bảo chất lượng… ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu và chất lượng thủy sản thương phẩm. Sự ra đời và hoạt động của Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai như một cú huých tác động mạnh đến sản xuất đồng thời mở ra triển vọng mới cho ngành nuôi trồng thủy sản nói chung và cá nước ngọt nói riêng. Với tiềm năng sẵn có về diện tích mặt nước và nguồn nước như đã nêu trên, cùng với thuận lợi về thời tiết, tiểu vùng khí hậu cao nguyên, hy vọng rằng không lâu nữa nguồn cá thương phẩm cùng với các thế mạnh về cây công nghiệp, tạo nên một diện mạo mới trong nền kinh tế của Gia Lai.
Nguyên Anh