(GLO)- Đó là nhận xét mà bao thế hệ học trò đã dành tặng thầy giáo Nay Nhất. Bởi lẽ, ông là người thầy tận tụy của Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa.
Giáo viên chủ nhiệm giỏi
Cuộc trò chuyện giữa tôi và thầy Nay Nhất đang lúc sôi nổi thì bị gián đoạn bởi cuộc gọi của một học trò cũ hỏi thăm sức khỏe thầy. Xong cuộc gọi, thầy vui vẻ khoe: “Ngoài hỏi thăm sức khỏe, nhiều học trò cũ còn tìm đến tôi để xin ý kiến về những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hay tâm sự chuyện riêng tư. Với học sinh nào, tôi cũng sẵn sàng lắng nghe. Nhiều em còn chạy thẳng lên trường để tìm gặp tôi mỗi khi có dịp về huyện. Tất cả những tình cảm ấy tôi vô cùng trân quý”. Trong 6 năm làm công tác chủ nhiệm, thầy Nay Nhất đã có gần 200 học trò coi thầy như bố. Đặc biệt, thầy đã trở thành nhân vật chính trong đề làm văn “Hãy viết về người mà em yêu quý nhất” của nhiều học trò với câu kết nổi tiếng: “Thầy Nay Nhất của chúng em là nhất!”.
Nhớ lại năm đầu tiên vào trường, em Lý Thị Lan (lớp 7.1) vẫn còn chút xấu hổ. Lan kể: Vào học trường nội trú đồng nghĩa với việc phải xa bố mẹ nên em rất sợ. Em đã khóc rất nhiều, đòi bỏ về nhiều lần. Thầy Nay Nhất phải mời mẹ em lên trường ở cùng để em yên tâm và quen dần với môi trường nội trú. Cùng với sự động viên của thầy, chỉ sau 2 ngày, em đã đồng ý để mẹ về và vui vẻ một mình ở lại trường. Dưới sự dìu dắt của thầy chủ nhiệm Nay Nhất, từ một cô bé nhút nhát, Lý Thị Lan giờ đã trở thành học trò giỏi, đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi kể chuyện, vở sạch chữ đẹp. Lan nói: “Thầy là tấm gương để chúng em noi theo. Thầy như người bố thứ 2. Thầy quan tâm, yêu thương chúng em vô điều kiện và tìm mọi cách để đưa những bạn bỏ học trở lại trường. Cả lớp em chỉ mong được “bố” Nay Nhất chủ nhiệm cho đến khi ra trường”.
Thầy Nay Nhất hướng dẫn các em học sinh tập múa xoang. Ảnh: N.G |
Với lợi thế hiểu rõ tâm lý học sinh dân tộc thiểu số và áp dụng nhiều cách làm phù hợp với từng em, thầy Nay Nhất luôn duy trì sĩ số đạt 100% đến cuối năm học trong suốt 6 năm qua. Cô Võ Thị Thu Thủy-Hiệu trưởng nhà trường-bày tỏ: “Tôi thực sự rất tự hào khi đặt niềm tin và giao phó trọng trách giáo viên chủ nhiệm cho thầy Nay Nhất. Thầy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bằng sự nghiêm khắc và tình cảm ấm áp. Thầy còn trở thành tấm gương cho nhiều thế hệ học trò noi theo và cố gắng học tập. Nhờ đó, rất nhiều học trò của thầy Nhất nay đã trở thành giáo viên, Công an đang công tác tại địa phương”.
“Truyền nhân” của văn hóa dân tộc
Bộc lộ nhiều năng khiếu ở lĩnh vực thể dục thể thao nhưng chàng thanh niên Nay Nhất ngày nào lại quyết định chọn Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai để thỏa niềm đam mê với âm nhạc. Là người con của buôn Tong Sê (xã Ia Trok, huyện Ia Pa), Nay Nhất đã say mê tiếng cồng chiêng vang vọng và những giai điệu mạnh mẽ của âm nhạc Tây Nguyên. Tốt nghiệp loại ưu Khoa Sư phạm âm nhạc và gắn bó với Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa từ năm 2006 (năm thành lập trường), thầy Nhất đã trở thành “nhạc trưởng” trên cương vị Tổng phụ trách Đội đa tài. Ngoài việc dàn dựng các tiết mục văn nghệ, thầy còn là huấn luyện viên đội bóng đá của trường và huấn luyện viên đội tuyển bắn nỏ của huyện. Suốt 8 năm làm công tác Đội, thầy Nhất đã cùng giáo viên, học sinh nhà trường mang về vô số thành tích xuất sắc trong các hội thi thể dục thể thao, văn hóa-văn nghệ cấp huyện, tỉnh. Nhiều năm liên tiếp Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa giành giải nhất toàn đoàn tại Hội khỏe Phù Đổng và trở thành đơn vị không đối thủ ở đấu trường này tại địa phương.
Thầy Nay Nhất luôn tạo không khí vui vẻ cho các lớp học. Ảnh: N.G |
Bên cạnh đó, thầy Nhất cũng không thôi trăn trở về nguy cơ mai một của văn hóa truyền thống. Do đó, vào năm 2017, khi Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa được Phòng Văn hóa-Thông tin huyện chọn là đơn vị điểm bảo tồn cồng chiêng truyền thống, thầy Nhất đã dành nhiều tâm huyết cho công tác này. Thầy đã theo học nghệ nhân Nay Phai và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành lớp truyền dạy cồng chiêng. Học ngoài giờ lên lớp, không thù lao nhưng trong gần 4 năm qua, thầy Nhất chưa một ngày không chăm chút cho đội cồng chiêng với hơn 30 học sinh của nhà trường. Em Siu Nay H’Nhung (lớp 9.2) cho biết: “Thầy Nhất chọn học sinh vào đội cồng chiêng không chỉ vì năng khiếu mà còn cần có đam mê. Thầy bảo nếu không đam mê, âm nhạc sẽ không có hồn, điệu xoang sẽ không uyển chuyển. Do đó, chúng em ai cũng cố gắng, nghiêm túc luyện tập để cùng thầy giữ truyền thống dân tộc mình. Em rất tự hào khi được thầy chọn”.
Không chỉ các thế hệ học trò tự hào khi được thầy Nay Nhất dạy dỗ mà nhiều đồng nghiệp ở vùng đất này cũng dành lời khen ngợi khi nói về “truyền nhân văn hóa” Nay Nhất. Thầy giáo Vũ Tam Thăng nhận xét: “Chúng tôi khâm phục sự tâm huyết, nhiệt tình của thầy Nay Nhất. Thầy ấy đang giữ hồn chiêng dân tộc mình bằng cả trái tim. Chúng tôi tự hào khi những thanh âm vang dội núi rừng của đội cồng chiêng nhà trường đã trở thành điều mà nhiều người dân chờ đợi để thưởng thức vào mỗi chiều”.
NGUYỄN GIANG