Từ việc thầy Phạm Đình Thu - Hiệu trưởng trường tiểu học Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô (Kon Tum) nhận 2 em nhỏ làm con đỡ đầu, giờ đây có gần 30 em học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được các thầy cô giáo chăm sóc như con.
Thầy hiệu trưởng Phạm Đình Thu tới nhà thăm con đỡ đầu |
Thầy hiệu trưởng đỡ đầu 2 anh em mồ côi
Hai anh em A Chất 10 tuổi và em gái Y Viên 9 tuổi ở làng Đăk Tông, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, sống thiếu tình thương của cha mẹ. Cha đã chết cách đây chừng 5 năm, còn mẹ đã theo người đàn ông khác tận xã Văn Lem, huyện Đắk Tô phía Bắc dãy núi Ngọc Linh. Thấy cháu côi cút, người bác thương đón về chăm, khổ nỗi vợ chồng ông cũng quá nghèo.
“Vợ chồng mình có 7 người con, lại thuộc diện hộ nghèo, không thể bỏ rơi cháu mình được nhưng đón cháu về không đủ lo cho cháu, áy náy lắm chú à!”- ông A Bhrem buồn rầu chia sẻ với tôi! Nhà ông nhỏ xíu, không có vật dụng gì đáng giá. Để có đủ chỗ cho cả 11 thành viên trong gia đình, ông đã cải tạo nhà bếp thành phòng ngủ! Gian phòng bốn bề gió lùa vì thưng bằng phên nứa, không ngăn nổi gió lạnh và mưa rừng, mái tôn lợp thấp lè tè dễ chạm đầu.
“Mẹ tụi nhỏ từ ngày bỏ đi bắt chồng mới tận bên xã Văn Lem chẳng một lần quay về thăm con, biệt tích luôn!”- một người hàng xóm cạnh nhà kể. Hai đứa trẻ mồ côi vừa ngoan vừa chăm học nên bà con người Xê Đăng làng Đăk Tông này ai cũng thương. Ngoài một buổi đi học, hai anh em A Chất và Y Viên còn đi mót củ mì, chăn bò, tranh thủ gom nhặt phân bò về bán, mỗi bao được 30-40 ngàn đồng để góp tiền mua sách vở.
|
Tháng 8/2018, xem ti vi thấy thầy giáo miền núi tỉnh Quảng Ngãi nhận chăm sóc trẻ mồ côi, mình nghĩ họ làm được sao mình không học hỏi làm theo?- thầy Phạm Đình Thu - hiệu trưởng trường tiểu học Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô nghĩ vậy, nên vào xã khảo sát, và phát hiện khá nhiều cháu mồ côi cha mẹ.
“Ban đầu mình nghĩ nhận đỡ đầu một cháu thôi, nhưng 2 anh em cùng mồ côi mình không nỡ để cháu kia thiếu thốn. Thế là về bàn với vợ nhận nuôi hai cháu luôn”- thầy Thu cho biết. Việc đầu tiên thầy Thu phải bắt tay ngay là đi mua sắm áo quần, sách vở, dép… “Hai cháu chỉ có vài manh quần áo cũ sờn, dép thì tuyệt nhiên không có, nhìn cám cảnh xót xa lắm”. Tính từ đầu năm học đến giờ thầy đã mua cho 2 con nuôi hơn 60kg gạo, đem tấm đắp cho 2 con đủ ấm, và gửi thêm ít tiền cho vợ chồng ông A Bhrem mua thêm mắm muối...
Việc tốt lan tỏa
Thấy việc làm của thầy Thu thiết thực, hiệu quả. Ngay tại trường, có tới 25 giáo viên lần lượt tự nguyện nhận đỡ đầu 27 em mồ côi, những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để chăm sóc, giúp đỡ. Cô giáo Bùi Thị Diễm Ly - giáo viên chủ nhiệm lớp 5B nhận chăm sóc em Y Xi. Còn cô Lê Thị Hường - giáo viên chủ nhiệm lớp 4B Trường TH Ngọc Tụ nhận đỡ đầu em A Giô ở làng Kon Pring. “Mình xuống tận nhà động viên, thăm hỏi thường xuyên, tìm hiểu hoàn cảnh rồi mua sắm cho em toàn bộ sách vở, áo quần, giấy bút. Giáp tết nguyên đán, mình dặn các em đầu năm học mới đến trường sẽ được nhận bao lì xì… Đây là năm học đầu tiên đủ 100% sĩ số học sinh, không như tình trạng trước đây hễ cứ sau kỳ nghỉ tết, học sinh lại vắng học nhiều lắm”- cô Hường kể.
Biết giáo viên vùng sâu kinh tế không khá giả gì, nhưng ai cũng “đèo bòng” thêm một học trò thế này, các phụ huynh cảm động lắm! Ông A Ngô bố của em A Giô nắm chặt tay cô Hường lắc lắc: “Mình chỉ biết cảm ơn nhiều nhiều thôi! Định đưa mấy đứa nhỏ lên chòi rẫy ở cùng, nhưng tụi nhỏ nhất quyết không chịu đi, cứ đòi đến trường đi học thôi mới chịu… để được các thầy cô chăm sóc. Được thầy cô xem như con cái ruột thịt, tụi nhỏ vui, cả làng ai ai cũng vui , biết ơn các thầy cô lắm!”.
Vừa dọn cơm cho học trò ăn trưa tại trường, cô Ly cho chúng tôi biết thỉnh thoảng các cô tổ chức đi chợ, mua thức ăn, về nấu cơm rồi mang vào trường để “chiêu đãi” cả lớp, nên các em phấn khởi lắm. Từ những việc làm này mà nhà trường không còn tình trạng học sinh bỏ học, các em ngoan ngoãn, lễ phép hơn.
Việc những thầy cô giáo ở huyện Đăk Tô gom góp từng đôi dép, từng bộ áo quần cũ, giặt giũ sạch sẽ mang vào trường trao tặng cho học trò nghèo vùng sâu làm nhiều người xúc động. Tuy nhiên thầy Thu, hiệu trưởng nhà trường vẫn băn khoăn: “Chặng đường phía trước của các cháu còn dài. Các cháu cần nhiều sự chăm lo hơn nữa mà khả năng bảo trợ của các thầy cô chỉ có hạn. Về lâu dài có lẽ mình phải liên hệ xem Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum có thể tiếp nhận và chăm lo cho các cháu tốt hơn không”.
H.Hà (TPO)