Thầy giáo "ve chai"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chúng tôi đến nhà thầy giáo Ngô Văn Thiệu, Tổ trưởng Tổ Vật lý, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức, TPHCM) vào một chiều cuối tháng 8. Căn phòng nhỏ ngoài đồ dùng dạy học còn được bài trí với hơn 30 mô hình ứng dụng khác nhau. Đáng nói, tất cả sản phẩm đều được làm từ vật liệu tái chế, vừa gần gũi, vừa mang đậm chất “học trò”.  
Nhà chế tác không cần bằng sáng chế
Những năm tháng còn ngồi trên ghế giảng đường, cậu sinh viên nghèo Ngô Văn Thiệu đã tự mày mò, tận dụng những vật dụng bạn bè xung quanh bỏ đi như: que nhựa, dây dẫn điện, pin đồng hồ; và vận dụng thêm kiến thức được học trên lớp để sáng tạo ra nhiều mô hình tự chế. Đến khi trở thành thầy giáo đứng trên bục giảng, ngoài thời gian lên lớp và soạn giáo án, thì thầy giáo trẻ đã dành toàn bộ thời gian trống để viết tiếp đam mê sáng tạo ra các mô hình, sản phẩm tự chế. 
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Thiệu cho biết, thành tựu sau hơn 35 năm đi dạy không phải là bằng khen, thành tích mà là chiếc tủ gỗ đơn sơ, được kê trang trọng ngay giữa phòng khách, ở đó lưu giữ hơn 30 mô hình ứng dụng lớn, nhỏ khác nhau. 
Chỉ tay về phía 2 con robot thông minh được trưng bày ở góc tủ, ánh mắt người thầy sáng lên niềm tự hào khi robot ngoài việc có thể di chuyển còn có chức năng dò đường và gắp những đồ vật nhỏ. Đáng nói là robot được tạo ra từ những vật dụng rẻ tiền, dễ tìm trong cuộc sống hàng ngày như bìa các tông, que gỗ, thanh kim loại... 
Ở một góc tủ khác là mô hình xe đua tự chế theo nguyên tắc cực âm - dương của dòng điện một chiều. Xe có thể chuyển động với vận tốc rất nhanh trong một đường đua khép kín mà không bị lực ly tâm đánh bật ra khỏi đường ray.
Ngoài ra, tủ trưng bày đồ sáng chế còn có nhiều sản phẩm khác như: lồng đèn kéo quân có công tắc bật đèn sáng - tối, mô hình con lắc kép trang trí, đồng hồ hiển thị giờ nhờ vào hệ thống ròng rọc tự động… Song, ấn tượng nhất với chúng tôi là chiếc “xe đạp có động cơ”, hoạt động nhờ vào động cơ của máy cắt cỏ. Khi điều khiển “tay ga”, động cơ sẽ đốt nóng bằng xăng, chuyền chuyển động qua bánh nhông, đẩy 2 bánh xe đạp quay.
“Xe đạp cũ của con, động cơ máy cắt cỏ tôi chỉ tốn 600.000 đồng mua lại từ tiệm đồ sắt. Tôi mua thêm khung sắt để cố định các bộ phận. Vậy là đã có chiếc xe đạp đa năng có thể vừa đạp bằng chân, vừa chạy bằng động cơ theo ý muốn người sử dụng”, thầy Thiệu trìu mến nhìn đứa con tinh thần của mình sau 2 tháng trời ấp ủ. 
Nhiều đồng nghiệp ở Trường THPT Nguyễn Hữu Huân cho biết, dù sở hữu bộ sưu tập sản phẩm khá ấn tượng, nhưng thầy Ngô Văn Thiệu không đăng ký sáng kiến kinh nghiệm mà chỉ làm vì mục đích bổ sung thêm trang thiết bị dạy học cho học trò. Trong đó, nhiều sản phẩm sau khi được trưng bày ở phòng STEM của trường đã được các doanh nghiệp chào mua với mức giá khá cao nhưng thầy kiên quyết không bán.
“Tôi không ngại la cà ở tiệm ve chai, nhặt nhạnh những thứ người ta bỏ đi, lên lớp thì xin học trò vỏ hộp kẹo, nắp chai nhựa, que kem các em đã sử dụng để chế tạo ra những món đồ phục vụ trở lại quá trình học tập của các em. Với tôi, ánh mắt háo hức và thích thú của học trò có giá trị lớn hơn mọi thứ vật chất, tiền bạc”, thầy Thiệu bày tỏ. 
 
Thầy giáo Ngô Văn Thiệu cùng học sinh say sưa với những sáng kiến. Ảnh: HOÀNG HÙNG 
Nhiều đêm đang ngủ, trong đầu chợt nảy ra ý tưởng hay, thầy Thiệu lại bật dậy ghi chép. Sức khỏe nhiều năm gia giảm theo tuổi tác. Thị lực không còn như ý khiến hộp đồ nghề phải bổ sung thêm vài chiếc kính lúp. Đôi bàn tay đen sạm, gân guốc, ngoài dấu vết của thời gian còn lưu lại nhiều sẹo phỏng, vết kim loại cứa. Tự nhận mình rất mù mờ về tiếng Anh và công nghệ, nhưng không vì thế mà tình yêu dành cho việc sáng tạo mô hình vơi cạn đối với người thầy chuẩn bị bước vào tuổi 60. Ông bà xưa dạy “Con hơn cha là nhà có phúc”, với người thầy mái tóc bạc trắng quá nửa mái đầu, “trò giỏi hơn thầy mới là hạnh phúc”.
Hạnh phúc của người truyền lửa
Ngoài đam mê sáng chế, thầy giáo Ngô Văn Thiệu còn thường xuyên đưa các mô hình, sản phẩm tự chế của mình vào những giờ dạy trên lớp. Trong từng bài giảng, thay vì dạy học trò lý thuyết suông theo sách giáo khoa, thầy Thiệu đã khéo léo lồng ghép vào bài giảng các mô hình, sản phẩm, giúp học trò tìm thấy mối liên hệ giữa kiến thức môn học và những ứng dụng trong thực tế. Từ đó, giúp các em hiểu bài nhanh, nhớ lâu kiến thức và đặc biệt ngày càng yêu thích môn Vật lý. Nhờ cách dạy gần gũi và đầy sáng tạo, thầy được rất nhiều học sinh trong trường yêu mến và đặt biệt danh là “thầy giáo mô hình”. 
Ngoài ra, với tư cách là Tổ trưởng Tổ Vật lý, hàng năm thầy Thiệu đều phối hợp với các giáo viên trong tổ bộ môn tổ chức nhiều cuộc thi, sân chơi ngoại khóa cho học sinh như: thi làm đèn Trung thu, đua xe thể thức 1…
Thầy Thiệu cho biết: “Nhiều học sinh của tôi thời gian đầu ngán học môn Vật lý. Do đó, tôi muốn chủ động đem môn học này đến gần hơn với các em thông qua nhiều sân chơi, hoạt động học mà chơi bổ ích. Không có hạnh phúc nào lớn hơn đối với người thầy là được nhìn các em say mê thảo luận về một giải pháp nào đó, hơn nữa đó còn là động lực giúp tôi tiếp tục cố gắng, mong muốn làm được nhiều hơn cho các em”. 
Nỗi niềm trăn trở của người thầy là trường học đã qua nhiều lần đổi mới sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông nhưng đến nay vẫn mang nặng tính hàn lâm, việc cải tiến chưa đi sâu vào nội dung mà chỉ mới quan tâm hình thức, trong đó yêu cầu liên hệ thực tiễn không được chú trọng, khó tạo cơ hội cho học sinh phát triển khả năng tư duy và năng khiếu. Từ hạn chế đó, bằng tình yêu và tâm huyết dành cho học trò, thầy đã tự mình lên mạng, tham khảo những mô hình, cách làm hay của nước ngoài, sau đó mày mò, sáng chế lại theo cách riêng. Mỗi khi một sản phẩm mới được “khai sinh”, thầy Thiệu lại hào hứng mang vào trường chia sẻ với đồng nghiệp trong tổ bộ môn. Với học sinh, thầy chỉ dẫn tận tình, động viên các em, nếu tìm được cách làm hay hơn thầy sẽ được tuyên dương, khen thưởng. Chia sẻ về dự định sau khi về hưu, thầy Ngô Văn Thiệu cho biết, sẽ tiếp tục gắn bó với tủ đồ nghề, với ngổn ngang máy khoan, mạch điện, ốc vít.
“Tôi quan niệm, sự học là mãi mãi nên chừng nào còn sức khỏe, còn trí óc, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, có sản phẩm hay lại gửi tặng cho trường, vì vật lý từ lâu đã trở thành hơi thở, là đam mê và máu thịt cuộc đời tôi”, thầy Thiệu tâm tư. 
Khi được hỏi về ước mơ, người thầy dốc lòng chia sẻ: “Tôi chỉ mong học trò của mình được tiếp cận nhiều hơn các thiết bị công nghệ, đồng nghiệp đến ngày nào đó có thể cởi bỏ áp lực cơm áo gạo tiền để toàn tâm, toàn ý đầu tư cho bài giảng”.
Nghề giáo như một duyên nợ tình cờ, đến nay sau hơn 35 năm gắn bó, thầy Ngô Văn Thiệu cho biết vẫn còn rất nhiều điều muốn làm cho học trò. Những đóng góp của thầy tuy nhỏ nhưng sẽ thắp thêm một ngọn lửa, nuôi dưỡng lòng say mê và tinh thần ham học hỏi nơi học sinh.
Chia tay chúng tôi, giọng cười rặt chất Nam bộ vang lên đầy sảng khoái: “Tôi chưa già đâu cô. Trong đầu còn ấp ủ nhiều dự định làm mô hình lắm”. Chúng tôi nhìn bóng thầy hòa lẫn vào dòng xe cộ đang tấp nập lưu thông trên đường, những vòng quay bánh xe vẫn đều đều, dù không nhanh nhưng luôn tiến thẳng về phía trước… 
Thu Tâm (SGGP Online)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.