Thấp thỏm, lo âu và mong ngóng… đó là tình trạng của hàng chục hộ dân sinh sống tại đường Hồ Tùng Mậu, phường 10, TP Đà Lạt, Lâm Đồng, suốt hai năm qua vì nhà ở đang bị nứt nẻ, sụt lún nghiêm trọng. Tình trạng này xảy ra khi công trình dự án Trung tâm trưng bày, mua bán cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn toàn cầu của Toyota thi công phần móng và tầng hầm.
|
Nhiều hộ dân sống thấp thỏm bên công trình dự án tại trung tâm Đà Lạt. |
Cảm giác bất an khi ở nhà
Ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Lộc (15C Hồ Tùng Mậu, Phường 10, TP Đà Lạt), nằm cạnh công trình đang thi công, thuộc dự án Trung tâm trưng bày, mua bán cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn toàn cầu của Toyota. Hàng chục năm qua, bao thế hệ gia đình ông sinh sống yên ổn tại đây. Nhưng, suốt hai năm nay, cả nhà cảm thấy bất an, lo lắng khi trú ngụ chính trong ngôi nhà của mình, vì ngôi nhà xuất hiện nhiều vết nứt từ phần kè, đến nền và tường.
“Thêm một mùa mưa đã cận kề, sống trong căn nhà như thế này rất bất an, ảnh hưởng lớn đến tinh thần, sức khỏe. Thời gian qua, phía dự án cũng đã tiến hành gia cố những vết nứt, nhưng chúng tôi không thể yên tâm, vì hết vết nứt này lại xuất hiện vết nứt khác. Không biết phải sống trong hoàn cảnh như thế này đến bao giờ”, ông Lộc nói.
Gần nhà ông Lộc, ngôi nhà gia đình ông Nguyễn Thông (17B Hồ Tùng Mậu) cũng xuất hiện hàng loạt vết nứt từ sân đến tường nhà. Ngôi nhà này được gia đình ông xây cất từ năm 2005, ba thế hệ đang sống yên ổn, thì giờ phải chịu cảnh lo âu, mong ngóng. Ông Thông đề đạt: “Mong chính quyền các cấp can thiệp giúp bà con, chứ càng ngày nhà càng lún, ở mà lo lắng, nguy hiểm. Nhất là khi mùa mưa đang đến gần”.
|
Tường nhà bị nứt toác, hộ dân ở 15C Hồ Tùng Mậu phải tạm di dời đến nơi ở an toàn. |
Cùng với gia đình ông Lộc, ông Thông, 18 hộ dân khác trong khu phố đều chung tình cảnh. Dù phía nhà đầu tư cùng đơn vị thi công đã vài lần xuống kiểm tra hiện trường, gia cố các vị trí nứt, sụt lún; nhưng đó mới chỉ là giải pháp tạm thời và khi có trận mưa lớn, những hộ dân nơi đây đều đứng ngồi không yên.
Bà Nguyễn Thị Gái đã vào tuổi “xưa nay hiếm” tâm tư: “Nhà tôi toàn đàn bà, giờ nhà cửa bị nứt nẻ, sụt lún như thế này… lo lắm. Mong bên dự án sớm đền bù cho gia đình để sửa chữa lại, chứ mùa mưa đến thì không biết sao”.
Liên quan vụ việc, ông Tôn Thất Thanh Vũ, Chủ tịch UBND Phường 10, TP Đà Lạt, cho biết: Ngay khi nhận được phản ánh của người dân, phường đã thành lập tổ công tác xuống kiểm tra, đánh giá hiện trạng và báo cáo UBND thành phố, Sở Xây dựng tỉnh, đồng thời tiến hành xử lý ngay vụ việc. UBND TP Đà Lạt đã chỉ đạo các phòng liên quan và UBND Phường 10, khẩn trương thực hiện các biện pháp xử lý sự cố trên, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản nhân dân.
“Chúng tôi xác định, bảo đảm an toàn đối với các hộ dân là yếu tố hàng đầu. Trước mắt, chúng tôi buộc di dời bốn hộ dân bị ảnh hưởng nặng đến nơi ở an toàn, toàn bộ chi phí thuê chỗ ở mới do chủ đầu tư chi trả. Sau cuộc họp khẩn giữa các bên liên quan và các hộ dân để thống nhất phương án xử lý, ngày 4-3, UBND Phường 10 ra thông báo tạm ngừng thi công công trình đến khi hoàn thành việc khắc phục toàn bộ các sự cố”, ông Vũ nói.
|
Sân nhà một hộ dân cạnh công trình bị nứt toác. |
Gỡ “nút thắt” về bồi thường
Công trình Dự án Trung tâm trưng bày, mua bán cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn toàn cầu của Toyota tọa lạc tại khu “đất vàng”, gần hồ Xuân Hương và Quảng trường Lâm Viên (lô A1, Khu trung tâm thương mại quốc tế, Phường 10, TP Đà Lạt).
Theo giấy phép xây dựng, đây là công trình dân dụng cấp II, gồm năm tầng nổi và hai tầng hầm, diện tích sử dụng đất là 5.000 m2 và tổng diện tích sàn hơn 17,7 nghìn m2, tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Tại đây, sẽ hình thành trung tâm hiện đại chuyên trưng bày, mua bán và cung cấp dịch vụ hậu mãi cho nhãn hiệu xe Toyota và khách sạn tiêu chuẩn bốn sao, quy mô 163 phòng lưu trú.
Đại diện chủ đầu tư, Phó Giám đốc Công ty CP Nha Trang - Đà Lạt Đinh Quốc Hùng xác nhận: “Trong quá trình thi công đã gây ra một số sự cố sụt lún, nứt nẻ nhà dân. Doanh nghiệp cũng đã nỗ lực tập trung khắc phục, gia cố và thương lượng đền bù. Chúng tôi đã xác định từ đầu, quá trình thi công, ít nhiều sẽ có ảnh hưởng, nên đã chủ động làm việc với người dân trước khi khởi công xây dựng công trình”.
Theo chủ đầu tư, công trình dự kiến hoàn thành trong năm nay. Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi, sự cố trên khiến công trình khó hoàn thành đúng hẹn. Nhất là khi “nút thắt” về khâu khắc phục, bồi thường thiệt hại chưa thể tháo gỡ và công trình buộc phải tiếp tục thực thi yêu cầu “tạm dừng thi công” từ phía chính quyền địa phương.
|
Do nhà ở bị ảnh hưởng, bốn hộ dân trong khu vực cạnh công trình buộc phải tạm di dời đến nơi ở mới. |
Chủ tịch UBND Phường 10, TP Đà Lạt, ông Tôn Thất Thanh Vũ cho biết, mới đây, dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương, chủ đầu tư dự án đã có buổi thương thảo với các hộ dân có công trình bị ảnh hưởng. Nhưng mới có khoảng một nửa số hộ thống nhất giá bồi thường, số hộ còn lại cùng nhà đầu tư vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Trao đổi với phóng viên báo Nhân Dân điện tử, đại diện chủ đầu tư, ông Đinh Quốc Hùng, cho biết: Hiện đã bồi thường cho 9/19 hộ (một hộ có đơn phản ánh nhưng không đòi bồi thường, doanh nghiệp đã tiến hành sửa chữa và họ đã hài lòng), hai hộ khác cơ bản thống nhất, những hộ còn lại đang tiếp tục thương thảo để bồi thường và khắc phục sự cố.
Việc thương thảo có thể tiếp tục kéo dài, vì hai bên chưa thể tìm được tiếng nói chung. Bà Đỗ Thị Thương Huyền (11A Hồ Tùng Mậu) cho rằng, hai ngôi nhà, tổng diện tích 416m2 của gia đình đã bị ảnh hưởng lớn, tường nứt nẻ, bong tróc, móng đứt gãy, dịch chuyển… nhưng chủ đầu tư đưa ra giá đền bù chưa thỏa đáng.
“Tính riêng nhà của bố tôi (ông Đỗ Xuân Cơ - PV), bốn tầng, diện tích mỗi sàn 130m2, nhưng bồi thường chỉ 200 triệu đồng thì không biết để làm gì. Nhà này phải làm mới, không thể sửa được”, bà Huyền nói.
Ông Cao Vu (16B Hồ Tùng Mậu), cũng cho rằng, nhà ông bị sụt lún, “đẩy” ra phía công trình. Phía nhà đầu tư nói đền bù 550 triệu đồng, nhưng ông chưa chịu, vì không đủ làm. “Thợ họ nói nhà này phải đập làm lại chứ không thể gia cố. Tôi đề nghị khoảng 700 triệu, thiếu thì tôi bỏ thêm để xây”, ông Vu nói.
Theo tính toán ban đầu của đơn vị giám định và chủ đầu tư, số tiền đền bù, sửa chữa nhà cho 20 hộ dân khoảng 1,1 tỷ đồng; nhưng con số các hộ dân đưa ra lên đến 20 tỷ đồng. Đến ngày 5-4, số tiền bồi thường cho chín hộ là hai tỷ đồng và các bên tiếp tục thương lượng.
|
Phía chủ đầu tư tiến hành đo đạc để tính toán bồi thường cho các hộ dân. Nhà đầu tư mong muốn được tiếp tục thi công tường vây để bảo đảm an toàn khi mùa mưa đến gần. |
Theo chủ đầu tư, khó khăn lớn nhất trong việc bồi thường còn lại, một số công trình của người dân theo đánh giá kỹ thuật là có thể khắc phục, sửa chữa được, nhưng nguyện vọng của người dân là muốn đập đi xây mới, mà chi phí đưa ra khá cao, nên chưa đi đến thống nhất được.
Ông Đinh Quốc Hùng cho biết: “Qua làm việc giữa các hộ dân với nhà đầu tư, chính quyền, nếu hai bên không thương thảo được thì mời đơn vị giám định độc lập vào cuộc theo quy định pháp luật”.
Mùa mưa Tây Nguyên đang đến gần. Người dân ở đây đều mong muốn hòa giải êm thuận, đền bù thỏa đáng, để công trình sớm hoàn thiện và cuộc sống của họ ổn định trở lại. Còn phía nhà đầu tư, cùng với việc nỗ lực giải quyết sớm công tác bồi thường cho các hộ dân, họ mong muốn được cho phép thi công hoàn thiện tường vây để bảo đảm an toàn.
“Do mùa mưa đang đến gần, dự án nằm ở vùng trũng, địa chất bùn lầy nhiều; các nhà dân lân cận chủ yếu là nhà cấp 4, xây dựng đã lâu năm; hệ thống tường vây dự án cần được gia cố khẩn cấp để tránh các yếu tố bất lợi, mất an toàn ngoài kiểm soát”, đại diện chủ đầu tư Đinh Quốc Hùng nói.
Hiện “nút thắt” đang nằm ở khâu thương lượng bồi thường sự cố nhà dân, nếu không sớm tháo gỡ, công trình này sẽ nằm “phơi sương” chưa biết đến bao giờ?
MAI VĂN BẢO (NDĐT)