Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh các dự án trọng điểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để đảm bảo tiến độ thực hiện cũng như giải ngân các dự án trọng điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã ký Quyết định số 135/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh năm 2022.

Đẩy nhanh tiến độ

Dự án đầu tư phát triển rừng bền vững Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh có tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách trung ương 110 tỷ đồng, nguồn dịch vụ môi trường rừng 10 tỷ đồng) được triển khai từ nay đến năm 2025. Ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT (đơn vị chủ đầu tư) cho biết: “Mục tiêu của dự án nhằm bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, địa chất, cảnh quan, các loài động thực vật quý hiếm hiện có trong Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ tốt nhất cho công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện các chương trình hoạt động trong những năm tới. Bên cạnh đó, dự án còn củng cố tổ chức, nâng cao năng lực cho lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng từ tỉnh đến xã. Hiện dự án đang triển khai đấu thầu tư vấn thiết kế-dự toán và quý II-2022 sẽ triển khai thực hiện”.

 Thi công tỉnh lộ 665 đoạn xã Ia Tôr-Ia Băng (huyện Chư Prông). Ảnh: Hà Duy
Thi công tỉnh lộ 665, đoạn xã Ia Tôr-Ia Băng (huyện Chư Prông). Ảnh: Hà Duy


Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm trọng điểm tỉnh Gia Lai do Sở Khoa học và Công nghệ làm chủ đầu tư cũng đang tiếp tục triển khai. Dự án có tổng vốn đầu tư 45 tỷ đồng. Ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-cho hay: “Dự án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng, đổi mới công nghệ từ kết quả nghiên cứu nhằm gia tăng số lượng sản phẩm khoa học công nghệ áp dụng vào sản xuất theo nhu cầu của doanh nghiệp, cùng với đó là quản trị được nguồn tài sản khoa học và công nghệ”.

Cũng được triển khai trong năm 2022 là Dự án khắc phục, sửa chữa đường từ quốc lộ 14C vào Đồn Biên phòng Ia Lốp, Trạm kiểm soát 383 (Đồn Biên phòng Ia Púch) và đường tuần tra biên giới tới các cột mốc do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý. Tổng mức đầu tư dự án là 140 tỷ đồng với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 24,8 km đường cấp V miền núi theo TCVN 4054-2005, kết cấu mặt đường bê tông xi măng. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2024. Thời điểm này, hồ sơ thiết kế-dự toán của dự án đã được phê duyệt và bắt đầu triển khai thi công vào quý II-2022.

Bên cạnh đó, nhiều dự án khác cũng đã hoàn thành các thủ tục như khảo sát lập quy hoạch, lập hồ sơ thiết kế-dự toán, tổ chức lựa chọn nhà thầu như: Dự án lập quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đến năm 2045; Dự án cải tạo, xây dựng hệ thống điện khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết; Dự án xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia thuộc địa bàn tỉnh...

Tăng cường công tác phối hợp

Mục tiêu lớn nhất đối với công tác đầu tư công là phấn đấu đến cuối năm, tỷ lệ giải ngân đạt 95% trở lên. Đối với địa bàn Pleiku, ông Hoàng Minh Nghĩa-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố-cho hay: “Các dự án khởi công mới thuộc nguồn ngân sách thành phố do Ban Quản lý làm chủ đầu tư năm 2022 sẽ được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và bàn giao mặt bằng thi công trong tháng 3. Nhằm đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng dự án, những nhà thầu được lựa chọn phải đảm bảo năng lực về tài chính cũng như có đầy đủ trang-thiết bị, máy móc, nhân lực”.  

Nút giao thông Phù Đổng, TP. Pleiku. Ảnh: Hà Duy
Nút giao thông Phù Đổng, TP. Pleiku. Ảnh: Hà Duy

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã ký Quyết định số 135/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh năm 2022. Tổ công tác có nhiệm vụ phối hợp liên ngành, giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xử lý tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo tiến độ thực hiện giải ngân vốn, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh.
 

Với những dự án trọng điểm đang có nguy cơ bị chậm tiến độ thì Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã chỉ đạo triển khai các biện pháp khắc phục. Cụ thể, đối với Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh quốc lộ 19), Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh (đơn vị chủ đầu tư) tăng cường phối hợp làm việc với các sở, ngành và địa phương liên quan để thống nhất phương án xử lý, giảm thiểu phát sinh các thủ tục, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát đất san lấp, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, nhất là đất trồng lúa, không để xảy ra vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Ủy ban nhân dân các địa phương có tuyến đường đi qua khẩn trương làm việc với Sở Xây dựng để rà soát sớm hoàn thành công tác lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý trật tự xây dựng dọc tuyến.

Đối với Dự án nút giao thông Phù Đổng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm việc với Sở Xây dựng thống nhất phương án để triển khai các bước tiếp theo đúng quy định, đảm bảo điều kiện giao kế hoạch vốn đợt 2; đồng thời, đồng ý lập thủ tục chuyển 8 tỷ đồng phần vốn dự kiến thực hiện 2 nhiệm vụ quy hoạch (điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku và quy hoạch chi tiết Di tích lịch sử Chiến thắng Pleime, Di tích Chiến thắng đường 7-Sông Bờ) sang để tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Với Dự án nhà hát, trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật và thư viện tổng hợp tỉnh và Dự án khu trụ sở liên cơ quan cấp tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh khẩn trương phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính, UBND TP. Pleiku, đơn vị tư vấn thiết kế hoàn chỉnh các phương án thiết kế kiến trúc, gửi Sở Xây dựng để kiểm tra, rà soát và đề xuất UBND tỉnh xem xét xử lý theo quy định.

 

 HÀ DUY
 

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.