Thâm nhập phòng khám nha khoa: Tẩu tán thiết bị, trốn trên nóc nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phòng khám nha khoa được cấp phép làm ngoài giờ hành chính nhưng trong giờ hành chính vẫn hoạt động, người làm thì không có giấy phép hành nghề, khi bị kiểm tra thì leo lên nóc nhà lẩn trốn.

Sau nhiều ngày xin vào làm việc tại phòng khám nha khoa (PKNK) T.Đ (đường Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM; đã nêu ở bài trước), chúng tôi phát hiện nhiều sai phạm về giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề của các bác sĩ (BS), phụ tá tại đây.

Đối phó với thanh tra

Sau khi thâm nhập thu thập chứng cứ tại PKNK T.Đ, PV Thanh Niên cung cấp thông tin cho Thanh tra Sở Y tế TP.HCM. Khi đoàn chức năng đến kiểm tra, nhân viên tại đây vội tìm cách đối phó, cất giấu các thiết bị.

Nơi vệ sinh, khử trùng dụng cụ nha của phòng khám trông rất nhếch nhác

Nơi vệ sinh, khử trùng dụng cụ nha của phòng khám trông rất nhếch nhác

Ngày 20.3, khoảng 14 giờ 30, trong lúc PV Thanh Niên đang hỗ trợ dọn dẹp sau ca điều trị tủy răng cho một khách hàng tại PKNK T.Đ, nữ phụ tá D. bất ngờ chạy vào yêu cầu chúng tôi và nam phụ tá L. cởi áo blouse và mang thiết bị lên lầu giấu.

Sau khi được thông báo có đoàn thanh tra đến, hai BS N.T.G và H.V.L vội chạy lên lầu trốn vào phòng ngủ của các nhân viên. Hầu hết nhân viên tại đây đều không có chứng chỉ hành nghề, thậm chí nhiều người không có bằng cấp chuyên môn nên đều phải trốn lực lượng chức năng. Lo sợ bị phát hiện, các phụ tá và BS trốn trong một căn phòng khuất phía trong, nơi có cầu thang bắc lên mái nhà.

Mẫu răng sứ tại phòng khám nha khoa T.Đ ở đường Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình

Mẫu răng sứ tại phòng khám nha khoa T.Đ ở đường Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình

Phía dưới, lễ tân và BS P.N.Đ đang đối phó với thanh tra bằng cách vòng vèo gọi điện cho chủ cơ sở và không cho kiểm tra. Thanh tra Sở Y tế phải nhờ lực lượng của phường đến hỗ trợ thì mới có thể tiến hành kiểm tra PK. Sau khi giằng co kéo dài từ 14 giờ 30 đến hơn 15 giờ 10, thanh tra mới được lên lầu kiểm tra. Trong thời gian này, các nhân viên đã kịp giấu thiết bị cắm implant và chuẩn bị sẵn lời tường trình khi gặp thanh tra.

Thiết bị được giấu kín trong phòng ngủ của nhân viên nên các thanh tra không tìm thấy. Khi thanh tra định mở cửa phòng ngủ của các nhân viên thì quản lý PKNK T.Đ lập tức nói đây là phòng cho thuê thêm bên ngoài nên Thanh tra Sở Y tế cũng không kiểm tra thêm.

Khi đoàn kiểm tra các phòng, phụ tá L. (21 tuổi, sinh viên năm 3 ngành kiến trúc một trường ĐH ở TP.HCM, không có bằng cấp chuyên môn nha khoa) vội leo thang lên nóc nhà để trốn.

Xưng bác sĩ nhưng khai là phụ tá

Ngoài ra, để giảm nhẹ mức phạt, những người xưng BS làm việc chính tại PK đều nói dối với Thanh tra Sở Y tế về chức vụ nghề nghiệp, về các dịch vụ đã làm và thậm chí còn gian dối đổi họ tên để "qua mắt" cơ quan chức năng.

Khi Thanh tra Sở Y tế vừa đến kiểm tra, người trước đó xưng là BS N.T.G vừa hoàn thành một ca chữa tủy răng cho khách hàng nên đã bị lập biên bản với chức vụ là BS. Tuy nhiên, khi thanh tra hỏi về ca khám vừa rồi thì BS này nói vừa thực hiện cạo vôi và đánh bóng răng. Tại thời điểm kiểm tra, N.T.G chỉ đưa ra được bằng cấp y sĩ và chưa trình được chứng chỉ hành nghề.

Bác sĩ H.V.L (phải) leo cửa sổ trốn ra mái tôn khi đoàn thanh tra đến kiểm tra

Bác sĩ H.V.L (phải) leo cửa sổ trốn ra mái tôn khi đoàn thanh tra đến kiểm tra

Còn người tự xưng BS H.V.L (22 tuổi) thì leo qua cửa sổ lên mái nhà trốn, sau đó trèo trở lại vào làm việc với đoàn kiểm tra. H.V.L không có bằng cấp và chứng chỉ liên quan, vừa vào làm việc chỉ khoảng 1 tuần và chưa ký hợp đồng nên người này nói dối với đoàn rằng mình là phụ tá nha khoa ở đây. Trong biên bản tường trình, người này ghi chức vụ phụ tá với các công việc là cạo vôi răng, đánh bóng. Tuy nhiên, khi chúng tôi vào làm việc, ghi nhận nhiều ngày ở PK này thì H.V.L đã làm các ca như chữa tủy răng, gắn răng sứ…

Phụ tá L. trốn trong phòng khi đoàn kiểm tra đến

Phụ tá L. trốn trong phòng khi đoàn kiểm tra đến

Còn người trước đó tự xưng BS P.N.Đ nói với Thanh tra Sở Y tế mình cũng là phụ tá và khai tên là P.K.K (tên một phụ tá đã nghỉ việc - PV) vì cái tên "BS P.N.Đ" đã có trong hồ sơ bị thu giữ với nhiều ca cắm implant và làm răng sứ trong khi chưa có chứng chỉ hành nghề, nên người này sợ nếu bị phát hiện sẽ bị phạt tiền cao. P.N.Đ còn dặn các nhân viên PK trước mặt thanh tra gọi mình là K. để không bị phát hiện.

Chính P.N.Đ đã cùng lễ tân giấu các hồ sơ quan trọng và kéo dài thời gian để nhân viên khác giấu các thiết bị. Sau khi Thanh tra Sở Y tế rời khỏi, người này khoe với chúng tôi: "Lúc thanh tra vô chỗ đựng mấy sổ hồ sơ, anh liền lật nhanh lên rồi nói này không có gì hết á, không có gì hết!". Sau đó, các nhân viên tại đây bàn luận rôm rả về việc may mắn không có ai kêu tên BS P.N.Đ mà chỉ gọi là "phụ tá K.". P.N.Đ liền nói: "May là lúc nãy không ai kêu tên Đ., không là chết rồi. Hồ sơ toàn tên Đ. không, anh chỉ nói là anh làm part time (bán thời gian) chứ không làm gì hết nên không bị dính".

Ngay sau khi Thanh tra Sở Y tế rời đi, PKNK T.Đ tiếp tục hoạt động và nhận các ca điều trị như điều trị tủy, làm lại răng sứ… Mọi việc vẫn diễn ra bình thường như chưa hề có cuộc kiểm tra nào.

Yêu cầu tháo gỡ quảng cáo khám chữa bệnh trên mạng

Trước đó, tra cứu trên cổng thông tin khám chữa bệnh (KCB) của Sở Y tế cho thấy địa chỉ 709 Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình, có giấy phép hoạt động số 03103, cấp ngày 14.7.2014, nhưng tình trạng giấy phép đã thu hồi.

Ông P.N.Đ tường trình mình chỉ là phụ tá, trong khi trước đó ông xưng là BS, hằng ngày người này làm chính về răng sứ và cắm implant

Ông P.N.Đ tường trình mình chỉ là phụ tá, trong khi trước đó ông xưng là BS, hằng ngày người này làm chính về răng sứ và cắm implant

Phòng Quản lý dịch vụ y tế Sở Y tế TP.HCM cho biết ngày 6.3.2020, Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động số 07977 cho PK chuyên khoa răng hàm mặt (RHM) thuộc Công ty TNHH nha khoa Triệu Nha tại địa chỉ 709 Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình. Nhưng biển hiệu PK này hiện ghi Nha khoa thẩm mỹ T.Đ. Người chịu trách nhiệm chuyên môn của PK là BS P.T.H.D (công tác tại Bệnh viện RHM TP.HCM). Trên cổng tra cứu thông tin KCB của Sở Y tế TP.HCM, BS P.T.H.D làm giờ hành chính tại Bệnh viện RHM TP.HCM. Tuy nhiên, lãnh đạo bệnh viện này xác nhận với PV Thanh Niên rằng BS P.T.H.D xin nghỉ không lương hơn 1 năm qua để dưỡng thai và mới sinh vài ngày.

Đáng lưu ý, PK chuyên khoa RHM thuộc Công ty TNHH nha khoa Triệu Nha được cấp phép với thời gian hoạt động từ 17 giờ 30 - 20 giờ các ngày từ thứ hai đến thứ bảy (ngoài giờ hành chính), còn chủ nhật từ 8 - 20 giờ. Nhưng thực tế PK này làm cả trong và ngoài giờ hành chính, hoạt động công khai, quảng cáo rầm rộ trên mạng.

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra phòng khám T.Đ vào chiều 20.3

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra phòng khám T.Đ vào chiều 20.3

Kết quả kiểm tra đột xuất lúc 14 giờ 30 ngày 20.3, Thanh tra Sở Y tế ghi nhận PK này đang mở cửa hoạt động, là bằng chứng rõ ràng PK hoạt động không phép trong giờ hành chính. Lúc kiểm tra, BS P.T.H.D cũng có mặt ngay sau đó để làm việc với đoàn. Ghi nhận có y sĩ RHM tên N.T.G và P.K.Kh hỗ trợ quản lý; có 3 phụ tá.

Thanh tra cũng ghi nhận PK lập sổ KCB nhưng chưa cập nhật đầy đủ danh sách người bệnh; có niêm yết bảng giá dịch vụ nhưng không đầy đủ theo danh mục kỹ thuật được Sở Y tế phê duyệt; không lập hồ sơ bệnh án…

Thanh tra Sở Y tế yêu cầu PK tháo gỡ ngay các nội dung quảng cáo dịch vụ KCB trên Facebook; không bố trí nhân sự không có chứng chỉ hành nghề KCB… Thanh tra Sở Y tế giao Phòng Y tế Q.Tân Bình giám sát hoạt động của PK và Thanh tra sẽ thực hiện các bước xử lý tiếp theo.

Phòng Quản lý dịch vụ y tế Sở Y tế TP.HCM cho biết theo luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định 96 năm 2023 của Chính phủ quy định một số điều của luật Khám bệnh, chữa bệnh thì không có chức danh trợ thủ nha khoa mà chỉ có chức danh kỹ thuật y với phạm vi hành nghề là phục hình răng. Với chức danh này, muốn hành nghề phải có giấy phép hành nghề, muốn mở cơ sở để hoạt động thì phải có đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động với hình thức tương ứng giấy phép hành nghề.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.