(GLO)- Từ thời khắc lịch sử-trưa ngày 5-6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) rời Bến Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước đến nay đã 103 năm (5-6-1911 - 5-6-2014). Ngày nay, Bến Nhà Rồng (tọa lạc tại số 01, đường Nguyễn Tất Thành, phường 12, quận 4, TP. Hồ Chí Minh) không chỉ là nơi hội tụ tinh thần đoàn kết của các thế hệ cháu con người Việt Nam, nơi tôn vinh lịch sử yêu nước và giáo dục truyền thống cách mạng, mà còn là biểu tượng kiến trúc-văn hóa có một không hai của thành phố Hồ Chí Minh.
Độc đáo kiến trúc Nhà Rồng
Để có nơi ở, làm việc và buôn bán vé tàu thủy đi các nước trên thế giới, Công ty Vận tải đường Biển Messageries Maritimes của nước Pháp đã xây cất Nhà Rồng vào ngày 4-3-1863. Mặt tiền của ngôi nhà này hướng ra cửa sông Sài Gòn, hướng về phía Bắc, xây dựng theo kiến trúc Đông-Tây kết hợp. Trên nóc nhà có gắn đôi rồng to lớn, màu xanh, nằm theo kiểu “lưỡng long chầu nguyệt”-một cách trang trí quen thuộc của các đền chùa Việt Nam. Ở giữa nóc nhà có chiếc phù hiệu mang hình “đầu ngựa và chiếc mỏ neo”. Phù hiệu “đầu ngựa” có ý nghĩa ở bên nước Pháp, Công ty Vận tải đường Biển Messageries Maritimes này chuyên nhận chở thuê các loại hàng hóa bằng ngựa kéo xe. Phù hiệu “mỏ neo” có ý chỉ loại phương tiện thường dùng để làm neo đậu các tàu thuyền.
Bến Nhà Rồng-nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: Hoàng Cư |
Kiểu kiến trúc độc đáo của Nhà Rồng được các nhà nghiên cứu diễn giải rằng: Nhà Rồng xây dựng ngay bên bến cảng sông Sài Gòn (giáp biển Đông) nên mọi người thường gọi là Bến Nhà Rồng. Có nhiều người thâm sâu cắt nghĩa: Nhà là Gia, Rồng là Long, Nhà Rồng là ẩn ý tri ân về mối quan hệ bang giao tốt đẹp của Vua Gia Long (1762-1820) với nước Pháp. Cũng có người gọi tắt Nhà Rồng là Sở Ông Năm, vì hãng tàu này do ông Domergue-một viên quan Năm người Pháp sáng lập Công ty Vận tải đường Biển và xây dựng. Năm 1955, chính quyền miền Nam Việt nam đã chỉnh sửa 2 con rồng nằm trên nóc nhà hướng đầu vào nhau theo kiểu “lưỡng long chầu nguyệt” thành 2 con rồng hướng đầu ra ngoài nóc nhà-quay đuôi vào hướng “đầu ngựa và chiếc mỏ neo”. Toàn bộ kiến trúc xưa của Nhà Rồng cơ bản vẫn còn nguyên vẹn đến ngày hôm nay.
Sống động những hiện vật yêu nước
“… Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Pháp tự do-bình đẳng-bác ái. Thế là tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn dấu đằng sau những từ ấy”. (Nguyễn Ái Quốc-Báo Đốm lửa nhỏ số 39 ngày 23-12-1923 của Pháp). Từ ý muốn đó, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết định rời Bến Nhà Rồng, xuống chiếc tàu thủy Amiral Latouche Tréville của Pháp, bắt đầu cuộc hành trình vượt biển Đông, tìm đường cứu mước, giải phóng dân tộc.
Để tưởng nhớ công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) và phục vụ nhu cầu thăm quan, học tập, nghiên cứu của du khách trong và ngoài nước; sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975); Đảng, Nhà nước ta đã lựa chọn Bến Nhà Rồng làm Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. Nơi đây chính là nơi tập trung trưng bày các hiện vật, tài liệu, hình ảnh, báo chí… về Chủ tịch Hồ Chí Minh-Danh nhân văn hóa thế giới. Bảo tàng này có khuôn viên rộng rãi, rất xanh, sạch, đẹp và nhiều phòng như: “Phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Phòng chuyên đề Hồ Chí Minh-cuộc hành trình của thời đại”… Chị Nguyễn Thị Kim Liên-Trưởng phòng Tuyên truyền-Giáo dục, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh phấn khởi cho biết: Cơ quan bảo tàng này, không ngừng đầu tư công của để bảo quản, nghiên cứu tư liệu, tăng cường sưu tầm các tài liệu, hiện vật và đổi mới cung cách hoạt động đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng. Nhờ vậy mà du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập và làm theo Bác Hồ ngày một nhiều, nhất là những ngày lễ Tết, lễ trọng như: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2), Ngày sinh Bác Hồ (19-5), Ngày Quốc khánh (2-9)...
Qua bao nhiêu thăng trầm, vận hội của đất nước; Bến Nhà Rồng-nơi Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước vẫn sừng sững in bóng xuống dòng sông Sài Gòn, vẫn lung linh mây trời. Sài Gòn năm xưa, nay là thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bến Nhà Rồng-Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã và đang trở thành địa chỉ đỏ-nơi học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh-nơi giáo dục truyền thống cách mạng-nơi báo công với Bác Hồ về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà Nước… Bến Nhà Rồng đã 2 lần được mọi người bình chọn, vinh danh vào tốp 10 điểm tham quan đặc sắc nhất ở TP. Hồ Chí Minh. Đó không chỉ là niềm tự hào của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; mà còn là niềm tự hào của các dân tộc tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Hoàng Cư