Tây Nguyên: Nông sản trượt giá, nông dân lao đao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tây Nguyên đang vào mùa thu hoạch nông sản, nhưng các mặt hàng chủ lực, như: Tiêu, cà phê... lại đang “rủ nhau” rớt giá khiến người dân hết sức lo lắng.
Tiêu, cà phê… “rủ nhau” tuột giá
Qua khảo sát thị trường, từ tháng 9 đến đầu tháng 11/2018, thị trường cà phê từng cán mốc 38.000 - 39.000 đồng/kg, thì trong nửa cuối tháng 11/2018 đã tụt dốc chỉ còn 35.000 đồng/kg; hồ tiêu từ mức 61.000 đồng giảm mạnh còn 56.000 đồng/kg.
 
Người dân Tây Nguyên vào mùa thu hoạch cà phê (Ảnh: TA)
Cụ thể, tại TP. Bảo Lộc, huyện Di Linh, Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê dao động ở mức 35.100 - 35.200 đồng/kg (giảm 500 đồng/kg so với thời điểm nửa đầu tháng 11/2018).
Trong khi đó, tại huyện Cư M'gar, Ea H'leo, Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê dao động trong khoảng 35.600 – 35.800 đồng/kg (giảm hơn so với tháng 9-10/2018ít nhất 3.000 đồng/kg).
Tại khu vực Kon Tum, Đắk Nông, cà phê đang có giá 35.000 - 35.500 đồng/kg, thấp hơn phiên giao dịch cuối tuần trước 400 đồng/kg.
“Đồng hành” cùng cà phê, hiện hồ tiêu hiện cũng rơi vào tình trạng trượt giá, khiến nhiều nông hộ lao đao.
Trong phiên giao dịch những ngày cuối tháng 11/2018, hồ tiêu được thu mua với giá từ 56.000 - 57.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu tại huyện Chư Sê (Gia Lai) ở mức 56.000 đồng/kg.Tại huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) và thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), giá cầm chừng, nằm ở mức 56.000 đồng/kg. So với thời điểm tháng 9 - 10/2018 thì hiện nay giá hồ tiêu đã giảm ít nhất là 3.000 đồng/kg.
 
Diện tích hồ tiêu “thoát chết” vì bệnh dịch vừa qua bắt đầu cho thu hoạch (Ảnh: TA)
Chị Lan Anh, ở huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), cho biết, gia đình mấy miệng ăn trông chờ cả vào mấy sào cà phê, xen canh hồ tiêu.Vừa thoát cảnh tiêu chết, thì nay, giá cả lại trượt dốc, tiền bán nông sản chẳng đủ bù vào tiền thuê nhân công thu hoạch, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật...
“Tết nhất tới nơi rồi, mà cứ đà này, nông dân chúng tôi lại đói thôi. Cứ luẩn quẩn, bấp bênh kiểu này chắc phải chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc bỏ vườn rẫy đi làm thuê, làm mướn thôi”, chị Lan Anh, buồn bã chia sẻ.
Trong khi đó, theo ông Năm Phấn, ở Buôn Hồ (Đắk Lắk), bao đời nay, người dân quê ông gắn bó với cây tiêu, cây cà phê, nhiều năm gặp cảnh “lên voi xuống chó” rồi nên không mấy bất ngờ. Phải kiên trì tìm cách khắc phục. Bên cạnh đó rất cần sự quan tâm đưa ra các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tư vấn, đồng hành của ngành chức năng với nhà nông.
Tìm cách tháo gỡ khó khăn
Theo tìm hiểu của Doanh nghiệp Việt Nam, trước khó khăn của người dân, ngành chức năng địa phương đã vào cuộc khuyến cáo bà con nông dân nên chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm hồ tiêu và cà phê.
Cụ thể, áp dụng các ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao vào trồng trọt, sản xuất; hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và các hoá chất độc hại ngoài danh mục cho phép.
 
Ngành nông nghiệp các địa phương khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi có ý định chuyển đổi cây trồng khác khi gặp khó khăn về giá cả, bệnh, dịch (Ảnh: TA)
“Bà con cần cẩn trọng khi có ý định chuyển đổi cây trồng khác khi gặp khó khăn, trở ngại (như: giá cả thấp, sâu bệnh, dịch hại…) mà cần phải khảo sát thị trường, cập nhật thông tin, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ từ, tránh tình trạng đổ xổ ồ ạt trồng lên rồi lại chặt bỏ, mất công sức,thời gian và tổn thất kinh tế lớn”, một cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, khuyến cáo.
Bên cạnh đó, cần hình thành các chuỗi liên kết, hợp tác trồng trọt, sản xuất, kinh doanh; tìm được đầu ra cho sản phẩm, song song với việc nâng cao chất lượng nông sản thì bài toán về giá cả không còn thành vấn đề. Bởi khi bình ổn cung – cầu, sản phẩm có thương hiệu thì việc tìm được chỗ đứng trên thị trường là điều tất nhiên.
Xuất khẩu hồ tiêu: Tăng lượng, giảmtrịgiá
Theo Cụcxuất nhập khẩu(Bộ Công thương), trong tháng 10/2018, hồtiêu xuất khẩu đạt 16 nghìn tấn, trị giá 48 triệu USD, giảm 8,5% về lượng và giảm 4,9% về trị giá so với tháng 9/2018; tăng 45,6% về lượng, nhưng giảm 4,9% về trị giá so với tháng 10/2017. Lũy kế 10 tháng năm 2018, xuất khẩu hồtiêu đạt 209 nghìn tấn, trị giá 683 triệu USD, tăng 8,9% về lượng, nhưng giảm 32,8% về trị giá so với 10 tháng năm 2017.

Tháng 10/2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hồtiêu ở mức 3.009 USD/tấn, tăng 3,9% so với tháng 9/2018, nhưng giảm 34,7% so với tháng 10/2017.Trong 10 tháng năm 2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hồtiêu đạt 3.269 USD/tấn, giảm 38,3% so với 10 tháng năm 2017.

Tâm An-Viên Hữu (DNVN)

Có thể bạn quan tâm