Tây Nguyên khẩn cấp phòng chống cháy rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tây Nguyên đang bước vào mùa khô, với thời tiết nắng nóng như thiêu như đốt. Các cánh rừng trở nên khô khốc, chỉ cần một mồi lửa là có thể bốc cháy ngùn ngụt. Tại nhiều địa phương, cảnh báo nguy cơ cháy rừng đã ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Trước tình hình trên, các tỉnh Tây Nguyên đang dốc toàn lực để bảo vệ 2,5 triệu ha rừng khỏi bị cháy, trong đó áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn, truy trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra cháy rừng.

Dốc toàn lực

Những ngày này, trên địa bàn huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) trời nắng như đổ lửa, không khí oi bức, gây cảm giác khó chịu. Tại khu rừng thông ở xã Đắk Kôi, huyện Kon Rẫy, từng tốp bảo vệ của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy chia nhau thành nhiều hướng, xuyên rừng để kiểm tra phòng chống cháy rừng (PCCR). Khu vực thông trồng có đồi dốc cao nên việc tuần tra gặp nhiều khó khăn. Vượt qua những ngọn đồi cao khúc khuỷu, mồ hôi chảy nhễ nhại, chúng tôi cùng tốp bảo vệ rừng đến khu vực rừng thông, dưới gốc là lá cây khô.

Tại đây, người chia nhau phát dọn cây bụi, người đi tuần tra, hễ gặp dân thì hướng dẫn không sử dụng lửa rừng. Đến chiều tối, khi trời dịu mát thì những người này mới về được chốt nghỉ ngơi.

Ông Võ Hồng Huy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy, xác định việc PCCR là nhiệm vụ ưu tiên nên từ đầu mùa khô đến nay đơn vị đã dốc toàn bộ lực lượng để tuần tra, ngăn cháy trên diện tích 29.000ha rừng đang quản lý. Trong đó, vấn đề bảo vệ khu rừng trồng 600ha ở xã Đắk Kôi rất được chú trọng. Đơn vị đã tổ chức làm đường băng cản lửa. Bên cạnh đó, công ty đã hợp đồng thêm 15 nhân viên thời vụ để đi tuần tra, kiểm soát. Hàng ngày, họ có nhiệm vụ trèo đèo, lội suối đến các khu rừng trồng để bảo vệ, đồng thời kiểm soát chặt người ra vào rừng.

Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn (Đắk Lắk) có diện tích hơn 225.000ha, là rừng đặc dụng lớn thứ 2 so với cả nước. Thời điểm này, nguy cơ cháy rừng đã được cảnh báo ở mức báo động cấp V. Có mặt tại đây lúc 9 giờ sáng, trời nắng chang chang, nhiệt độ ở mức 35°C, chúng tôi bắt gặp ông Nguyễn Hữu Tạo, Hạt phó Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn, cùng một số cán bộ vườn đi tuần tra. Chúng tôi theo chân họ vào lõi rừng ở buôn Drang Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), trên đường đi, nhìn hai bên đường, đa số là rừng khộp, thảm thực bì dưới tán rừng gồm cỏ, cây bụi, le đều bị khô khốc, vàng úa, rất dễ bén lửa.

Đi hơn 5km thì đoàn vào đến lõi rừng, nơi bà con buôn Drang Phốk đang canh tác. Lúc này, trời nắng nóng lên đến đỉnh điểm làm rát cả da mặt. Thấy người dân phát dọn nương rẫy để chuẩn bị cho mùa vụ khi mùa mưa xuống, ông Tạo cùng đoàn tuần tra đến căn dặn từng hộ gia đình không được đốt rừng làm nương rẫy, thực hiện nghiêm các công tác PCCR,  không để xảy cháy rừng trong quá trình đốt dọn nương rẫy. Lát sau, ông Tạo ra hiệu cho lực lượng tuần tra đi cùng phát dọn khu vực lân cận giữa nương rẫy của người dân với rừng, để tránh tình trạng đốt nương rẫy cháy lan vào rừng.


 

Lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn tổ chức đốt non (còn gọi là đốt có kiểm soát, đốt thực bì), để ngăn chặn cháy rừng
Lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn tổ chức đốt non (còn gọi là đốt có kiểm soát, đốt thực bì), để ngăn chặn cháy rừng


Quy trách nhiệm nếu để xảy ra cháy rừng

Đầu năm 2021, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, đã ký chỉ thị yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành; chủ tịch UBND huyện và các đơn vị chủ rừng triển khai các biện pháp trọng tâm như xác định công tác bảo vệ, PCCR là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi, địa bàn mình quản lý… Bên cạnh đó, rà soát việc thực hiện phương án PCCR, đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ; tổ chức thực hiện công tác tu sửa hoặc làm mới đường băng cản lửa và có phương án chữa cháy rừng cụ thể, phù hợp với từng khu vực, kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn.

Ông Đỗ Xuân Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, cho biết, diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh là hơn 514.900ha. Để tăng cường công tác PCCR, ngay từ đầu mùa khô, đơn vị đã triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về bảo vệ rừng và PCCR đến các đơn vị trực thuộc, các chủ rừng và địa phương; yêu cầu chủ động xây dựng, triển khai phương án PCCR. Lực lượng kiểm lâm thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác PCCR của các chủ rừng để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh; đồng thời xử lý những đơn vị lơ là đối với công tác này.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm vùng IV (đơn vị quản lý bảo vệ rừng 11 tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên) cho biết, để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng, PCCR trong thời điểm trước, trong và sau Tết Tân Sửu, đơn vị đã phát văn bản đến chi cục kiểm lâm của các địa phương, đề nghị kiểm tra, hướng dẫn xây dựng và thực hiện phương án PCCR ở các cấp và từng chủ rừng; xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng để bố trí nguồn lực đảm bảo ngăn chặn; cung cấp thông tin cấp dự báo nguy cơ cháy rừng, các điểm báo cháy rừng đến chính quyền cơ sở, chủ rừng trong phạm vi quản lý.

Ngoài ra, đơn vị còn đề nghị chi cục kiểm lâm 11 tỉnh thuộc vùng, xây dựng lịch trực và ứng trực, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc công tác PCCR,  có sẵn phương án để ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống cấp bách trong bảo vệ và khi xảy ra cháy, đặc biệt là khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng.

 

Miền Trung: Tăng cường kiểm soát rừng sản xuất

Ngày 24-2, ông Nguyễn Đại, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, năm 2020 ngành lâm nghiệp tỉnh này chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, đặc biệt là cơn bão số 9 khiến cho khoảng 5.000ha rừng của tỉnh bị thiệt hại nặng nề. Hiện tại, ở nhiều vùng rừng, đặc biệt là rừng sản xuất, phòng hộ, cây rừng đổ gãy chưa thể dọn dẹp kịp, thực bì dưới tán rừng rất lớn, nguy cơ cháy rừng rất cao. Theo ông Đại, nhiều giải pháp bảo vệ rừng đã được Bộ NN-PTNT ban hành, hướng dẫn rất cụ thể xuống các địa phương, nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân.

Năm nay, dự báo mùa khô ở Trung bộ sẽ gay gắt hơn, đặc biệt rừng Quảng Ngãi vừa bị tổn thương rất nặng nề từ bão lũ cuối năm 2020 nên nguy cơ cháy rừng rất cao.

“Trước mắt, chúng tôi đã lập bản đồ những địa phương nguy cơ cháy rừng cao để lập lều canh, trại canh dã chiến, cảnh báo các yếu tố, nguy cơ cháy rừng sớm nhất. Đặc biệt, Quảng Ngãi đẩy mạnh kiểm soát người dân thu hoạch rừng sản xuất, thực hiện cam kết trong việc dọn dẹp, đốt thực bì, đốt rẫy, đốt rác…”, ông Đại nói.

Tại huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định, địa phương nguy cơ cao về cháy rừng), ngành kiểm lâm huyện đã xây dựng kế hoạch PCCR năm 2021 ngay từ sau Tết Nguyên đán. Đơn vị này đẩy mạnh kiểm soát những khu rừng phòng hộ, rừng sản xuất; đặc biệt là hạn chế, nghiêm cấm người dân, người khác địa phương xâm nhập vào rừng phòng hộ của huyện trong mùa khô.

ĐBSCL: Đắp đập giữ nước phòng chống cháy rừng

Ngày 24-2, ghi nhận thực tế tại khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ và các lâm phần rừng tràm của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau), chúng tôi thấy một số nơi lượng nước trên mặt đất rừng đã khô. Tuy nhiên, độ ẩm còn khá cao, dây leo trên những thân tràm vẫn còn xanh. Hiện toàn bộ diện tích 43.584ha rừng tràm U Minh Hạ và rừng cụm đảo trên địa bàn tỉnh Cà Mau nguy cơ cháy rừng được dự báo ở cấp cháy trung bình.

Theo ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, sở đã yêu cầu các chủ rừng cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp PCCR. Trong đó, tập trung tổ chức ký dứt điểm các quy định phòng cháy chữa cháy rừng, với hộ dân cư và ký quy chế phối hợp với các đơn vị lân cận để hỗ trợ nhau trong công tác PCCR.

Tỉnh Kiên Giang có hơn 60.916ha rừng, trong đó rừng tự nhiên trên 46.237ha, rừng trồng 14.678ha. Để chủ động trong công tác phòng chống cháy rừng, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng phối hợp chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tổ chức trực 24/24 giờ tại đơn vị và các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, kể từ đầu tháng 2-2021 đến hết mùa khô năm 2021.

Đồng Nai: Nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm

Ngày 24-2, ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cho biết, hiện thời tiết trên địa bàn tỉnh nắng nóng khắc nghiệt với nhiệt độ cao nên nguy cơ cháy rừng được cảnh báo ở cấp độ IV, có những ngày cảnh báo ở cấp độ V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Từ Tết Nguyên đán đến nay, tất cả lực lượng, thiết bị, phương tiện phòng chống cháy của khu bảo tồn đều đặt trong trạng thái trực chiến 24/24 giờ. Đồng Nai hiện có gần 170.000ha rừng, chủ yếu ở các khu vực Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu; tỷ lệ che phủ cây xanh trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 52% và tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 30%.

NGỌC OAI - TẤN THÁI - TIẾN MINH



Theo HỮU PHÚC - ĐÔNG NGUYÊN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm