(GLO)- L.T.S: Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Nhân Đại hội đại biểu lần thứ III (nhiệm kỳ 2013-2018) của Hội, Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Phạm Thế Dũng- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch danh dự Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh về những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
- P.V: Với vai trò là Chủ tịch danh dự Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, đồng chí đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ 2008-2013?
Ông Phạm Thế Dũng: Trong nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tăng cường công tác tổ chức xây dựng Hội các cấp và nâng cao chất lượng hoạt động. Toàn tỉnh đã thành lập mới được 84 cơ sở hội ở xã, phường, thị trấn và đã kết nạp được trên 7.000 hội viên.
Công tác vận động kêu gọi toàn xã hội ủng hộ quỹ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh được chú trọng, góp phần giảm bớt khó khăn, nâng cao vị thế và uy tín của Hội trong xã hội. Công tác tuyên truyền về hậu quả của chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ gây ra được quan tâm, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân hiểu, thông cảm và nâng cao tinh thần, trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, góp phần giúp cho gia đình nạn nhân giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, Hội luôn ủng hộ vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đối với 37 công ty hóa chất Hoa Kỳ. Với sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, tòa án lương tâm nhân dân quốc tế xử vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã bước đầu giành thắng lợi, chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm bồi thường hậu quả cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Hội đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, phối hợp với các cấp, các ngành, được sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội về hoạt động của các cấp Hội và ủng hộ quỹ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh luôn duy trì và năm sau cao hơn năm trước.
Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh nhiệm kỳ 2008-2013. Ảnh: Đức Thanh |
- P.V: Ông có nhận xét gì về công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam trong thời gian qua?
Ông Phạm Thế Dũng: Phát huy tinh thần đoàn kết, nhân ái, chủ động, sáng tạo, tất cả vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, những năm qua, công tác vận động quỹ đã đạt được những kết quả thiết thực, góp phần quan trọng trong việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Năm 2010, các cấp Hội đã vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ trên 1,2 tỷ đồng; năm 2011: 1,9 tỷ đồng và năm 2012 vận động được trên 2,2 tỷ; 6 tháng đầu năm 2013: 1,291 tỷ đồng.
Từ năm 2010 đến nay, Quỹ Nạn nhân chất độc da cam tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã vận động được trên 7,483 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh cấp hỗ trợ 842 triệu đồng, Trung ương Hội cấp hỗ trợ 506 triệu đồng, Ủy ban MTTQ tỉnh ủng hộ 510 triệu đồng (trích từ Quỹ Người nghèo và Quỹ An sinh xã hội), hỗ trợ sửa nhà, làm nhà cho nạn nhân chất độc da cam.
Từ nguồn quỹ này, các cấp Hội tổ chức thăm, tặng quà trên 1.555.520.000 đồng, hỗ trợ sửa nhà, làm nhà mới cho gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh trên 37 căn nhà với số tiền 1,3 tỷ đồng. Được sự quan tâm của Trung ương Hội, UBND tỉnh cấp đất và cấp kinh phí xây dựng Trung tâm Nuôi dưỡng-Phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và người khuyết tật tỉnh và trang-thiết bị trên 1,5 tỷ đồng, trong đó tỉnh cấp ngân sách 842 triệu đồng, Trung ương Hội cấp hỗ trợ 500 triệu đồng, hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam vay vốn sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ trên 240 triệu đồng.
Tổng số tiền đã hỗ trợ, chăm sóc, thăm, tặng quà từ năm 2010 đến nay là 4.595.520.000 đồng. Như vậy, trong nhiệm kỳ, các cấp Hội với tinh thần trách nhiệm tất cả vì nạn nhân chất độc da cam, tuyên truyền vận động chăm sóc giúp đỡ nạn nhân vượt qua khó khăn trong cuộc sống, đồng thời chung tay góp sức xoa dịu nỗi đau da cam là trách nhiệm của toàn xã hội đã được các cấp, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và toàn dân hưởng ứng tham gia ngày càng cao, có ý thức hơn.
- P.V: Trong nhiệm kỳ tới, mục tiêu, nhiệm vụ mà Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cần hướng tới là gì, thưa ông?
Ông Phạm Thế Dũng: Tôi cho rằng, các cấp Hội cần nắm vững các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chế độ chính sách có liên quan đến chất độc da cam/dioxin và công tác Hội; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự tạo điều kiện của chính quyền, phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể, các cấp chặt chẽ, thường xuyên tham gia hoạt động Hội, phấn đấu có 70% tổ chức Hội hoạt động khá, 30% hoạt động trung bình, không có Hội yếu kém.
Chủ động xây dựng chương trình kế hoạch hoạt động hàng năm và hàng quý, tháng sát với tình hình thực tế, có kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm. Phối hợp với các tổ chức có liên quan đề nghị Trung ương Hội, UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí để nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Nuôi dưỡng-Phục hồi chức năng bán trú và dạy chữ, dạy nghề, tạo việc làm… cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh.
Mặt khác, các cấp Hội cần có kế hoạch công tác vận động quỹ phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của từng địa phương; vận động các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức kinh tế, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp, phấn đấu đạt 2 tỷ đồng/năm: dành 50% số quỹ vận động được để chăm sóc cho nạn nhân chất độc da cam.
Đặc biệt tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng, đều khắp trong các tầng lớp nhân dân hiểu hậu quả của chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái lâu dài, tích cực tham gia đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm giải quyết hậu quả cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Nạn nhân là những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo khổ, khó khăn nhất trong những người khó khăn, toàn xã hội có trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam với nhiều hình thức phù hợp với từng địa phương, cơ sở.
Tập trung chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp Hội; Hội các cấp thường xuyên phối hợp với các ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, vận động đóng góp quỹ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; hỗ trợ sửa nhà, làm nhà mới cho gia đình nạn nhân khó khăn về nhà ở, hỗ trợ cho nạn nhân vay vốn không lấy lãi để nạn nhân sản xuất, chăn nuôi có thu nhập, nâng cao đời sống, hỗ trợ cho con, em nạn nhân học văn hóa, học nghề...
Tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và người khuyết tật tại Trung tâm tỉnh, duy trì lưu lượng, đối tượng và nuôi dưỡng, phục hồi chức năng tốt hơn; tiếp tục vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng thêm những hạng mục, công trình để việc chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam có điều kiện học chữ, học nghề, vui chơi để hồi phục sức khỏe tốt hơn.
Hy vọng, trong nhiệm kỳ tới, các cấp Hội tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động linh hoạt, sáng tạo, phù hợp từng địa phương, cơ sở, tăng cường tuyên truyền vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân có lòng hảo tâm ủng hộ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh với tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm, tất cả vì nạn nhân chất độc da cam.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Thu Huế (thực hiện)