(GLO)- Ngày 7-4, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku) đã diễn ra Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV (mở rộng). Đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị còn có ông Phan Hiền-Phó vụ trưởng Vụ địa phương 5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ông Đỗ Như Thắng-Phó vụ trưởng Vụ địa phương 2, Ban Tổ chức Trung ương.
Hội nghị lần này đã tập trung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý I; bàn, thống nhất triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác quý II năm 2016 và giải quyết một số công việc thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hồng Thi |
“Nóng” với nắng hạn
Theo dự thảo báo cáo tại hội nghị, vụ Đông Xuân năm nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được hơn 58.000 ha cây trồng các loại (đạt 91% kế hoạch, bằng 94,8% so với cùng kỳ năm trước). Tình trạng hạn hán xảy ra gay gắt trên diện rộng đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tính đến ngày 31-3, có 21.375 ha cây trồng bị hạn và thiếu nước tưới, ước tính thiệt hại khoảng 265 tỷ đồng. Cụ thể: lúa 5.177,4 ha; ngô, rau và cây hàng năm 8.407,4 ha; cà phê 6.193,5 ha; hồ tiêu 1.597,5 ha. Cùng với đó, cả tỉnh có 7.089 hộ dân tại một số địa phương thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Krông Pa, Ia Pa, Kbang, Đak Pơ, Kông Chro và Chư Prông (cao nhất là Krông Pa với 2.165 hộ); 13.778 hộ với 61.186 khẩu bị thiếu đói (trong đó có 11.894 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 54.297 khẩu).
Trước tình hình trên, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động ứng phó với hạn hán; trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách phòng-chống hạn, chỉ đạo xả nước các hồ chứa về hạ lưu để ưu tiên nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh; huy động các lực lượng quân đội, thanh niên tham gia giúp dân chống hạn. Ngoài việc các địa phương chủ động sử dụng ngân sách hỗ trợ mua 238 tấn gạo cứu đói cho 1.891 hộ với 9.189 khẩu, tỉnh cũng đã kịp thời xuất ngân sách 4,95 tỷ đồng để hỗ trợ cho các địa phương, đơn vị nạo vét kênh mương, suối, ao, hồ, giếng cũng như cung cấp nước sinh hoạt và đề nghị Trung ương hỗ trợ 1.530 tấn gạo cứu đói. Ngoài ra, các tỉnh bạn và doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ gần 3,5 tỷ đồng cho nhân dân trong vùng bị thiệt hại do hạn hán gây ra.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Hồng Thi |
Tại hội nghị, liên quan đến các giải pháp phòng-chống hạn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trương Phước Anh nêu hiện trạng: “Hầu như tất cả các địa phương trong tỉnh đều đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng bị hạn. Tuy nhiên, diện tích chuyển đổi lại rất ít, một số nơi vẫn còn sản xuất nên tiếp tục bị thiệt hại. Vì vậy, đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành lưu ý vấn đề này và tập trung chỉ đạo sao cho đạt hiệu quả”. Bên cạnh đó, ông Anh cũng đưa ra một số cảnh báo rằng mùa mưa năm nay sẽ đến muộn, nông dân không nên vội vàng xuống giống vụ mùa ngay khi thấy xuất hiện những cơn mưa đầu tiên vào thời điểm cuối tháng 4 nhằm tránh tổn thất.
Tiếp nối vấn đề trên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ rõ: “Vụ Đông Xuân vừa qua, trên cơ sở cảnh báo của tỉnh, các địa phương cũng đã khuyến cáo nhân dân trong việc sản xuất. Tuy nhiên, một số huyện lại hướng dẫn chưa cụ thể, còn rập khuông. Chẳng hạn, ở một số diện tích không có nước, nông dân không trồng lúa và bỏ trống, trong khi vẫn có thể linh động trồng các loại cây ngắn ngày khác, ít phụ thuộc nguồn nước và cho thu hoạch sớm”. Trước thực tế này, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu địa phương và các sở, ngành liên quan rút kinh nghiệm; riêng ngành nông nghiệp phải xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa một cách chi tiết, lưu ý việc lùi lại thời gian gieo trồng, đồng thời chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc này nếu để xảy ra sai sót. Ngoài ra, trong tình hình nắng hạn hiện nay, các ngành và địa phương cũng cần phối hợp tốt với nhau trong việc kiểm tra, rà soát nhằm đảm bảo nước uống hợp vệ sinh cho dân, vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh, xử lý tình hình thiếu đói trong dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Giám đốc Sở Tài chính phát biểu về công tác thu-chi ngân sách. Ảnh: Hồng Thi |
Cải thiện chỉ số PCI
Ngoài nắng hạn, vấn đề cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng nhận được nhiều sự quan tâm tại hội nghị. Năm 2015, Gia Lai xếp vị trí 47/63 tỉnh, thành, tăng 1 bậc so với năm 2014. Tuy nhiên, có 4 chỉ số thành phần lại đạt khá thấp gồm: tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động.
Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Hồ Phước Thành cho hay, Sở đã có bảng phân tích rõ ràng, cụ thể về vấn đề này để gửi cho tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương, đơn vị nắm bắt và tập trung cải thiện tình hình. Ông Thành cũng đề xuất các sở, ngành khi triển khai bộ phận 1 cửa, 1 cửa liên thông nên bố trí cán bộ có chất lượng, tâm huyết; tập trung cải cách hành chính sao cho thông thoáng; áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc hàng ngày… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian đến.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh: Nhiệm vụ quý II năm 2016 là rất nặng nề, ngoài những nhiệm vụ đã nêu trong dự thảo báo cáo, tôi đề nghị các cấp ủy, chính quyền, sở, ban ngành của tỉnh tiếp tục bám sát nội dung Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 10-12-2015 của Tỉnh ủy về chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2016 để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Sau hội nghị này, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội theo chức trách, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm của mình, phát huy tinh thần đoàn kết nhất trí, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. |
“Chúng ta cần kiểm tra, rà soát lại các chỉ số đạt thấp và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan; rà soát xem doanh nghiệp nào đang nhận được nhiều hoặc ít sự ưu tiên… để có cơ chế cân bằng, tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau. Nếu không cải thiện được vấn đề này thì việc thu hút đầu tư, cải thiện năng lực cạnh tranh là rất khó khăn-đồng chí Đinh Duy Vượt-Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, đưa ra ý kiến.
Liên quan đến chỉ số đào tạo lao động trong PCI, bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định, Sở sẽ phối hợp với các địa phương để triển khai một cách cụ thể. Hiện nay, đào tạo nghề đã chuyển về cho địa phương đảm nhận; riêng đào tạo cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề vẫn còn gặp khó do nhu cầu người lao động rất ít. Với thực trạng này, đồng chí Võ Ngọc Thành yêu cầu: “Đào tạo nghề ở các trường cần lưu tâm đến nhu cầu của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh cũng như chú trọng đào tạo cho số công nhân mới được tuyển dụng. Sở, ngành liên quan cần có cuộc làm việc nghiêm túc với các đơn vị doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nhu cầu thực tế của họ, từ đó có cách giải quyết hợp lý chứ không được nhìn vào số liệu mà đánh giá”.
Để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đề nghị UBND tỉnh xem xét và báo cáo lại với Thường trực Tỉnh ủy về việc tổ chức một đoàn công tác đến TP. Đà Nẵng để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm; đồng thời phối hợp với các trường đại học danh tiếng của Việt Nam để giúp tỉnh vấn đề này.
Ngoài ra, hội nghị cũng tập trung làm rõ, đưa ra giải pháp liên quan đến xây dựng nông thôn mới; xuất-nhập khẩu; thu-chi ngân sách và nợ đọng thuế; quản lý hiểu quả đất lâm nghiệp; công tác chuẩn bị cho việc tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016; chăm sóc sức khỏe nhân dân; hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình chính sách; vệ sinh an toàn thực phẩm; đảm bảo quốc phòng-an ninh; công tác xây dựng hệ thống chính trị; công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021…
Hồng Thi