Tạo dựng vùng bưởi da xanh mang thương hiệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Huyện Đạ Tẻh đang bắt tay tạo dựng thương hiệu bưởi da xanh trên cơ sở hình thành những vùng chuyên canh trồng bưởi theo hướng hữu cơ.

Anh Nguyễn Trung Hưng thu hoạch bưởi da xanh
Anh Nguyễn Trung Hưng thu hoạch bưởi da xanh


 
Bưởi hữu cơ
 
Ở Đạ Tẻh, nhiều người không còn xa lạ với những vườn bưởi chuyên canh được hình thành trong mấy năm trở lại đây. Theo ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh, toàn huyện hiện có 300 ha bưởi da xanh, chủ yếu được sản xuất tập trung với diện tích từ 5 - 10 ha mỗi vườn. Diện tích chuyên canh này phát triển mạnh khoảng 5 năm trở lại đây và người dân dần hướng đến sản xuất mang tính chất hữu cơ với hệ thống tưới tự động, sử dụng các vật tư nông nghiệp vi sinh, hữu cơ.
 
Diện tích trồng bưởi tập trung nhiều nhất ở xã Đạ Lây với khoảng 120 ha, 80% trong số diện tích này đang cho thu hoạch. Một tín hiệu đáng mừng là từ các tổ hợp tác, hợp tác xã đến các hộ dân lẫn doanh nghiệp đã ý thức được việc sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ. Ở vùng đất này, không ai còn xa lạ với vườn bưởi của anh Nguyễn Trung Hưng ở thôn Lộc Hòa. Tạo dựng vườn bưởi chuyên canh với diện tích 3 ha từ 7 năm về trước, ban đầu, anh Hưng chăm sóc bưởi theo quy trình vô cơ, nghĩa là sử dụng phân và thuốc hóa học để chăm cây. Tuy nhiên, từ hai năm trở lại đây, anh bắt đầu tìm hiểu và chuyển đổi quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ, giúp cây phát triển bền vững và tạo sản phẩm không độc hại cho người tiêu dùng. Anh Hưng chia sẻ: “Chăm sóc theo hướng hữu cơ đòi hỏi nhiều công hơn nhưng đổi lại đất đai, cây cối đều phát triển bền vững, cho thu nhập lâu dài hơn khi sử dụng phân, thuốc vô cơ như trước đây. Hơn nữa, trái bưởi an toàn, có chất lượng cao cũng giúp cho việc tiêu thụ dễ dàng và giá cao hơn”.

 

Anh Hưng cắt tỉa bớt trái con để đảm bảo trái bưởi phát triển to và tròn đều
Anh Hưng cắt tỉa bớt trái con để đảm bảo trái bưởi phát triển to và tròn đều


Ngoài sử dụng các loại phân chuồng, các sản phẩm bón lá, phòng trừ côn trùng gây hại đều từ các chế phẩm sinh học. Khi trái chuẩn bị cho thu hoạch, để phòng trừ côn trùng thì anh sử dụng tỏi, ớt giã nhuyễn, trộn với dầu ăn, các hoạt chất hữu cơ rồi phun xịt trên lá, trên thân cây giúp đuổi côn trùng, phòng bệnh cho cây có hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn.
 
Sau một thời gian cải tạo vườn theo hướng hữu cơ, vườn của gia đình anh Hưng đã có sự khác biệt rõ nét. Cả vườn bưởi lúc nào cũng được phủ một lớp cỏ xanh mướt vừa giữ ẩm, vừa cải tạo đất. Bưởi cho thu hoạch quanh năm với năng suất khoảng 80 tấn/hecta/năm, cao hơn 30 tấn so với năng suất bình quân toàn xã Đạ Lây. Không chỉ cao về năng suất, vườn bưởi da xanh của anh Hưng cũng đạt chất lượng cao. Quả bưởi có màu xanh đậm, tròn đều, múi bưởi ngọt, mọng nước, không hạt, rất được thị trường ưa chuộng. Dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng hiện tại thương lái vẫn mua bưởi tại vườn với giá trung bình 18.000 - 25.000 đồng/kg.
 
Ngoài vườn của anh Hưng, hiện tại, Công ty Phong Thịnh (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đã bắt đầu ký kết với nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã để sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ. Đến nay, đã có 20 hộ dân với diện tích gần 35 ha tham gia quy trình sản xuất hữu cơ này. Chị Nguyễn Thị Hà - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Lây cho biết: Trước đây, mỗi hộ dân có một quy trình chăm sóc khác nhau, từ khi tham gia sản xuất theo hướng hữu cơ thì được cán bộ kỹ thuật của Công ty theo sát hướng dẫn kỹ thuật cũng như lựa chọn những hoạt chất hữu cơ phù hợp, như emzim, phân nở, phân chuồng… Hiện tại, xã đang khuyến khích mọi hộ dân đều tham gia sản xuất theo hướng hữu cơ.

Hướng đến nhãn hiệu bưởi da xanh Đạ Tẻh
 
Chất đất tại xã Đạ Lây nói riêng và một số xã khác trên địa bàn huyện Đạ Tẻh được xác định là phù hợp với các loại cây trồng có múi; trong đó, có bưởi da xanh. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà huyện Đạ Tẻh quyết tâm “xây dựng thành công nhãn hiệu Bưởi da xanh Đạ Tẻh” như Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
 
Bà Lê Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Lây, chia sẻ: Chất lượng bưởi da xanh ở xã Đạ Lây nói riêng và toàn huyện Đạ Tẻh nói chung là điều không còn phải bàn cãi. Hiện tại, địa phương đang áp dụng các tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP đối với bưởi da xanh để sản phẩm này sớm được chứng nhận OCOP. Đồng thời, từng bước chuyển đổi cơ câu cây trồng đối với những cây kém hiệu quả sang trồng bưởi và các loại cây ăn trái khác. Việc tạo dựng vùng nguyên liệu chuyên canh là vấn đề xã có thể thực hiện được. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm vẫn đang là một bài toán cần có giải pháp đồng bộ. Và, một trong những giải pháp đó chính xã xây dựng thương hiệu bưởi da xanh Đạ Tẻh, một khi trái bưởi Đạ Tẻh có tên tuổi trên thị trường thì đầu ra sẽ ổn định hơn.


 

Vườn bưởi sản xuất theo hương hữu cơ, cỏ luôn phủ xanh khắp vườn
Vườn bưởi sản xuất theo hướng hữu cơ, cỏ luôn phủ xanh khắp vườn


Ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh, bắt đầu từ năm 2021, ngành chức năng của huyện đã lập hồ sơ, rà soát từng vùng để xây dựng nhãn hiệu bưởi da xanh Đạ Tẻh, nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện tại, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh cũng đang tham mưu cho huyện về chương trình phát triển nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung; trong đó, có bưởi da xanh.
 
Ông Tống Giang Nam - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, cho biết: Huyện ủy đã xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, tập trung hình thành những vùng nông nghiệp khẳng định thế mạnh của địa phương, như vùng lúa với sản phẩm nếp quýt hiện có 1.600 ha, vùng dâu tằm hiện có 1.600 ha, vùng cao su hiện có 3.800 ha và vùng cây ăn trái với diện tích hiện tại khoảng 1.900 ha mà thế mạnh là những loại cây có múi. Trong 5 năm tới, huyện Đạ Tẻh sẽ tiếp tục chuyển đổi một số loại cây trồng, tập trung vào chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang các loại cây trồng có năng suất, chất lượng. Huyện cũng tập trung hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, sản xuất sạch, an toàn để tạo tính bền vững; tăng cường hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong năm nay, huyện sẽ tổ chức hội nghị kết nối và tiêu thu nông sản nhằm gắn kết các hộ nông dân, doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ, hình thành các chuỗi liên kết, tìm đầu ra ổn định cho nông sản.

Theo ĐÔNG ANH (baolamdong)

Có thể bạn quan tâm