(GLO)- Từ khi ra đời đến nay, chính sách tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã đạt được những kết quả to lớn. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đáp ứng mong muốn. Mới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22-11-2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Với một tỉnh còn nghèo như Gia Lai, chỉ thị này dĩ nhiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Hiệu quả của kênh tín dụng phục vụ
Sau 12 năm hoạt động, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã huy động được đạt 2.807,693 tỷ đồng, tăng 7,7% so với đầu năm. Với nguồn vốn có được, Chi nhánh đã tiến hành cho vay với tổng dư nợ tính đến cùng thời điểm là 2.798,867 tỷ đồng với 139.398 hộ dư nợ, 3.680 tổ tiết kiệm vay vốn, thông qua 11 chương trình tín dụng. Nguồn vốn giải ngân đã giúp hàng trăm ngàn lượt hộ nghèo vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động, giúp trên 60 ngàn học sinh-sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn chi phí học tập, giải quyết trên 800 đối tượng chính sách vay vốn đi xuất khẩu lao động, trên 10 ngàn hộ nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở, xây dựng trên 40 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần đáng kể vào việc hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 14,7%, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Riêng trong năm 2014, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị các cấp và sự phối hợp giữa ngân hàng với các tổ chức hội, đoàn thể, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết của Hội đồng Quản trị và mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch được giao, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm: tranh thủ nguồn vốn Trung ương, đẩy mạnh huy động các nguồn vốn nhất là huy động tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm, vay vốn; tập trung triển khai cho vay đáp ứng nhu cầu người sử dụng vốn, hoàn thành tốt kế hoạch tăng trưởng tín dụng; công tác kiểm tra giám sát được chú trọng, kịp thời phát hiện chấn chỉnh sai sót, tồn tại; củng cố mạng lưới hoạt động cơ sở và các điểm giao dịch lưu động tại xã; thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm củng cố nâng cao chất lượng tín dụng.
Chi nhánh cũng đã thực hiện tốt hoạt động tại 222 điểm giao dịch xã, thực hiện nguyên tắc quản lý công khai, dân chủ từ cơ sở, nâng cao tỷ lệ cho vay, thu nợ, thu lãi, tạo điều kiện cho hộ vay tiếp cận các dịch vụ của Ngân hàng Chính sách Xã hội, được cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Chi nhánh đã khắc phục khó khăn, nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi phục vụ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ những kết quả đạt được, năm 2015, Chi nhánh phấn đấu huy động vốn tăng 16,1% so với năm 2014; dư nợ cho vay tăng 10%; nợ quá hạn 0,4% tổng dư nợ; thu lãi đạt 95% trở lên.
Trước yêu cầu nhiệm vụ mới
Hộ nghèo được vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh. Ảnh: Đức Thụy |
Thành tích rất lớn, rất toàn diện, tuy nhiên theo nhìn nhận của ông Lê Văn Chí-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, chất lượng tín dụng một số phòng giao dịch chưa cao, còn tiềm ẩn rủi ro. Một phần hộ nghèo là bà con dân tộc thiểu số (chiếm 83% hộ nghèo toàn tỉnh) trình độ dân trí thấp, định cư ở vùng sâu, vùng xa, tập quán sản xuất còn mang nặng tính tự nhiên, hạn chế khi tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, việc lồng ghép nguồn vốn chính sách xã hội với các nguồn vốn khác còn chưa hiệu quả. Hiệu quả ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể tại một số địa phương chưa cao. Cũng phải kể đến công tác tuyên truyền phổ biến và thực hiện chính sách tín dụng còn chưa tốt, nhất là khâu kiểm tra giám sát xử lý nợ vay… “Cùng với sự quan tâm của Trung ương, chúng tôi nhận thấy có trách nhiệm phải quyết liệt chấn chỉnh, khắc phục để vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả hơn nữa”-ông Chí cam kết.
Đặc biệt với sự ra đời của Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, ông Chí cho rằng chỉ thị thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Đảng đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong đó nhấn mạnh yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; nâng cao trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội; tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội (trong đó có việc HĐND, UBND các cấp tiếp tục dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn); nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội (Nhà nước ưu tiên đảm bảo các nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội, cấp bổ sung vốn điều lệ, cấp bù chênh lệch lãi suất để cải thiện cơ cấu nguồn vốn ưu đãi thời hạn dài, lãi suất thấp để cải thiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định; nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác các tổ chức chính trị-xã hội, tăng cường các điểm giao dịch cấp xã, phát triển sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Rõ ràng khi đi vào thực hiện, Chỉ thị 40-CT/TW sẽ tạo ra bước đột phá quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cũng như các chính sách xã hội khác.
Thất Sơn