(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 14-3-2017 của Bộ Công Thương về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất và kinh doanh rượu, mới đây, UBND tỉnh đã có Công văn số 988/UBND-KT yêu cầu Sở công Thương, Sở Y tế và các ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến và pha chế, rượu không rõ nguồn gốc và xuất xứ.
Tăng cường quản lý về chất lượng các loại rượu bày bán trên thị trường. Ảnh: T.N |
Chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, nghiêm cấm tổ chức và cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức…
Bên cạnh đó, các ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu-kể cả nơi bán buôn, bán lẻ, các cửa hàng ăn uống, đặc biệt là rượu sản xuất thủ công, kiểm tra, phát hiện các hành vi sản xuất rượu giả, sử dụng cồn công nghiệp, sử dụng nguyên liệu bị cấm dùng pha chế rượu, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, vi phạm về ghi nhãn, quảng các, công bố hợp quy…, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng cho người tiêu dùng, ngăn chặn các vụ ngộ độc rượu xảy ra.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân nâng cao hiểu biết trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, tác hại của lạm dụng rượu, cũng như công khai các hành vi vi phạm và kết quả xử lý người dân biết, phòng tránh...
Thanh Nhật