(GLO)- Kết quả khám sức khỏe đợt 1 cho học sinh các trường học trên địa bàn TP. Pleiku mới đây cho thấy, số lượng học sinh mắc các bệnh học đường có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là bệnh răng miệng và tật khúc xạ.
Có mặt tại buổi khám bệnh cho các em học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ diễn ra tại Trạm Y tế phường Hội Thương vừa qua, theo quan sát của phóng viên, cứ khoảng 10 em lại có chừng 4 em bị các tật khúc xạ, 2 em có bệnh răng miệng (chủ yếu là sâu răng). Trong số này, nhiều em có tật khúc xạ chưa được đi khám; có em đã khám và được chỉ định đeo kính nhưng độ kính không phù hợp dẫn đến không nhìn thấy rõ.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch-Trưởng trạm Y tế phường Hội Thương thăm khám cho các em học sinh. Ảnh: N.N |
Theo kết quả khám bệnh của Trường THCS Nguyễn Huệ, trong tổng số 1.320 học sinh toàn trường thì có đến trên 500 học sinh bị tật khúc xạ (riêng cận thị chiếm gần 70%). Khối lớp 8 có nhiều học sinh mắc tật khúc xạ nhất với gần 200 em. Có 300 học sinh mắc bệnh răng miệng, chủ yếu là sâu răng…
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch-Trưởng Trạm Y tế phường Hội Thương, cho biết: “Qua thăm khám cho thấy, các bệnh học đường thường gặp nhất là tật khúc xạ và sâu răng. Việc chăm sóc răng miệng không đúng cách là nguyên nhân gây sâu răng ở trẻ. Đối với tật khúc xạ, nguyên nhân một phần là do trẻ ở nhà tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử, điện thoại di động; chơi game, xem ti vi, đọc truyện liên tục; học trong điều kiện thiếu ánh sáng… Bên cạnh đó, thiết kế phòng học, bàn ghế không phù hợp; ngồi học không đúng tư thế... là những nguyên nhân dẫn đến việc học sinh bị mắc các bệnh về mắt”.
Hiện nay, việc phòng-chống các bệnh học đường luôn được các trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm đầu tư. Hàng năm, từ nguồn trích lại kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh của quỹ bảo hiểm y tế, các trường học có thêm kinh phí đầu tư cho công tác này. Hầu hết các trường đều tổ chức khám sức khỏe cho học sinh mỗi năm 2 đợt, trong đó thực hiện kiểm tra sức khỏe vào đầu năm học để đánh giá tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe; theo dõi chỉ số khối cơ thể (BMI) 2 lần/năm học để tư vấn về dinh dưỡng và hoạt động thể lực phù hợp với học sinh phổ thông. Việc thường xuyên theo dõi sức khỏe học sinh đã giúp nhà trường phát hiện các bệnh học đường và kịp thời xử trí, chuyển đến cơ sở khám-chữa bệnh theo quy định; đồng thời áp dụng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe của học sinh.
Chia sẻ về vấn đề chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các em học sinh tại trường học, cô Đồng Thị Thanh Hải-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, cho biết: Toàn trường hiện có 1.102 học sinh. Hàng năm, nhà trường thường xuyên phối hợp với các cơ sở y tế để tổ chức khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Trường có Phòng Y tế và nhân viên y tế trường học nên một số hoạt động chăm sóc thông thường như đo chiều cao, thể lực cho các cháu được thực hiện thường kỳ theo quy định.
“Trường được đầu tư cơ sở vật chất tốt, các phòng học đầy đủ ánh sáng, bàn ghế hợp quy… nên điều kiện học tập và sinh hoạt của học sinh rất thuận lợi. Ngoài ra, trường thường xuyên lồng ghép tuyên truyền các nội dung giáo dục sức khỏe, kiến thức về việc phòng-chống bệnh học đường, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh trong các giờ giảng. Khi có kết quả khám sức khỏe thì kịp thời thông báo đến phụ huynh biết để phối hợp chăm sóc các cháu tốt hơn”-cô Đồng Thị Thanh Hải thông tin thêm.
Như Nguyện