Tản mạn từ “Con đường giao liên”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đã hơn 30 năm sau ngày giải phóng (30-4-1975), vì đặc thù của công việc nên dù cố lắm tôi cũng chỉ được vài ba lần trở lại vùng căn cứ ngày xưa của các cơ quan tỉnh, huyện trong kháng chiến chống Mỹ- vùng Kbang, Kông Chro, Đak Pơ bây giờ… Mỗi lần về những vùng đất này là một lần gợi lại trong tôi bao điều mà năm tháng không thể xóa nhòa trong ký ức!
Một đoạn hành lang thời chiến tranh chống Mỹ tại hà Tam (Đak Pơ).
Ảnh: Bích Hà
Anh Nguyễn Trung Tâm- Bí thư Huyện ủy Đak Pơ (bây giờ là Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải) mấy lần nói trong các cuộc họp của tỉnh về những vùng đất mà theo anh nó vừa là nơi thắng cảnh, vừa là nơi lịch sử kháng chiến- những con đường giao liên ấy, trận chiến thắng GIM 100 ấy… giá mà có tiền đầu tư để khai thác về du lịch sẽ đem lại nguồn lợi cho địa phương- nơi mà được coi là huyện “sinh sau đẻ muộn” của tỉnh. Có “mục sở thị” mới biết anh Tâm nói đúng.
Trong vòng khoảng 20- 25 km cả đi và về, một con đường vòng cung, điểm xuất phát bắt đầu từ bìa rừng phía Bắc quốc lộ 19, đoạn dưới đèo Mang Yang, càng lên cao, không khí càng dễ chịu, rừng khộp thưa thớt, le, dây gai leo, rồi rừng thông, bạt ngàn thông và thác, dày đặc thác.
Trong ký ức của tôi, con đường giao liên ngày ấy cứ hiện ra mồn một. Đã hơn 30 năm, dẫu có là con đường cái quang đi chăng nữa cũng đủ để thành rừng già, huống hồ con đường giao liên (dù đó là con đường giao liên “Trung ương”) thì khó mà tìm lại được dấu tích của nó giữa đại ngàn. Đứng trên một đỉnh đồi bạt ngàn thông, (đồng nghiệp tôi có người đã viết là “đồi cù” của Đak Pơ), nhìn về phía Nam, con đường 19 vắt qua ngoằn ngoèo giữa những làng, những phố.
Con đường bây giờ là thế, còn cũng con đường ấy mà ngày xưa dưới con mắt của những người giao liên như chúng tôi nói riêng và cán bộ, chiến sĩ quân dân chính Đảng nói chung là con đường “chết”; nhưng nó cũng là con đường ước mơ… “Chết”, bởi con đường đó ngày ngày “nối giáo” cho giặc, giúp Mỹ- ngụy tiếp lương, tải đạn, đưa đón bọn xâm lược Mỹ và tay sai từ Bình Định, An Khê tiếp viện cho các chiến trường ở Tây Nguyên, tiếp tay cho giặc càn quét đánh phá vùng căn cứ của ta, của cách mạng các nước Lào, Campuchia. Và ở đó, cái chết luôn rình rập những người giao liên như chúng tôi, ngày đêm giặc lùng, giặc phục, sơ suất để lại dấu vết sau những lần dẫn quân vượt đường là chúng phục kích ngay, và chúng tôi có thể đổ máu!
Còn “ước mơ”, một ước mơ nhỏ thôi, giá mà không có giặc, ta sẽ được đi bộ trên con đường một cách tự do. Những đêm trăng sáng ngần, nhìn con đường như một chú trăn khổng lồ uốn lượn, mơ ước đến một ngày đất nước tự do, độc lập, con đường sẽ trở thành có ích biết bao cho sự nghiệp mở mang một vùng đất còn đầy tiềm năng và đầy hoang sơ, huyền bí của Tổ quốc: Tây Nguyên!
Đồi thông Đak Pơ.
Đồi thông Đak Pơ. Ảnh: Bích Hà

Cho dù “sinh sau đẻ muộn”, nhưng “dứt ra” từ “ông anh” An Khê giàu cả về truyền thống yêu nước và cả về tiềm năng kinh tế, cho nên “người em” Đak Pơ cũng chẳng đến nỗi nào. Nhưng việc mà không thể không làm, là phải tìm cho mình một lối đi. Có ai chỉ sống dựa vào tiềm năng và ăn từ truyền thống. Vì thế ông Bí thư Huyện ủy Nguyễn Trung Tâm lo cho sự không vươn lên kịp “bạn bè” của địa phương mình là đúng lắm. Viễn cảnh do anh “vẽ” ra và sau một ngày “mục sở thị”, trong đầu tôi một ý tưởng cứ dần hiện lên… Du lịch sinh thái lội rừng, băng thác- ở đây có hàng trăm con thác lớn, nhỏ, cao, thấp trập trùng từ những con suối không tên, ven theo những lối mòn ẩn hiện, gập ghềnh… Đầy phong lan rừng và những cây lưỡng dây bám đầy theo các vách đá, theo triền những con thác.

Cái cảnh sơn thủy hữu tình này gợi cho tôi cái ngày còn là chú giao liên tí hon, dưới con mắt của các bà chị mười tám đôi mươi lần đầu được tôi đưa qua đường an toàn họ như trút được bao lo âu, chú giao liên tí hon- cái thằng “bé tôi” này các bà chị coi như không có, và cứ thế ngụp lặn trong con thác như trong buồng tắm chỉ dành riêng cho phụ nữ ở nhà mình… Đâu đây còn nghe như có tiếng cười, tiếng hát của các chị, các anh…, giá mà bây giờ gặp lại nhau... Cũng có thể nhiều chị, nhiều anh sẽ không còn nữa, cũng như đội giao liên của chúng tôi bao lần bổ sung người đề duy trì “sĩ số” đảm bảo công việc, thế mà cho đến ngày giải phóng mấy chục con người của đội chúng tôi đã vĩnh viễn ra đi!

Xuất phát từ ý nghĩa của trận thắng Đak Pơ năm xưa- Trận đánh hơn 50 năm về trước ấy, cha ông ta đã làm nên một trang sử hào hùng, ở đó- một binh đoàn Âu- Phi- GIM 100 của giặc Pháp đã bị xóa sổ. Tác động của trận đánh lẫy lừng khắp Âu Á, là một “Điện Biên Phủ” ở Tây Nguyên, góp phần làm nên chiến thắng trọn vẹn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bởi thế mà quân đội, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã dựng lên một Đài tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh có một không hai ở miền Nam trong kháng chiến chống Pháp ở đây. Xét về mặt lịch sử đấu tranh, Đak Pơ xứng đáng là nơi để các thế hệ người Việt Nam đến tham quan, học tập, ôn lại truyền thống đấu tranh của cha ông xưa, đi lại trên những con đường giao liên Bắc- Nam, quốc lộ 19 và đoạn trên, dưới đèo Mang Yang.
Tôi dám chắc rằng đã có hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ chiến đấu, công tác trong thời kỳ đánh Mỹ ở các tỉnh thuộc miền Trung- Tây Nguyên đã có lần vượt đường 19 ở con đường giao liên “Trung ương” này. Nếu khôi phục lại- dù cho chỉ được vài chục cây số- con đường giao liên này sẽ không ít đồng đội trở lại “đi thử” con đường năm xưa mình đã đi qua. Tôi trộm nghĩ từ ý tưởng của Bí thư Đak Pơ là vậy, cái còn lại việc đầu tư ra sao, thì được biết UBND tỉnh đã có chủ trương cho phép huyện Đak Pơ nghiên cứu lập phương án thực hiện liên doanh mở mang ngành du lịch trong tương lai gần- Và nữa, nối Đak Pơ với căn cứ Kbang, rừng nguyên sinh Konkakinh và quần thể di tích lịch sử Tây Sơn thượng đạo của cả Đak Pơ, Kbang, An Khê, Kông Chro, trở thành vùng du lịch phía Đông tỉnh thì còn gì hơn nữa?
Đó là chuyện lâu dài, ngay bây giờ, chúng ta có thể “làm” vòng quanh Đak Pơ chừng vài chục cây số đi bộ, có rừng thông, có núi đẹp, có đồi, có suối, có thác và có bao thứ nữa đôi khi cả đời ta chưa một lần biết, vì vậy thật là thú vị.
Bích Hà

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.