Tấm lòng của bà giáo làng biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bà giáo ấy năm nay đã 74 tuổi nhưng vẫn miệt mài đứng lớp, dạy học miễn phí cho người nghèo. Học sinh của bà là những đứa trẻ khuyết tật, nghèo khó không đến được trường; những người lớn không biết chữ. Suốt gần 20 năm qua, hàng trăm trẻ em, người lớn ở làng biển ấy đã được bà gieo cho từng con chữ nhỏ mà lớn lên, trưởng thành. Nhiều gia đình, người dân làng biển mang ơn bà. Bà giáo ấy là Nguyễn Thị Thông, trú thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.

 

 Bà giáo Nguyễn Thị Thông đang dạy cho cháu Nguyễn Văn Nguyên
Bà giáo Nguyễn Thị Thông đang dạy cho cháu Nguyễn Văn Nguyên



1. Về Ngư Lộc, hỏi bà giáo Thông ai cũng biết. Nhưng tìm được nhà bà thật không dễ. Làng biển chật chội, đường đi lòng vòng lại chỉ đủ hai xe máy tránh nhau. Sau một hồi loay hoay trong thôn Thành Lập, tôi mới tới được nhà bà. Bà không có nhà. Người cháu dâu chỉ một ngôi nhà nhỏ như cái hộp diêm dài, mái lợp fibro xi măng nằm lọt thỏm trong sân ngôi nhà lớn, nói: “Nhà bà giáo Thông đó. Nhà này cũng từng là phòng học của các cháu đấy”. Khi tôi hỏi bà đi đâu, người cháu dâu cười: “Bà nhà cháu thì còn biết đi đâu giờ, chỉ có đi dạy hay đi vận động khuyến học thôi. Bà nhà cháu giống như nghiện nghề giáo ấy. Ngày xưa còn công tác thì ăn ngủ luôn ở trường, giờ về hưu thì lăn ra ngoài lớp học tình thương. Bà không chồng, không con nên các cháu học sinh là con, là cháu bà”.

Lại lần tìm lòng vòng một hồi tôi mới tới được lớp học của bà Thông. Lớp học tổ chức trên gác hai, phòng bên hông trụ sở UBND xã Ngư Lộc. Bà đang ôn bài cho cháu Nguyễn Văn Nguyên. Nguyên ở thôn Bắc Thọ, năm nay 17 tuổi nhưng tay chân bị teo, co quắp. Năm 2018, bố mẹ bận nghề biển nên cháu có nguy cơ phải bỏ học vì không ai đưa đến lớp. Biết tin, bà Thông đã nhờ Hội Người khuyết tật của xã vận động tài trợ cho Nguyên được một chiếc xe lăn. Có xe rồi, nhưng ai đưa đi? Bà Thông nghĩ ngay đến “mô hình” đôi bạn cùng tiến. Bà giao cho Nguyễn Văn Dương (19 tuổi, thôn Tây) giúp đẩy xe đưa Nguyên đến lớp. Dương chân tay lành lặn nhưng lại thiểu năng trí tuệ. Dương đẩy xe đưa Nguyên đến lớp, còn Nguyên kèm cặp Dương học tập. Năm học này, lớp học có 7 bạn, bà Thông giao cho Nguyên làm lớp trưởng, cu cậu rất vui.

Chị Nguyễn Thị Hoa, mẹ cháu Nguyên, cảm kích: “Nếu không có bà Thông thì con tôi giờ chẳng biết thế nào. Cháu bị tật thiệt thòi lắm, may nhờ được cái chữ của bà Thông mà cháu đỡ tủi thân. Nhà tôi chỉ biết biết ơn bà thôi, không biết lấy gì báo đáp”.

2. Cho đến giờ, ngồi ngẫm lại, bà Thông vẫn luôn biết ơn và khâm phục bố của mình. Ngày ấy, đất nước còn chiến tranh, khốn khó, lại là người làng biển nhưng ông đã ý thức được rất rõ sự quan trọng của “con chữ đối với con người”. Nhà có tới 10 anh chị em nhưng ông cho tất cả đi học, chỉ trừ một người chị của bà Thông vì bị khiếm thị. Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm hệ 7+2 và hệ 10+2, bà Thông dạy học ở nhiều nơi như xã Đông Tân, Đông Minh (huyện Đông Sơn); Đa Lộc, Hòa Lộc, Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc). Năm 2000, bà về hưu sau nhiều năm giữ cương vị Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngư Lộc.  

Trong suốt hành trình gieo chữ ấy, bà Thông chỉ “một mình một bóng”. Thời con gái, ở làng biển Ngư Lộc, bà có tiếng nết na, xinh đẹp, lại được học hành tử tế. Nhiều người đã đến với bà nhưng bà từ chối. Bà bùi ngùi chia sẻ: “Đời ai chẳng muốn có một mái ấm gia đình, nhưng mỗi người có hoàn cảnh riêng của mình. Nhà tôi đông anh em, khi bố mất giao cho anh trai cả quán xuyến gia đình, nhưng anh cũng mất khi đi biển. Em trai tôi đang học Sư phạm Vinh thì xung phong lên đường nhập ngũ. Trước khi đi, em khuyên tôi lấy chồng đi, tôi bảo khi nào đất nước thống nhất, em trở về gánh vác gia đình thì chị sẽ đi lấy chồng. Vậy nhưng, em tôi đã ra đi mà không trở về…”.

3. Về nghỉ hưu, có thời gian đi vào làng trên xóm dưới, bà Thông chợt giật mình. Làng biển vẫn còn đó những đứa trẻ khuyết tật, những đứa trẻ nhà quá nghèo không thể đi học. Đêm về, nằm vắt tay lên trán bà suy đi nghĩ lại “vì sao mình còn sức, còn trí mà để con cháu làng biển mình phải mù chữ?”. Trăn trở mãi, đến tháng 2-2002, bà đi khắp các thôn của Ngư Lộc, tìm đến nhà các cháu khuyết tật, nghèo khó vận động bố mẹ cho các cháu đi học.

Thời gian đầu, bà vận động được 16 cháu. Khi các cháu đến học bà mới tá hỏa. Cái gọi là ngôi nhà của bà quá hẹp. Mấy bộ bàn ghế kê sát sạt nhau bịt kín lối đi. Bà đành phải cho các cháu lớn được trèo qua bàn trước để đến ngồi phía bàn sau. Dạy được một thời gian bà thấy không ổn, nhất là mùa nắng đến, cô trò như ngồi trong lò bánh mì.

Trong một lần sinh hoạt chi bộ thôn Thành Lập, bà đề nghị được mượn mái hiên của nhà văn hóa thôn để làm lớp học. Chi bộ và người dân trong thôn đồng ý. Ngay sau đó, mọi người cùng chung tay nới rộng mái hiên, quyên góp thêm bàn ghế đủ chỗ cho các cháu ngồi học. Lớp học dưới mái hiên này kéo dài khoảng 10 năm, sau đó xã bố trí cho một phòng tại trụ sở ủy ban.

“Lớp học bà Thông” cứ thế đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, kéo dài năm này qua năm khác bất kể mưa, nắng, giá lạnh (chỉ trừ thời điểm nghỉ dịch Covid-19 vừa qua). Đến nay, sau 20 năm, kể từ ngày về hưu, bà đã dạy cho 104 cháu hoàn thành bậc tiểu học. Ngoài ra, còn xóa mù chữ cho 67 người lớn tuổi. Với những đóng góp của mình, bà được nhiều cấp ngành trung ương, địa phương khen thưởng, là điển hình trong phong trào học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ, đại biểu dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 2…

4. Mỗi khi nhắc về học trò của mình, bà Thông lại không cầm được lòng, nước mắt cứ ứa ra, bảo “hoàn cảnh cháu nào cũng khổ, không khuyết tật thì nghèo khó”. Gần đây, như trường hợp của cháu Đặng Thị Phượng ở thôn Thành Lập. Cháu bị bệnh tim bẩm sinh nhưng nhà quá nghèo, bố mẹ không có tiền chạy chữa nên buông xuôi với bệnh của cháu. Cứ mỗi lần Phượng đến lớp, nhìn cô bé dù đã 15 tuổi nhưng người “bé như cái kẹo”, gầy gò, xanh xao tim bà lại đau nhói. Không thể để cháu như vậy mãi, bà lên bàn với lãnh đạo xã, rồi kêu gọi tấm lòng hảo tâm quyên góp giúp Phượng. Năm 2017, Phượng được đưa ra Hà Nội mổ tim.

Trường hợp của Phượng không ám ảnh bà giáo Thông bằng hoàn cảnh của 3 anh em Nhâm, Nhung, Ngọ ở thôn Thành Lập, khi bà mở lớp đầu tiên năm 2002. Bố đi biển chết, mẹ phải tha phương kiếm sống ngoài Hà Nội. Ba anh em nheo nhóc nương tựa nhau trong ngôi nhà 1,5 gian lợp tranh, cách bờ biển mấy chục mét. Bà thuyết phục mãi 3 anh em mới đồng ý đến lớp. Nhưng đến lớp được một thời gian, bà thấy Nhung đi học đều đặn, còn khi Nhâm đi học thì Ngọ lại báo ốm và ngược lại. Một hôm lớp học như thường, Nhâm đi còn Ngọ lại ốm. Bà giao cho lớp tự ôn bài rồi lén đến nhà. Vào nhà, thấy Ngọ quấn cái chiếu cũ nằm trên giường. Bà hỏi “cháu ốm à” rồi đưa tay kéo chiếu, bất ngờ Ngọ hét lên, túm chặt lấy. Một hồi sau, Ngọ lí nhí thưa thật với bà là hai anh em chỉ còn một cái quần nên phải thay nhau ở nhà, không dám đi ra ngoài. Bà Thông bật khóc “sao lại đến nỗi này cháu ơi!”. Ngay lập tức, bà chạy đến mấy gia đình có điều kiện trong thôn, con bằng tuổi Nhâm và Ngọ xin cho hai cháu được mấy cái quần. Sau đó, bà đi mua vải nhờ cô em họ là thợ may, may thêm quần và áo cho anh em Nhâm, Nhung, Ngọ để cả ba được đến lớp.

Bà Thông cười trong nước mắt: “Bây giờ mừng lắm anh ạ. Nhung lấy chồng xã bên, còn hai anh em Nhâm, Ngọ cũng đã xây được một cái nhà hai tầng cơ đấy. Hết cảnh Chử Đồng Tử rồi”. Chung vui với niềm vui khôn tả của bà, tôi hỏi: “Bây giờ bà có ước nguyện gì không?”. Bà cười hiền hậu: “Ước gì à? Bà chỉ mong bà còn khỏe để dạy bảo các cháu được nhiều hơn”.

Theo DUY CƯỜNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.