(GLO)- Ông Rơ Mah Uếp (60 tuổi, ở làng Sung Le, xã Ia Kla) là một trong những người uy tín tiêu biểu của huyện biên giới Đức Cơ. Trăn trở trước thực trạng văn hóa bản địa đang dần phai nhạt, một số người bỏ làng trốn ra nước ngoài vì ảo tưởng về một cuộc sống sung sướng ở miền đất lạ, ông luôn đồng hành cùng lực lượng Công an tuyên truyền bà con xóa bỏ hủ tục, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và không tin, không nghe kẻ xấu xúi giục vượt biên.
Chúng tôi có dịp gặp ông Uếp bên lề lễ tuyên dương người uy tín tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” do Công an tỉnh tổ chức chiều 5-1 vừa qua. Dù chỉ là cuộc trò chuyện ngắn nhưng có thể nhận ra ở ông Uếp niềm tin vào bản chất thuần hậu của người Jrai. Ông tin bà con dân tộc mình vẫn một lòng theo Đảng. Chính niềm tin này đã giúp ông đưa những người từng lầm đường, lạc lối trở về với buôn làng. Ông tâm sự: “Ở địa phương tôi, nhiều người còn nghèo khổ nên họ bị kẻ xấu lừa phỉnh, lôi kéo. Vì vậy, tôi phải nói để bà con hiểu được những gì tốt đẹp mà Đảng và Nhà nước đem lại cho mình để không ai mắc mưu kẻ xấu nữa. Dự hội nghị này, tôi rất vui và phấn khởi vì có thể học được những cách làm hay của người uy tín ở các địa bàn khác để về áp dụng cho công tác tuyên truyền, vận động ở làng mình, xã mình”.
Ông Rơ Mah Uếp (giữa) nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có nhiều đóng góp vào sự nghiệp bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh năm 2017. Ảnh: T.T |
Đối với ông Uếp, công tác dân vận đạt hiệu quả cao nhất chính là từ những cuộc trò chuyện thân tình vào thời điểm thích hợp trong các ngày mùa hay lễ hội của người địa phương. Ông Uếp có lối nói chuyện mạch lạc, giản dị và đầy thuyết phục. Với kinh nghiệm sống của mình, ông chia sẻ cho bà con về cách làm ăn để thoát nghèo; chỉ ra âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động FULRO để bà con không bị kẻ xấu xúi giục đi lầm đường, lạc lối.
Được biết, xã Ia Kla hiện có 98 trường hợp sinh sống ở nước ngoài, 65 trường hợp ở 34 hộ được bảo lãnh đi. Vì vậy, một số người dân làng Sung Le cũng ít nhiều bị dao động. Đây là cơ hội để bọn phản động FULRO lưu vong lợi dụng, vẽ ra viễn cảnh một cuộc sống “thiên đường” ở nước thứ 3 và xúi giục bà con vượt biên. Bất cứ khi nào có dịp, ông đều nói để bà con hiểu âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động, giúp họ hiểu rằng có ra đến nước ngoài thì cuộc sống cũng chẳng dễ dàng. Và bằng những gì mắt thấy tai nghe, ông kể về sự khổ cực, mất mát của những người vượt biên, nếu ai may mắn được trở về làng thì cũng trắng tay.
Những năm qua, ông Rơ Mah Uếp luôn chú trọng giáo dục con cháu trong gia đình chấp hành pháp luật, vận động bà con duy trì những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từ bỏ cái gọi là “Tin lành Đê-ga”, các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, không tin “ma lai”, “thuốc thư”, thầy mo, thầy cúng... Ông còn hòa giải thành công hàng trăm vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, trực tiếp phân xử các vụ vi phạm theo tập tục của dòng họ hoặc theo lệ làng. Đồng thời, ông cũng cung cấp cho lực lượng Công an nhiều thông tin liên quan đến hoạt động của bọn tội phạm để kịp thời điều tra, xử lý.
Vì thế, đã từ rất lâu, ông Rơ Mah Uếp luôn được người làng Sung Le và các làng khác ở xã Ia Kla nhắc đến với sự kính trọng, khâm phục. Ông cũng là cánh tay đắc lực cùng lực lượng Công an tạo thành tấm lá chắn bảo vệ bình yên cho buôn làng.
Thúy Trinh