(GLO)- "Xã Ia Pnôn có nhiều tấm gương bảo vệ sự bình yên biên giới, nhưng người tiêu biểu nhất vẫn là già làng Rơ Châm Trom, ở làng Bua. Già làng này là cựu chiến binh, thương binh, đảng viên, người gương mẫu lâu năm, được nhiều cấp khen thưởng, thường xuyên giúp đỡ bà con nên nói là dân làng nghe theo, làm theo. Già Trom rất tích cực tuyên truyền các quy định hương ước của làng, của pháp luật và trực tiếp hòa giải thành công nhiều việc tranh chấp dân sự phức tạp, giải quyết nhiều vụ đánh nhau tập thể"-đồng chí Rơ Mah Klik-Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ cho chúng tôi biết như vậy.
Già làng Rơ Châm Trom, ở làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ. Ảnh: Hoàng Cư |
Trong căn nhà gỗ cũ kỹ, bình dị ở làng Bua, già làng Trom chậm rãi kể: Năm lên 18 tuổi (năm 1960), ông theo bố của ông và những người cách mạng ở trong làng Bua đi làm du kích xã Ia Pnôn. Mùa khô năm 1965, trong trận chống càn vào làng Tuêl, xã Ia Pnôn, ông chẳng may bị địch bắn trọng thương. Được các đồng chí, đồng đội cứu chữa kịp thời, ông hết nguy hiểm đến tính mạng và trở thành thương binh loại 4/4. Là thương binh, nhưng ông vẫn thường xuyên tăng gia sản xuất, tham gia chiến đấu và tích cực tuyên truyền, vận động mọi người thi đua thực hiện các phong trào cách mạng, cung cấp lương thực và thực phẩm cho bộ đội, tham gia chống càn, chống dồn dân lập ấp... Đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, năm 1970, ông vinh dự được kết nạp Đảng. Sau Ngày giải phóng miền Nam (năm 1975), ông được tổ chức phân công cho đi học tập nâng cao trình độ văn hóa và kiến thức pháp luật, rồi tuyển chọn vào làm việc tại cơ quan Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Chư Prông. Đến năm 1985, ông được điều động về làm cán bộ Tư pháp-Hộ tịch tại UBND xã Ia Pnôn. Sau 35 năm công tác liên tục, năm 1995, ông được nghỉ hưu theo chế độ. Tuy đã nghỉ hưu về làng Bua sinh sống, nhưng bà con dân làng và các cơ quan chức năng vẫn luôn bầu chọn ông làm đại biểu Hội đồng nhân dân xã, làm cán bộ Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi...
Dừng kể trong giây lát để uống ly nước, rồi ông lại tiếp tục: Bà con người Jrai ở xã Ia Pnôn và bà con người Jrai Jua buăn, người Jrai Tum buăn ở xã Pó Nhày, huyện Ozadav, tỉnh Ratanakiri, Campuchia sinh sống liền kề bên nhau đã rất lâu đời nên văn hóa, phong tục, tập quán gần giống như nhau. Nhiều nam nữ ở xã Ia Pnôn lấy người Campuchia, chung sống với nhau như vợ chồng, có con chung, có tài sản chung, nhưng không đăng ký kết hôn. Ông đã thường xuyên phối hợp với cán bộ các cấp đi tuyên truyền cho bà con hiểu biết các quy định của quy ước, hương ước, pháp luật, rồi vận động và hướng dẫn họ xóa bỏ phong tục lạc hậu này, thực hiện việc kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Ngoài ra, ông còn tích cực phối hợp với các cơ quan, Bộ đội Biên phòng, Công ty TNHH một thành viên 72, Tổng Công ty 15 (Binh đoàn 15) và những người có uy tín trong các làng đi vận động bà con ở khu vực biên giới bảo vệ và phát triển rừng, không xâm canh xâm cư, ăn ở hợp vệ sinh, phòng-chống các loại bệnh dịch, xóa bỏ các phong tục lạc hậu, bảo vệ sự bình yên cho khu vực biên giới...
Một trong những đóng góp quan trọng của ông là hòa giải thành công rất nhiều vụ việc phức tạp tại cơ sở, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Không chỉ là già làng của làng Bua, ông còn là già làng của xã Ia Pnôn. Mỗi khi có việc cần hòa giải liên quan đến các dòng họ, các làng, các xã ở lân cận; ông lại mời các già làng, các tổ chức để cùng nhau xem xét, hòa giải, giúp đỡ bà con giải quyết những mâu thuẫn, giữ gìn an ninh-trật tự khu vực biên giới. Mới đây, ông đã hòa giải thành công việc ông Rơ Lan Bình và bà Rơ Châm H'Hia, ở làng Bua tranh chấp đất nương rẫy với ông Rơ Mah Lan, Rơ Lan Mal ở làng Chan. Trước đó, vào đầu tháng 8-2016, ông đã tổ chức hòa giải dứt điểm vụ việc nhóm thanh niên ở thôn Ia Tum, xã Ia Nan (gồm Rơ Mah Lal, Rơ Lan Hào, Rơ Lan Sa, Ksor Luit, Siu Tiên...) uống rượu, quậy phá, đánh nhau với nhóm thành niên làng Chan và làng Bua, xã Ia Nan (gồm Rơ Mah Lanh, Siu Thi, Ksor Bênh, Kpui Thu...).
Ngoài thời gian làm việc với các tổ chức, ông tích cực tăng gia sản xuất, chăn nuôi, xây dựng gia đình văn hóa. Các con của ông đều có công ăn việc làm ổn định trong Công ty TNHH một thành viên 72, Tổng Công ty 15 và đã ra ở riêng. Ngoài diện tích nương rẫy chia cho các con, vợ chồng ông vẫn còn chăm sóc, thu hoạch 1.500 cây cao su, 3 sào cà phê, 1 ha điều... Trừ chi phí, vợ chồng ông thu lời hơn 150 triệu đồng/năm. Có của ăn của để, vợ chồng ông thường xuyên cho không bà con gặp khó khăn những gạo, đồ ăn, thức uống... Ông ôn tồn bảo: Gia đình ông luôn giúp đỡ những người nghèo khó là để thực hiện truyền thống của ông bà và làm theo lời Bác Hồ dạy: “Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ có nhau”.
Hoàng Cư