(GLO)- Đến thời điểm này, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã chuyển biến theo hướng tích cực. Tai nạn giao thông đã được kiềm chế, tỷ lệ giảm khá cả về 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, nhìn lại những số liệu thống kê có thể thấy, việc kéo giảm cả 3 tiêu chí tai nạn giao thông vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững…
Tín hiệu đáng mừng
Theo số liệu thống kê của Ban An toàn Giao thông tỉnh, trong 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã xảy ra 118 vụ tai nạn giao thông, làm 130 người chết, 82 người bị thương. Trong đó, có 108 vụ nghiêm trọng, 8 vụ rất nghiêm trọng và 2 vụ đặc biệt nghiêm trọng. So với cùng kỳ năm trước, tình hình tai nạn giao thông có chuyển biến tích cực, khi kéo giảm được cả 3 tiêu chí, số vụ giảm 24,84%, số người chết giảm 28,96% và số người bị thương giảm 20,39%.
Xe chở gỗ quá tải, quá khổ lật trên đèo Mang Yang. Ảnh: L.A |
Cũng trong thời gian trên, qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Trật tự trên toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 74.579 trường hợp vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, xử phạt 74.304 trường hợp, nộp kho bạc 19,9 tỷ đồng.
Để có được những kết quả trên, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai nhiều kế hoạch để tạo tiền đề, động lực, phát huy hết sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã giao tuyến, giao địa bàn, giao chỉ tiêu công tác cho các đơn vị, địa phương. Hàng tháng, cơ quan tham mưu thống kê, yêu cầu các đơn vị, tổ, đội Cảnh sát Giao thông có số vụ tai nạn giao thông gia tăng trên tuyến, địa bàn được phân công phụ trách kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, chủ động đưa ra các biện pháp khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ.
Công an tỉnh cũng đã tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, trách nhiệm trong lực lượng. Củng cố, phát huy hiệu quả vai trò của Công an xã và lực lượng quần chúng tham gia thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông.
Ảnh: Minh Thi |
Ngoài ra, Ban An toàn Giao thông tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ đến mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời triển khai nhiều giải pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông.
Nhưng thiếu bền vững
Qua thống kê từ số vụ tai nạn giao thông, số trường hợp vi phạm Luật Giao thông Đường bộ trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay cho thấy sự thiếu bền vững trong công tác kéo giảm tai nạn giao thông của tỉnh. Khi hiện nay, số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến quốc lộ chiếm 57,63%, giao thông nông thôn chiếm 15,25%, tỉnh lộ chiếm 13,56%... phản ánh công tác tuần tra lưu động của lực lượng Cảnh sát Giao thông được giao trách nhiệm phụ trách trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ không đạt mục tiêu, yêu cầu phòng ngừa, kéo giảm tai nạn giao thông trên tuyến phụ trách. Số trường hợp vi phạm trật tự giao thông đã được phát hiện vẫn còn rất cao (74.579 trường hợp vi phạm, tăng 68,52% so với cùng kỳ năm trước).
Trên thực tế, tai nạn giao thông tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là ý thức người điều khiển phương tiện, sau đó mới đến chỉ số an toàn phương tiện, hạ tầng giao thông… Việc tuần tra kiểm soát, xử lý phương tiện vi phạm chỉ là giải pháp tình thế. Vì hiện nay, tỉnh ta có 4 tuyến quốc lộ với chiều dài 505 km (14, 14C, 19, 25), tuyến đường Trường Sơn Đông (chưa bàn giao) dài 259 km. Như vậy, Gia Lai thuộc diện có đường quốc lộ dài nhất nước.
Dù chỉ chiếm gần 5% tổng chiều dài đường bộ toàn tỉnh, nhưng số vụ tai nạn xảy ra trên quốc lộ bình quân trong 3 năm gần đây luôn chiếm trên 50%. Nhưng với lực lượng như hiện nay, dù cố gắng hết sức vẫn không thể nào đảm bảo cho công tác tuần tra kiểm soát. Chưa kể 11 tuyến tỉnh lộ có chiều dài 537 km, chiếm hơn 10% các vụ tai nạn giao thông. Còn vấn đề nâng cấp hạ tầng giao thông đã xuống cấp, thực tế từ trước đến nay vẫn nằm ngoài tầm với của tỉnh.
Do đó, giảm tai nạn giao thông cần có sự chung tay của toàn xã hội và quan trọng nhất là ý thức của người tham gia giao thông.
Lê Anh