Tắc Rối - Làng đảo giữa… rừng sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cả cái làng 41 hộ dân cùng với giáo viên bốn mùa phải quanh quẩn, nhọc nhằn giữa núi rừng Tắc Rối. Muốn đi ra xã, ra huyện phải lội suối, chèo ghe, kéo bè, vượt con sông Tranh chia cắt đôi bờ hơn 40m.
Khổ nỗi, con nước sông Tranh ấy đâu phải ngày nào, giờ nào cũng êm đềm, hiền hòa như một dải lụa mềm, nhiều lúc khí hậu thay đổi, trời chuyển mưa, vào mùa mưa lũ nó lại trở nên dữ tợn, ào ào cuốn phăng mọi thứ. Trong đó, đã có… biết bao mạng người.
Muốn sang thì phải… chèo ghe
Trời miền Trung mùa này đã bắt đầu chuyển mưa. Xã miền núi Trà Tập, huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam những cơn mưa cũng bắt đầu nặng hạt. Từ ngoài đường quốc lộ 40B tôi đã nghe âm thanh vù vù của gió từ cánh sườn núi bên kia tạt lại, tiếng nước chảy cũng bắt đầu cuồn cuộn, gùn ghè xô nhau tạt sóng đôi bờ. Đôi lúc, gặp chiếc ghe nào bơi sang sông, hay chiếc bè kéo vật liệu, tiếng nước ấy ngày càng dữ tợn, kêu gào, đập mạnh vào mạng ghe, bè như muốn nuốt chửng.
Tôi theo chân thầy Lê Huy Phương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập) tiến lại gần con sông ấy. Từ bên bờ bên kia, 2 người đàn ông dùng sức gắng kéo chiếc bè từ những thanh tre và gỗ ghép lại sang sông. Thầy Phương cho biết, đó là 2 người thợ đang thi công xây dựng ngôi trường mới cho người dân tái định cư ở làng Tắc Rối bên kia bờ, họ sang giúp thầy kéo bè đưa chúng tôi sang sông.
Ở bên này 4 người đàn ông không phao, không đồ bảo hộ cũng nén mình leo lên chiếc ghe do 1 người đàn ông điều khiển. Người đàn ông lên cuối dùng hết sức mình đẩy chiếc ghe chở 5 người rời bờ. Trên chiếc ghe được làm từ vài tấm gỗ nẹp tôn mỏng nhẹ, 4 người chen chúc nhau tròng trành đi trên con nước. 
Dòng sông Tranh dữ dằn như muốn nuốt chửng chiếc ghe tội nghiệp. Nhóm những cô gái người dân tộc Ca dong còn lại đứng ở bên bờ giương đôi mắt nặng trĩu nhìn theo, đôi lúc hàng chân mày bỗng nhíu lại mỗi khi chiếc ghe bị sóng đẩy mạnh lắc lư.
 
Dù tái định cư nhưng làng mới Tắc Rối cũng mãi quanh quẩn ở phía bên kia, nơi bị dòng sông Tranh ngăn cách.
Nơi đây, dòng sông cách trở, cái nghèo cứ bao vây xóm làng, điều kiện tiếp xúc với bên ngoài của người dân nơi đây vì thế cũng ít đi, con người nơi đây vì thế cũng khá rụt rè. Trong nhóm người phụ nữ đang đứng chờ chiếc thuyền quay ngược dòng đón mình sang sông, ai nấy cũng nép mình, chỉ duy nhất một người phụ nữ đeo túi đồ lỉnh kỉnh dám trả lời người lạ.
Người này cho hay, do địa hình cách trở, ở đây lại không có cây cầu nào được xây dựng nên người dân muốn đi ra trung tâm xã hoặc lên huyện thì phải sắm những chiếc ghe nhỏ vượt sông Tranh qua tuyến đường 40B hoặc lội bộ nếu mùa nắng, nước ít. 
Còn khi mùa mưa đến, nước sông chảy xiết không thể nào vượt qua sông được. Đôi lúc nhiều trường hợp ốm đau, bệnh tật vào những ngày nước lớn đã không thể nào sang sông. Cũng đã có những lần, nhiều người cố vượt đã không may bị dòng nước hung tợn cuốn trôi.
"Trước đây đã có nhiều trường hợp tử vong do cố gắng lội qua sông này rồi. Có lần thì là một giáo viên tiểu học qua sông bị đuối nước, có lần thì những em học sinh khi cố gắng vượt sông tìm con chữ, lần thì người dân sang sông để đi chợ, lên huyện xã. Còn nhiều lần khác cũng có người bị sảy chân, may mà có người nhìn thấy, cứu vớt. Dù biết nguy hiểm là vậy nhưng không có con đường nào khác cả. Muốn đi thì phải qua sông, ai có tiền thì sắm ghe, không tiền thì lội bộ, nhờ ghe người này, người nọ", chị nói.
Ông Hồ Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Trà Tập cho biết, từ tháng 5-2019, các hộ dân làng Tắc Rối di dời về làng mới cách làng cũ khoảng 2km, người dân tận dụng khung nhà cũ để mang xuống dựng nhà ở làng mới. Làng Tắc Rối có 41 hộ dân, hiện đang trong thời gian bố trí, sắp xếp dân cư theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh. Cái khó hiện nay là vẫn thiếu cây cầu bắc qua sông để người dân đi lại.
"Mùa mưa nước sông Tranh lớn, người dân không thể vượt sông được. Để qua được tuyến đường 40B, người dân phải đi dọc theo bờ sông Tranh khoảng 3km xuống khu vực cầu treo ở xã Trà Dơn rồi đi qua quốc lộ 40B. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị với các cấp xin xây dựng cây cầu nhưng chưa có nguồn kinh phí đầu tư", ông Hiền cho biết.
 
Người dân muốn lên huyện, xã, đi học đều phải lội bộ, chèo ghe, đi bè vượt sông Tranh dù hiểm nguy đến tính mạng bất cứ lúc nào.
Gập ghềnh đường nuôi con chữ
Chiếc ghe lúc nãy đã quay lại đưa các cô gái lần lượt sang sông. Chúng tôi cùng thầy Phương lên chiếc bè tạm bợ, cố giữ mình đứng vững để hai công nhân xây trường kéo dây đưa qua làng. Thầy Phương cho biết, từ khi các hộ dân nơi đây được bố trí tái định cư ở khu mới, địa điểm học tập của các em học sinh ở ngôi làng này cũng vì thế di dời theo. 
Tuy nhiên do điều kiện di dời, từ đầu năm học 2019 - 2020 đến nay, trường phải mượn tạm một ngôi nhà của người dân để làm nơi dạy học cho các em học sinh. Điểm dạy học tạm này lại không có điện nên công việc dạy và học tại đây phải phụ thuộc vào thời tiết.
 
Để có được ngôi trường kiên cố, nhiều người phải lội nước kéo bè nhiều ngày mới đưa vật liệu đến nơi xây dựng.
Ngày chúng tôi đến làng, trời đổ mưa, sương mù giăng phủ khắp núi đồi. Lớp học tạm của các em học sinh nơi đây vì thế cũng gián đoạn. Thầy Nguyễn Bảo Toàn, giáo viên tiểu học tại điểm trường Tắc Rối tâm sự, điểm trường mới hiện có tổng số 39 em học sinh, trong đó 19 em lớp 1+2 (Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập) và 20 em học sinh lớp mẫu giáo (Trường mẫu giáo Phong Lan). "Do ở đây không có điện nên mỗi khi có sương mù hay mưa xuống thì tôi không thể nào dạy học cho các em được", thầy Toàn nói.
Đối với người dân làng Tắc Rối, một ngôi trường trong làng được xây dựng kiên cố là niềm mong mỏi bấy lâu nay của họ. Bởi có trường kiến cố, chí ít các em học sinh nơi đây có thể yên tâm học tập bất kể nắng mưa, không còn lo những cơn lũ quét về, không còn lo cái lạnh, cái rét của mùa đông lạnh giá. Và hơn nữa, người dân nơi đây cũng yên tâm dựng lại nhà cửa, sản xuất và phát triển kinh tế.
Từ nguồn xã hội hóa và hỗ trợ của huyện Nam Trà My, kế hoạch xây dựng một điểm trường mới kiên cố ở làng Tắc Rối được hình thành với mức đầu tư xây dựng khoảng hơn 470 triệu đồng, với 2 phòng học, phòng ở của giáo viên và một số công trình khác. 
Tuy nhiên, để xây được là cả một quá trình không hề đơn giản. Những người tham gia vận chuyển vật liệu phải lội nước rồi dùng bè kéo nhiều ngày mới đưa vật liệu đến nơi xây dựng, nhờ vậy điểm trường mới dần hình thành như bây giờ.
"Điểm trường mới được xây dựng nhưng việc vận chuyển vật liệu vô cùng khó khăn. Để đưa vật liệu sang sông chúng tôi mới làm nên chiếc bè gỗ này. Các công nhân thay phiên nhau lội xuống nước bơi đẩy bè chở vật liệu trong nhiều ngày liền. Tùy vào loại vật liệu việc kéo cũng hết sức vất vả và đầy nguy hiểm. Nếu có được một cây cầu thì có lẽ công trình sẽ được hoàn thành sớm hơn, việc vận chuyển vật liệu và việc đi lại trong mùa mưa của giáo viên, học sinh, người dân địa phương được an toàn hơn", thầy Phương chia sẻ.
 
Một cây cầu luôn là niềm mơ ước của người dân nơi đây.
Dù đã từng trên chiếc bè tre vượt sông đôi lần, nhưng khi đặt chân lên chiếc bè bằng gỗ nẹp tre oằn mình qua sông Tranh để rời làng, lòng tôi vẫn không tránh khỏi, lo lắng. Bởi dù điểm trường mới dần hình thành, các em học sinh mẫu giáo, lớp 1, 2 sẽ có một điểm trường mới để ổn định học tập, nhưng còn những em học sinh lớn hơn phải học trường xã, trường huyện, ai sẽ lo cho tương lai cho các em? Ai sẽ đảm bảo an toàn tính mạng cho các em mỗi lần lên những chiếc bè, chiếc ghe kia, vượt sông?
Giá như, nơi đây có một chiếc cầu kiên cố bắc ngang sông Tranh, đời sống của người dân nơi đây sẽ đỡ và hơn ai hết, những con chữ đến với các em sẽ đỡ bớt mệt nhoài, biết bao thế hệ tương lai nơi đây cũng sẽ được thay đổi…
Hà Vy (Cảnh sát toàn cầu online)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.