Sức sống mới ở vùng căn cứ Tu Mơ Rông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong chiến tranh, Tu Mơ Rông là vùng căn cứ cách mạng và tại nơi đây Tỉnh ủy Kon Tum đã chỉ đạo thành công 4 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh (từ Đại hội I, ngày 9/3/1960 đến Đại hội IV, ngày 26/10/1971) đề ra nhiều quyết sách quan trọng, chỉ đạo quân và dân các dân tộc Kon Tum kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau ngày đất nước được giải phóng, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong huyện, cuộc sống người dân và diện mạo các thôn, làng ở Tu Mơ Rông đang đổi thay từng ngày.

Sự đổi thay này hiện diện rất rõ ở từng thôn làng của huyện Tu Mơ Rông. Nhớ lại thời điểm mới thành lập huyện, đường lên trung tâm huyện đã khó, đường về các xã, các thôn làng càng khó khăn hơn. Khi ấy, Tu Mơ Rông ở thế ngõ cụt, vượt đèo Măng Rơi, đường đi các xã chủ yếu đường đất, mưa lầy, nắng bụi nên nhắc đến những tên xã như Đăk Na, Ngọc Yêu, Ngọc Lây nhiều người nghĩ đến miền thâm u đầy khó khăn. Thế nhưng với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước bằng các chủ trương, chính sách, nguồn lực để phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, các xã ở Tu Mơ Rông đã triển khai thực hiện hiệu quả, từng bước phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xây dựng cuộc sống ấm no hơn.

Đổi thay ở Tu Mơ Rông. Ảnh: P.N

Đổi thay ở Tu Mơ Rông. Ảnh: P.N

Như ở xã Ngọc Lây với 99% là đồng bào DTTS. Nếu như trước đây nhắc đến Ngọc Lây là nhắc đến miền thâm u gian khó thì nay nhờ các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, liên xã được đầu tư đã không chỉ thuận tiện khi di chuyển giữa các thôn làng trong xã mà còn ra trung tâm huyện, qua huyện Đăk Glei, qua huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Từ năm 2021, xã đã đạt chuẩn tiêu chí số 2 giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Nội dung đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội về mùa mưa (tiêu chí số 2 về giao thông) đã bê tông hóa được 21km, đạt tỷ lệ 100% (quy định 50%), đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm đã bê tông hóa 8,466km, đạt tỷ lệ 57,7% (quy định >50%).

Ngược về phía Tây của huyện, xã Đăk Na có 12 thôn, có 791 hộ, 3.046 khẩu sinh sống với 98% dân số là người Xơ Đăng. Ông Bùi Văn Viên-Chủ tịch UBND xã Đăk Na cho biết, cùng với tiềm năng phát triển dược liệu, xã còn có tiềm năng lớn về phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Là vùng đất được ưu đãi về nhiều mặt, từ khí hậu đến cảnh quan, từ vị trí địa lý đến lịch sử truyền thống cách mạng giàu tính văn hóa, lịch sử, xã có lợi thế so sánh để phát triển những sản phẩm du lịch đặc hữu; đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái, du lịch học tập truyền thống, văn hóa cách mạng gắn với du lịch trải nghiệm vườn sâm Ngọc Linh. Nhờ biết khai thác những thế mạnh này, những năm gần đây, đời sống người dân trên địa bàn có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo (đa chiều) của xã giảm còn 357 hộ/791 hộ (chiếm tỷ lệ 45,13% so với tổng số hộ dân toàn xã).

Bà con Xơ Đăng làm giàu từ dược liệu, xây dựng nhà cửa khang trang. Ảnh: PN

Bà con Xơ Đăng làm giàu từ dược liệu, xây dựng nhà cửa khang trang. Ảnh: PN

Không chỉ riêng ở Ngọc Lây, Đăk Na, đường đến với các xã của huyện Tu Mơ Rông khoảng cách vẫn thế nhưng nhờ được đầu tư mở rộng và trải nhựa, bê tông nên việc đi lại thuận lợi hơn. Cuộc sống người dân và diện mạo ở các thôn làng đều có những đổi thay tích cực. Các xã đều tích cực triển khai xây dựng nông thôn mới và đến nay, toàn huyện đã đạt 135 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, xã Đăk Rơ Ông đạt 14 tiêu chí, có 4 xã Ngọc Lây, Măng Ri, Ngọc Yêu, Tê Xăng đã đạt 13 tiêu chí, 4 xã Đăk Sao, Tu Mơ Rông, Văn Xuôi, Đăk Tờ Kan đạt 12 tiêu chí, xã Đăk Na đạt 11 tiêu chí và xã Đăk Hà đạt 10 tiêu chí.

Ông A Hải ở thôn Đăk Viên, xã Tê Xăng phấn khởi: Đời sống dân làng giờ khá lên nhiều lắm. Điện thắp sáng đến từng nhà, đường sá đi lại dễ dàng, đau ốm đến trạm y tế, cháu con đều được đến trường học. Nhờ được tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ vay vốn, người dân ở làng Đăk Viên đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây. Như gia đình tôi trước đây cũng khó khăn lắm, từ năm 2010 bắt tay vào trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây mà cuộc sống khá hơn, mỗi năm thu được cả trăm triệu đồng. Năm 2022, tổng thu của gia đình đạt cả tỷ đồng, trong đó, đa phần liên quan đến trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây và buôn bán sản phẩm dược liệu. Gia đình tôi làm được nhà mới khang trang, mua được xe máy, ti vi đắt tiền. Gia đình tôi và dân làng ai cũng mừng trước những đổi thay tích cực này.

Huyện Tu Mơ Rông có 11 xã, 86 thôn, làng. Cùng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, người dân Tu Mơ Rông phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nỗ lực khai thác các tiềm năng, thế mạnh, nhất là về dược liệu, sâm Ngọc Linh để từng bước thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới ấm no hơn. Nhờ vậy, đến nay, 86/86 thôn làng ở Tu Mơ Rông sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 100%; 11/11 xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 89,8% hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo (đa chiều) trên địa bàn hiện nay giảm còn 47,26% (giảm 12,93% so với cuối năm 2021 là 64,79%). Kết quả đạt được cộng với những chủ trương, định hướng đúng đắn, sự đồng lòng của các cấp, các ngành, của người dân cùng nhau khắc phục những khó khăn, phát huy tối đa các nguồn lực, các tiềm năng, xây dựng vùng căn cứ cách mạng Tu Mơ Rông ngày càng phát triển.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.