Khúc tự tình miền sơn cước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Từ chốn rừng thiêng, trập trùng núi của miền đất huyền ảo, những bài sử thi, dân ca, dân vũ ra đời hòa cùng điệu chiêng, nhịp trống, điệu rơkel, m’buốt... Người Tây Nguyên có thể một mình lang thang đi tìm lời ru nguồn cội, rong chơi tháng ngày trong mùa lữ hành; trong những mùa đi, mùa ở, họ đều cất lên những lời tình tự.

Chiều, qua huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, được ngắm nhìn sắc mầu những ruộng lúa không gieo cùng vụ, khói đốt đồng vương vấn trên dãy Pơtơu Gớp.

Đi hết cánh đồng dưới chân núi thiêng, thoáng nghe điệu ơ đó lẩn trong gió chiều. Lần theo điệu hát, tôi tìm đến nhà già Ya Loan, bên hiên nhà, bà Ma Wy, vợ ông, đang thả hồn trong điệu hát vui.

Nghe người già kể khan.

Nghe người già kể khan.

Bà bảo, ơ đó là một trong những điệu hát đặc trưng của người Chu Ru, có tiết tấu nhanh, vui vẻ. Lời ca thiên về tình yêu giữa con người, tình yêu sông suối, núi rừng và chim muông. Lúc lên rẫy, khi về đồng, người Chu Ru thường vừa đi vừa hát điệu ơ đó.

“Người Chu Ru có rất nhiều điệu hát, nào hari, katha, chohea... Mỗi điệu được cất lên trong những sự kiện theo quy ước từ ngàn xưa”, bà Ma Wy nói.

Có hàng trăm bài hát do người Chu Ru tự sáng tác lời, với những điệu hát chính như bà Ma Wy kể. Trong đó, hari là điệu hát phổ biến. Điệu hát này thường dùng để hát đối, nhưng cũng không ai trách phạt khi ngâm nga một mình.

Trong đám cưới, nhà chồng muốn gửi gắm chàng trai về bên vợ, mẹ hoặc bà chàng trai sẽ hát điệu hari kể chuyện xưa của chàng và nói lời gởi gắm, dặn dò; mẹ hoặc bà cô gái sẽ hát lời đối đáp.

Điệu hát này cũng để khuyên bảo nhau trong vài trường hợp, hoặc già làng thường dùng để kể chuyện xưa, kể khan để tiễn đưa một linh hồn về với rừng Yàng.

Còn katha là điệu hát về mùa màng; các già làng thường truyền miệng theo điệu này để cho con cháu dễ ghi nhớ lịch của mùa vụ và điệu hát chia buồn chohea. Trải qua bao dâu bể của lịch sử tộc người, những điệu hát ấy vẫn còn truyền tụng.

Với dân tộc Cơ Ho, lời trong yalyau (hát truyện), nrí (dân ca) mộc mạc hơn, lối ví luôn gần gũi với đời sống, thiên nhiên và không gian buôn làng.

Từ thuở đong đưa trên lưng mẹ lên rẫy, lên nương, những đứa trẻ “da nâu, mắt sáng” đã được nghe những lời ru ngọt ngào của mẹ. Đến tuổi cập kê, những chàng trai, cô gái miền sơn cước đã tiếp nối lối hát giao duyên, đối đáp; biết thổi kèn môi, m’buốt để tìm bạn kết đôi; biết chơi cồng chiêng, dân vũ để hòa vào cộng đồng.

Khi có con, có cháu, họ tiếp lối hát mời khách và đêm đêm bên bếp lửa nồng nàn men rượu cần, họ hát kể chuyện cho cháu con và dòng tộc. Những bài yalyau, nrí cứ thế trao truyền tự nhiên từ đời này sang đời khác.

Đêm trăng thanh, đại ngàn vào giấc, cô gái Cơ Ho đến tuổi cập kê cất tiếng gọi mời: “Hãy đi cùng em nơi rừng Tơrlang/ Hái măng rừng Tơrlao...”.

Sau những cuộc hẹn hò lãng mạn, cô gái sẽ trao chiếc kòng tê (vòng) hẹn ước cho chàng trai mà cô đã ưng bụng. Khi mùa màng thu hoạch xong, sơn nữ đề đạt chuyện “bắt chồng” với cha mẹ và cậu, để soạn lễ đi “xin cái xà-gạt” về cho con gái.

“Xưa, những hôm lên rẫy, đi hái rau rừng, sau những lời lahlong thắm thiết, những chàng trai, cô gái đã ưng bụng nhau, không ngần ngại trao vòng thề hẹn. Lahlong là lời nói êm ái, tình tứ; thường để trai gái trao lời hẹn ước”, bà K’Brang, người hát dân ca Cơ Ho nổi tiếng dưới chân Bidoup, huyện Lạc Dương giãi bày.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, trước hết, yalyau là kể chuyện xưa, khi nào có vần và diễn xướng theo lối ngâm nga thì mới mang tính thơ - nhạc dân gian. Có thể coi yalyau là hình thức tiền âm nhạc. Còn nrí hay còn gọi là ndrí là văn vần nói chung của đồng bào bản địa nam Tây Nguyên.

Đêm, trong không gian buôn làng, dưới những mái nhà dài, bếp lửa được thắp lên, men rừng đã ngấm, người già hát kể yalyau, người trẻ buông lời lahlong, tampớt tình tự, đắm say. Và những đêm khan vẫn được người Tây Nguyên kể thâu đêm rạng ngày, có khi đến mấy chục đêm mới hết.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.