Sức sống mới của thị xã nơi ngã ba sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Biết tôi từng ở Ayun Pa mấy năm, anh bạn bất ngờ đặt câu hỏi về sự đổi thay của thị xã nơi ngã ba sông này. Tôi đưa ánh nhìn về phía bầu trời, nơi có hàng ngàn con chim yến sải cánh chao liệng, rồi thu tầm mắt vào khu công viên nhộn nhịp trải dọc bờ sông Ba và những con đường phố thị tấp nập xe cộ, lòng chộn rộn niềm vui.
Đánh thức khát vọng làm giàu
Nhìn ánh chiều hắt chiếu mặt sông Ba, dòng nước chầm chậm chảy về hạ nguồn, ký ức bỗng ùa về trong tôi. Còn nhớ, khi tôi được phân công làm phóng viên thường trú ở đây, Ayun Pa đã được công nhận là thị xã nhưng có vẻ như thực tại chưa xứng với danh xưng ấy. Công viên Bến Mộng khi đó đúng nghĩa là một bãi đất hoang, cây cối um tùm, vài ngôi nhà xây không người ở bị đập bỏ một phần loang lổ. Mấy con đường gần công viên đoạn thảm nhựa, đoạn không. Mỗi chuyến xe qua, người xóc nảy, bụi mù trời. Tầm 17-18 giờ mùa nắng nóng, nơi đây trở thành địa điểm hút người. Người dân ra đây để hóng gió sông Ayun và sông Ba tràn về làm dịu cơ thể đang quay cuồng trong tiết trời oi ả. Nhưng cũng chỉ một lúc thôi, bởi mấy ai dám đứng lâu cạnh bãi đất hoang. 
Còn mùa mưa thì thưa vắng. Không vắng sao được, sông Ba hiền hòa ngày nắng nhưng khá hung hãn trong mùa mưa. Có những năm, nước lũ từ thượng nguồn đổ về dâng cao cả 10 m làm ngập dải đất hai bên bờ. Có năm, nước tràn bờ làm ngập mấy chục nhà dân ở cạnh sông, chính quyền thị xã phải tổ chức lực lượng di dời lên nơi an toàn trong đêm. Và thế là, những con thuyền rẽ nước chở người, đồ đạc lên nơi cao hơn. Lũ rút, cây cối, đường sá ven sông nhuộm màu đỏ của bùn đất. Còn mấy dải đất ven sông Ba bị sạt lở nghiêm trọng bởi nước lũ. 
Thị xã Ayun Pa ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: Nguyễn Tú
Thị xã Ayun Pa ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: Nguyễn Tú
Hồi ấy, Quảng trường 19-3 cũng chưa được đầu tư xây dựng, một vài chỗ cỏ mọc um tùm. Công viên Tuổi Trẻ cũng trong tình cảnh tương tự. Dù nằm ở vị trí đắc địa, hạ tầng được đầu tư và cho một doanh nghiệp thuê lại một góc để kinh doanh nhà hàng, có dịch vụ vui chơi cho trẻ em nhưng lại nhếch nhác lạ thường. Trong khuôn viên cỏ mọc um tùm, một vài hộ dân thấy vậy liền dùng làm nơi chăn thả gia súc.
Tiếng loa phát ra từ mấy ngôi nhà nuôi chim yến trên đường Nguyễn Huệ khiến tôi nhớ chuyện gọi chim yến về thung lũng Cheo Reo cách đây hơn 10 năm. Thời điểm đó, nghề nuôi chim yến đã manh nha ở Ayun Pa. Hai ông Nguyễn Văn Toàn và Nguyễn Văn Nhân được coi là người tiên phong bỏ tiền tỷ xây nhà gọi chim yến về làm tổ. Theo tiếng máy dụ, loài chim sinh sống ở miền biển lác đác bay về Ayun Pa tìm nơi làm tổ. Vài đôi cánh nhỏ nhoi chao liệng trên bầu trời thị xã đã thắp thêm hy vọng cho những hộ dân mạo hiểm đầu tư tiền của để theo nghề mới. Dần dà, chim yến về đông hơn, sinh sôi, người nuôi cũng nhiều hơn. Hiệu quả bước đầu đã đánh thức khát vọng làm giàu của người dân đô thị nơi ngã ba sông này.
Đổi thay đô thị ven sông
Mỗi vùng đất đều có những nốt trầm nhưng với ý chí tự cường của người dân cùng sự đồng hành của các cấp chính quyền sẽ chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Đô thị trẻ Ayun Pa cũng vậy. 15 năm sau ngày chia tách, nâng cấp lên thị xã, kinh tế-xã hội của Ayun Pa đã khởi sắc. Hòa trong dòng xe ngược xuôi ở khu trung tâm hay buôn làng, chiếc xe máy của tôi bon bon trên những tuyến đường trải nhựa phẳng lỳ, rộng rãi. Bụi đất trắng trời chỉ còn trong dĩ vãng. Quảng trường 19-3 được quy hoạch bài bản với những ô cỏ xanh rì, cây xanh cao lớn tỏa bóng mát. Công viên Bến Mộng nhộn nhịp người xe đến tập thể dục, hóng mát. Bờ kè sông Ba, sông Ayun được xây dựng kiên cố chống sạt lở, ngăn lũ đã giúp dân cư sinh sống lân cận ngon giấc ngủ. Hàng quán bán sản vật của vùng ở trên con đường dọc bờ kè tạo thêm sự lựa chọn cho thực khách và tiếp thêm sinh khí cho thắng cảnh Bến Mộng. 
Mấy chục năm sinh sống ở phường Sông Bờ, ông Lê Xuân Thắng thấy rõ sự đổi thay của thị xã ven sông Ba. Ông Thắng hồ hởi: “Công viên Bến Mộng xưa kia là đầm lầy, bãi hoang. Được sự đầu tư của các cấp chính quyền đã trở thành một địa điểm khang trang, đẹp đẽ, góp phần thay đổi bộ mặt của thị xã. Giờ đây, công viên trở thành nơi để đông đảo dân cư trong vùng đến thư giãn, giải trí, tập luyện thể dục sau những giờ làm việc vất vả. Người dân chúng tôi rất phấn khởi”.
Đô thị nơi ngã ba sông ngày càng đẹp đẽ, hiện đại, khang trang hơn. Ảnh: Nguyễn Tú
Đô thị nơi ngã ba sông ngày càng hiện đại, khang trang hơn. Ảnh: Nguyễn Tú
Ayun Pa đang được mệnh danh là “thủ phủ” nuôi chim yến ở Gia Lai với 120 hộ dân theo nghề. Những hộ tiên phong ngày trước nay đã trở thành “đại gia” với thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Đơn cử như gia đình ông Toàn có thu nhập xấp xỉ 200 triệu đồng/tháng. Đồng thời, ông Toàn cũng làm dịch vụ lắp đặt thiết bị dẫn dụ, tư vấn nuôi chim yến cho người dân. Gia đình ông Nhân cũng có thu nhập ngang ngửa nhà ông Toàn. Ở thời điểm hiện tại, lúc chiều tà, chim yến bay rợp trời Ayun Pa sau một ngày kiếm ăn. Nghề nuôi chim trời đã góp công nâng mức thu nhập bình quân đầu người ở Ayun Pa từ 8 triệu đồng (năm 2007) lên mức 52 triệu đồng (năm 2021).
Tuy vậy, khát vọng làm giàu từ nghề mới này cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó có nỗi lo ô nhiễm tiếng ồn từ tiếng loa dẫn dụ yến. Cử tri thị xã Ayun Pa không ít lần kiến nghị tỉnh xem xét quy định cấm nuôi yến trong khu vực nội thị và có cơ chế, chính sách cho phép người dân được xây dựng nhà nuôi ở vùng đất sản xuất nông nghiệp xa khu dân cư. Tôi còn nhớ trong lần làm việc mới đây với đoàn công tác của HĐND tỉnh, một lãnh đạo HĐND thị xã Ayun Pa cũng đã kiến nghị cần tháo gỡ những vướng mắc nói trên. Bởi thị xã Ayun Pa chủ yếu sản xuất nông nghiệp, thu nhập người dân không cao và ổn định bằng nghề nuôi chim yến. Tiềm năng của nghề nuôi loài chim trời này rất lớn. Tỉnh cần có cơ chế để địa phương phát huy lợi thế của nghề mới này, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Thu nhập của người dân thị xã đã tăng lên đến 52 triệu đồng/người năm 2021. Ảnh: Nguyễn Tú
Năm 2021, thu nhập của người dân thị xã Ayun Pa đã tăng lên đến 52 triệu đồng/người. Ảnh: Nguyễn Tú
Đô thị 15 năm tuổi-nơi hợp lưu giữa sông Ayun và sông Ba không chỉ có sự phát triển về kinh tế, đổi thay bộ mặt đô thị, nông thôn mà còn bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa mang bản sắc riêng của vùng, nhất là ở làng dân tộc thiểu số. Ông Ksor Chuel (buôn Rưng Ma Nhiu, xã Ia Rbol) say sưa kể với tôi về những nghi lễ, hội hè đậm bản sắc của người Jrai trong buôn. Ông bày tỏ: “Một thời gian dài, các nghi lễ truyền thống ít được quan tâm tổ chức dẫn đến nguy cơ mai một. Mấy năm gần đây, địa phương đã tích cực mở lớp dạy đánh cồng chiêng cho thanh-thiếu niên, chính quyền và ngành chuyên môn vào cuộc hỗ trợ bà con tham gia phục dựng nghi lễ truyền thống của đồng bào Jrai. Từ đó, người dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc”.
Ayun Pa đang được kỳ vọng trở thành vùng kinh tế động lực phía Đông Nam của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025 và trở thành đô thị loại III trong năm 2030. Theo Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Trường Sơn: Để hướng Ayun Pa phát triển kinh tế theo mô hình thương mại-dịch vụ-du lịch-tài chính và công nghiệp, thị xã đã đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, thị xã tiếp tục phân bổ nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng giáo dục và mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chú trọng cải cách hành chính nhằm phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp cũng như tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.
...Dạo quanh mấy hàng quán đông đúc trong đêm, tôi nghe đô thị trẻ bừng sinh khí mới. Người dân say sưa nói về khởi sắc của thị xã trong mấy năm qua. Nhiều hơn là câu chuyện hàng chục hộ dân từ “nợ đầm đìa” trở nên giàu có nhờ nghề nuôi chim yến. Và, nỗi buồn phố cũ bỗng chợt tan biến, nhường chỗ cho niềm vui, sự kỳ vọng vào cuộc sống đang đổi thay từng ngày.
NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm

Làng Bluk Blui ngày càng khang trang, khởi sắc. Ảnh: Đ.M.P

Về làng phong Bluk Blui

(GLO)- Hàng chục lần tôi trở về vùng đất Chư Păh (tỉnh Gia Lai) nhưng không vì thế mà trở nên nhàm chán. Mỗi lần về lại, chứng kiến bao thay đổi là lòng tôi thấy vui, vì sự phát triển của địa phương. Đặc biệt là với xã Ia Ka, với làng phong Bluk Blui-cái tên làng đặt theo tên một dòng suối ở đây.

Tặng 60 suất quà cho gia đình chính sách xã Gào

Tặng 60 suất quà cho gia đình chính sách xã Gào

(GLO)- Chiều 11-12, nhóm cựu chiến binh đến từ TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Nhóm thiện nguyện 50K TP. Pleiku và tổ dân phố 3 (phường Diên Hồng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình tặng quà cho gia đình chính sách tại xã Gào.

Phú Thiện: Cán bộ chủ chốt góp ý Dự thảo lần thứ nhất Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện

Phú Thiện: Cán bộ chủ chốt góp ý Dự thảo lần thứ nhất Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện

(GLO)- Sáng 11-12, Huyện ủy Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tiến hành hội nghị cán bộ chủ chốt toàn huyện góp ý Dự thảo lần thứ nhất Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025-2030. Các đồng chí Thường trực Huyện ủy chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Dự án 8 tại huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi

Ia Pa sơ kết 3 năm triển khai Dự án 8

(GLO)- Sáng 10-12, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021-2024.

Ảnh: Đ.M.P

Sró một thời...

(GLO)- Từ trung tâm huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đi chừng 30 km là đến xã Sró. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều lần trong các chuyến công tác, tôi đã qua lại nơi đây. Kỷ niệm thì nhiều, nhưng tôi nhớ nhất là hồi chú Trần Quốc Bảo làm Bí thư Huyện ủy.

Gia Lai: Công bố 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Gia Lai: Công bố 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 783/QĐ-UBND về việc công bố danh mục gồm 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư, quản lý thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Phòng-chống cháy mía

Kbang tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía

(GLO)- Để chuẩn bị tốt thu hoạch mía niên vụ 2024-2025, phòng ngừa cháy mía gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký kế hoạch thu mua mía với Nhà máy đường An Khê, đồng thời tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía.

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

(GLO)- Chiều 6-12, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Đảng ủy-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” nhằm trao tặng áo ấm cho thiếu nhi trên địa bàn xã.

Quang cảnh hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024 huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: 19/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch năm 2024

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Ngọc Ngô chủ trì hội nghị.

Đak Đoa điều chỉnh giảm dự toán vốn thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn hơn 300 triệu đồng. Ảnh Hà Duy.

Đak Đoa điều chỉnh vốn sự nghiệp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

(GLO)- Hội đồng nhân dân huyện Đak Đoa vừa ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về việc điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được chuyển nguồn sang năm 2024 và điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp năm 2024 thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (đợt 2).

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Mùa cà phê chín đỏ

Mùa cà phê chín đỏ

(GLO)- Dưới ánh nắng rực rỡ của những ngày cuối tháng 11, trên khắp các vườn cà phê chín đỏ, không khí thu hoạch rộn rã hơn. Năm nay, bà con nông dân đón mùa vụ với sự hân hoan lớn khi lần đầu tiên cà phê có một mức giá cao nhất lịch sử.