69 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27/2/1955-27/2/2024): TÁI SINH

Sứ mệnh thiêng liêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên hành trình nối dài sự sống, rất lặng thầm bóng hình biết bao người khoác trên mình tấm áo blouse. Để có được những ca ghép tạng mở ra một trang đời mới cho các bệnh nhân là nỗ lực không thể kể hết bằng lời của đội ngũ y, bác sĩ. Đằng sau mỗi ca phẫu thuật là cả câu chuyện dài...

Chàng trai 17 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp và xơ hóa phổi phải giã từ cuộc sống sau 2 năm mòn mỏi chờ đợi tạng hiến nhưng không nhận được tim và phổi hiến tặng phù hợp. Hai 2 tháng sau khi cậu mất, người chị gái là N.T.L.T, 29 tuổi (Hà Nội) đã tặng lại trái tim, một quả thận và hai giác mạc sau khi chết não để mang lại sự sống cho những người đang cạn dần sức lực trong cuộc chiến với tử thần…

Nhiều lắm những phận người như vậy. Định mệnh đã khiến hành trình trên cõi nhân gian dừng lại, nhưng chính ánh sáng thiện lương của họ đã trao cơ hội cho nhiều cuộc đời khác được hồi sinh bằng chính một phần cơ thể mình. Hẳn ở nơi xa xôi đó họ hằng mong người được sống sẽ sống tiếp những tháng ngày xứng đáng nhất.

Một bệnh nhân được hồi sinh nhờ tạng hiến

Một bệnh nhân được hồi sinh nhờ tạng hiến

Tôi đọc những lá đơn đăng kí hiến mô, tạng lưu trữ tại Trung tâm điều phối ghép tạng, bất giác hình dung ra dòng chảy văn hoá mới - dòng chảy của sự tận hiến, của những yêu thương ngút ngàn đang lưu chuyển từ thân xác này sang hình hài kia. Để những cuộc đời được giữ lại cùng cất tiếng reo vui và lặng thầm cảm ơn những hiến dâng của một người xa lạ đã giữ lại cho ta hình hài. Nó là minh chứng cho thấy cuộc sống vẫn lan toả những điều tốt đẹp. Và ở thế giới bên kia, những người hiến tạng đang mỉm cười vì họ đã cứu sống nhiều cuộc đời. Đáp lại tấm chân tình ấy, những người may mắn được ghép tạng đều tâm niệm sẽ sống một đời thật ý nghĩa để những hiến dâng kia không trở nên vô ích. Từ đây, cả người cho lẫn người nhận cùng nhau viết tiếp dòng chảy văn hóa tận hiến của người Việt: cho đi, là còn mãi.

Đi sau thế giới gần nửa thế kỉ trong lĩnh vực ghép tạng, nhưng qua 30 năm phát triển Việt Nam đã có những thành công vượt bậc khi các bác sĩ làm chủ nhiều kĩ thuật ghép tạng khó như ghép tim, phổi, ghép đa tạng. Nỗ lực của các “thiên thần khoác áo blouse” ghi dấu bằng hàng ngàn cuộc đời được giữ lại bên này cửa tử.

Hội tụ tinh hoa

Ngay những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã lập kì tích khi thực hiện thành công một loạt ca lấy - ghép 8 mô tạng từ người cho chết não. Hơn 150 cán bộ nhân viên tham gia ca đại phẫu đòi hỏi sự tinh thông về chuyên môn và kĩ thuật ngay cả đối với các nước có nền y học tiên tiến, phát triển. Điều đó càng là minh chứng rõ nét hơn những thành tựu mang tầm thế giới của nền y học Việt Nam, thể hiện phương châm "đi sau về trước" trong việc thực hiện các kĩ thuật ghép tạng, với tỉ lệ sống cao và chi phí phù hợp.

Chín năm trước trở thành dấu mốc đáng nhớ khi lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam ghi nhận ca ghép tạng thành công mà tim và gan của người hiến được vận chuyển xuyên Việt 1.700 km bằng máy bay, với những tình tiết khiến mọi người thót tim và cảm phục sự tận tâm, nỗ lực hết mình của các y bác sĩ. Nhận được thông tin từ Ban điều phối tạng thông báo Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) có bệnh nhân chết não hiến tạng, rất khẩn trương, Ban lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức họp bàn và phân công mỗi người một việc để có thể tiếp nhận sớm nhất nguồn tạng hiến. Kíp bác sĩ nhận nhiệm vụ vào Bệnh viện Chợ Rẫy để lấy tạng đưa ra Hà Nội là 2 giáo sư dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn về tim và gan. Đó là GS.TS Trịnh Hồng Sơn, khi ấy là Phó Giám đốc Bệnh viện và PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch. Đi cùng các anh là 4 bác sĩ trẻ.

Kíp phẫu thuật BV Việt Đức thực hiện ca ghép tạng

Kíp phẫu thuật BV Việt Đức thực hiện ca ghép tạng

Với GS.TS Trịnh Hồng Sơn, người đã từng đến nhiều nơi trên thế giới để mổ và ghép nhiều ca bệnh nặng nhưng chuyến bay lần này thực sự mang một tâm trạng khác. Hơn 2 tiếng ngồi máy bay luôn đau đáu trong anh suy nghĩ liệu có thể mang điều kì diệu đến cho 2 con người đang mong mỏi được sống hay không, có điều trục trặc nào có thể xảy ra và xử lý thế nào để mọi việc được hoàn tất. Cùng lúc đó tại Bệnh viện Chợ Rẫy, kíp bác sĩ đang tiến hành thủ thuật trên bệnh nhân chết não hiến tạng. Khi kíp bác sĩ Bệnh viện Việt Đức có mặt tại phòng phẫu thuật Bệnh viện Chợ Rẫy, ngay lập tức họ bắt tay vào bóc tách tim và gan của người hiến rồi cho vào túi nilon đựng dung dịch chuyên biệt để bảo quản tạng.

Quá trình này đòi hỏi GS. Sơn và PGS. Ước phải ngâm đôi bàn tay trong đá lạnh buốt vì khi bóc tách phải đảm bảo nhiệt độ đủ lạnh để làm ngưng quá trình chuyển hoá của tế bào trong tạng. Những bác sĩ đứng phụ thay đá liên tục để đảm bảo đúng kĩ thuật. Việc ngâm trong đá lạnh đến cóng tay đã thành quen với những bác sĩ ghép tạng.

Nhìn lại ca lấy - ghép đặc biệt này PGS.TS Nguyễn Hữu Ước để lí giải: “Nhờ sự phối hợp rất tốt giữa bác sĩ các bệnh viện cùng với tố chất thần kinh thép mà bác sĩ ngoại khoa nào cũng có, nhất là tại bệnh viện chịu áp lực cao như Bệnh viện Việt Đức đã giúp chúng tôi đủ sức khỏe và ý chí để làm việc liên tục”.

Tôi lại gặp PGS.TS Nguyễn Hữu Ước sau một ca ghép tim đặc biệt vào tháng 3/2017, ông bảo khó khăn nhất của trường hợp này là tim hiến của người lớn, cách nào đưa được vào trong lồng ngực của cậu bé 10 tuổi. Và ông đã phải sử dụng rất nhiều cách thức, xem xét rất kĩ trước mổ, đặc biệt là đánh giá kích thước 2 quả tim để tìm sự tương thích giữa người cho và người nhận. Có rất nhiều kĩ thuật phải xử lý. Suốt hơn 10 tiếng ông cùng hàng chục đồng nghiệp đứng phẫu thuật cho ca ghép tim đặc biệt này thì bên ngoài phòng mổ có một người phụ nữ như hóa đá vì lo lắng cho số phận cậu con trai. Ngày đó, giới chuyên môn gọi đây là ca ghép ảo diệu vì sự sáng tạo rất tinh tế của PGS.TS Nguyễn Hữu Ước khi ông đã đổi vị trí quả tim thay vì tư thế trước sau chuyển sang nằm ngang, hơi nghiêng để quả tim lọt vào trong lồng ngực. Từ khi có tim hiến cho đến khi ghép chỉ một ngày nên mọi nỗ lực của ông và đồng nghiệp không chỉ là gồng mình lên bằng sự sáng tạo khoa học mà còn cả tình người để hồi sinh nhịp đập của trái tim trong lồng ngực cậu bé đang khát khao sự sống.

Thành công của hành trình ghép tạng xuyên suốt những năm qua là sự hội tụ tinh hoa trí tuệ các thầy thuốc, sự tận lực cống hiến, tạo được kì tích trong y khoa. Nhưng có lẽ điều lớn hơn - nếu y học là gương mặt thứ 2 của sự sống, được sinh ra để con người dựa vào đó mà bảo tồn đời mình trước những biến cố, thì ghép tạng và những người thầy thuốc làm việc đó vô hình trung trở thành con người trong con người. Đâu chỉ có người hiến, kẻ nhận, mà có thêm một gương mặt thứ 3 nữa chen vào số phận họ, nhất là người được cho. Hạnh phúc chia đều cho mỗi chúng ta. Nếu được quyền nói, tôi sẽ nói rằng, đó là sự vinh danh của tạo hóa diệu kì hiện diện giữa đời thường!

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.