(GLO)- Không riêng gì tôi mà các nhà nghiên cứu khoa học, học giả, nhà phê bình, biên tập viên đều đánh giá cao giá trị về tư liệu lịch sử của tập sách “Phật giáo đời Trần cách tiếp cận từ lịch sử” của Tiến sĩ Triết học Bùi Xuân Mai (tức Hòa thượng Thích Tâm Tường-Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Gia Lai, trụ trì tại chùa Bửu Thắng, TP. Pleiku) do Nhà Xuất bản Đà Nẵng ấn hành đầu năm 2013.
Một ngày cuối năm 2013, trước khi Hòa thượng ra Quảng Ninh tham dự Đại lễ tưởng niệm 705 năm Ngày nhập niết bàn và khánh thành tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông năm 2013 tại Yên Tử, chúng tôi đã có nội dung bản thảo của thầy và trang trọng mang ra công ty in chuẩn bị khâu dàn trang. Tôi thật sự tâm đắc với những dòng tâm sự của tác giả khi đặt vấn đề lịch sử Phật giáo Việt Nam đồng hành với lịch sử dân tộc ngay từ buổi bình minh dựng nước: “…Nhiều thời kỳ, Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo, củng cố triều đình, tập hợp toàn dân, xây dựng sức mạnh đoàn kết, đánh bại những kẻ thù xâm lược hung bạo nhất. Tiêu biểu nhất là Phật giáo đời Trần. Các bậc cao tăng thời kỳ này là những quốc sư tài năng, đức độ giúp triều đình củng cố vị thế quốc gia, mở rộng bang giao, mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước hòa bình, an lạc”.
Theo Hòa thượng: Đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn học, mỹ thuật, văn học Phật giáo đời Trần có giá trị. Tuy nhiên sẽ không nhìn nhận, đánh giá đúng và đủ vai trò của Phật giáo đời Trần nếu chỉ riêng một khía cạnh mà không quan tâm đến lịch sử, nhất là mối quan hệ giữa lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo Việt Nam”. Trong sách đã lý giải và phân tích hợp tình phải lý khi chính bản thân Phật giáo cũng đấu tranh với chính mình trong quá trình hòa hợp cùng với các luồng tư tưởng, học thuyết, đạo lý… khác như Nho giáo, Lão giáo (trên tinh thần dung hợp tam giáo đồng nguyên) mà đương thời vị vua Trần Nhân Tông anh minh đã vận dụng tư tưởng này trong việc an dân, lập nước. Tinh thần thiền hành động, nhập thế tích cực với tính nhân văn đậm đà, sâu sắc. Một đạo giáo rèn giũa con người sống và hành động có ích và có trách nhiệm với chính bản thân, gia đình và cuộc đời này. Hơn thế nữa, tinh thần hòa hợp, chung sống hòa bình rất có giá trị và phù hợp với xu thế thời đại đang diễn biến phức tạp, bất ổn như hiện nay.
Tập sách có 8 chương được biên soạn kỳ công, chú thích rõ ràng, minh bạch từng câu từng ký tự (cổ ngữ, Hán văn). Một tác phẩm nghiên cứu văn hóa Phật học rất đáng đọc cho mọi người mọi nhà, nhất là giới viết lách và phật tử đang tu nghiệp.
Sách của Hòa thượng Thích Tâm Tường phát hành đúng vào dịp đầu Xuân Giáp Ngọ-2014, cũng là thái độ đầy trách nhiệm của thầy khi đang trong thời khắc tiến đến những sự kiện quan trọng của cộng đồng Phật giáo trong khu vực và thế giới trong năm 2014 đối với Phật giáo Việt Nam.
Lê Bá Tuế