Sống ở xóm ngụ cư: Lửa ấm xóm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để giúp những đứa bé cứng cáp hơn trong môi trường bủa vây tệ nạn ở xóm ngụ cư, nhiều bạn trẻ đã tới đây dạy hát, dạy chữ cho các em nhỏ, lồng vào buổi dạy của mình câu chuyện cuộc đời, cách ứng xử trước một sự cố... để từ đó lan tỏa yêu thương.
 
Những đứa trẻ ở khu Hương Quê
Sự xuất hiện của thầy cô giáo ở xóm ngụ cư này như ngọn lửa ấm giúp trẻ em nuôi dưỡng tâm hồn, là cầu nối đưa phụ huynh tới gần con mình hơn.
Nuôi dưỡng ước mơ

Tham gia thiện nguyện tại xóm Hương Quê từ năm 2011, hầu hết thầy, cô đều từng là trẻ mồ côi, ngỗ ngược, một số đến từ Nhà Hạnh Phúc - nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh. Từng được giúp đỡ để nên người, giờ đây các thầy, cô đáp đền bằng cách trao lại yêu thương. Để có tiền duy trì hoạt động dạy học, dạy hát, tặng quà dịp lễ, thăm hỏi trẻ nhỏ, người già lúc ốm đau, hầu hết thành viên đều tự bỏ tiền túi hoặc vận động nhà hảo tâm hỗ trợ.


Trước giờ cơm trưa thứ tư và chủ nhật hằng tuần, trẻ nhỏ xóm Hương Quê (H.Bình Chánh, TP.HCM) lại được tập hợp ở bãi đất trống khuất sau mấy ngôi nhà trong hẻm để nghe cô giáo Trang (25 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) cùng vài người trong nhóm thiện nguyện kể chuyện và chơi trò chơi.
Kết thúc mỗi trò chơi, cô Trang lại phát kẹo, cơm chiên, trái cây cho trẻ nhỏ. Nhờ những món quà như thế mà đám trẻ ở đây cảm thấy hào hứng, hạnh phúc. Rồi Trang lấy chai thuốc xức ghẻ, chẳng ngần ngại thoa vào những vết ngứa đang lở loét trên cặp chân, cẳng tay chi chít thẹo của bọn nhỏ.
Trang bảo: “Cái xóm nhỏ xíu vậy nhưng có tới vài trăm đứa trẻ, hầu hết đứa nào cũng nhiều ghẻ, rôm sảy. Bọn chúng thích được xoa vết thương, được hỏi han, khích lệ”. Thậm chí, cô bé H.T.Thảo, 12 tuổi, còn cố cạy vết thương đã đóng mày cho bật máu để “Cô ơi, xức thuốc cho con”. Nhà Thảo đông anh em, ba mẹ đi làm tối ngày. Mỗi khi các cô giáo tới chơi, Thảo không cần quà nhưng phải có một nụ hôn lên trán. Hôm nào cô giáo quên là em không chịu về, cứ đứng mãi ở bãi đất, mặt buồn thiu. Thảo bảo: “Con yêu cô Trang vì cô luôn dạy điều đúng. Cô bảo khi bạn đánh mình thì mình không được đánh lại, rồi bạn sẽ nhận sai và xin lỗi”. Cũng nhờ cô Trang mà Thảo hiểu rằng không phải ba mẹ không thương mình mà vì Thảo có đến sáu đứa em, nên tình thương phải được san sẻ.
 
Nhà bà N. lúc nào cũng đông đúc vì là chỗ ở của 16 đứa nhỏ. ẢNH: LAM NGỌC
Thảo ước lớn lên làm nhà thiết kế thời trang. Cô bé vẽ đẹp và thích học nhưng không có người đưa đón nên không thể đến trường. Tuy vậy, mỗi đêm dưới ánh đèn leo lét trong căn trọ nhỏ khi các em đã ngủ, Thảo lại cắm cúi bên những nét vẽ ngây ngô: “Thầy Q. nói con không nhất định phải đến trường, chỉ cần vẽ đẹp và chăm chỉ luyện tập thì lớn lên con vẫn có thể làm nhà thiết kế”. Với Thảo và nhiều trẻ khác, cô Trang và thầy Q. là điểm tựa tinh thần. Nếu không có những buổi gặp gỡ với thầy, cô thì những bức tranh do em vẽ sẽ chẳng được ai ngó ngàng và ước mơ của em cũng không bao giờ được biết đến. Thảo là một trong rất nhiều bạn nhỏ ở xóm ngụ cư đã học được cách nuôi ước mơ của mình trong hoàn cảnh chẳng có gì để làm điểm tựa.
Lá rách đùm lá nát
Nhớ lại năm 2011 khi mới tới xóm ngụ cư, cô giáo Trang vẫn nguyên cảm giác hồi hộp: “Phụ huynh chửi em là con đĩ chó cô giáo. Mày muốn ăn búa không...”. Nhưng tình yêu với những đứa trẻ đã chiến thắng, hằng tuần Trang vẫn lui tới xóm nhỏ này mang theo yêu thương.
Trang còn dành tình cảm đặc biệt với cô bé 7 tuổi Ngọc Mi bị ung thư máu nhiều năm nay. Trong những buổi sinh hoạt, Trang thường tới tận nhà bế Ngọc Mi qua bãi đất và luôn âu yếm: “Con ngồi đây, cạnh cô nhé”. Quà cho Mi cũng nhỉnh hơn các bạn khác bởi: “Mi bệnh nên cần ăn nhiều hơn để nhanh khỏe. Em cũng không được phép ngã bởi mỗi lần ngã nhẹ cũng để lại những vết bầm tím nguy hiểm và khó chữa trị”. Từ giải thích của cô Trang mà hầu hết trẻ trong xóm đều nâng niu Ngọc Mi. Nếu có đánh nhau, giành đồ ăn, các em cũng tránh giành với Mi, chưa kể nhiều em còn tự mình nhường đồ ăn cho Mi để cô bé mau khỏi bệnh. Nhìn đứa trẻ trong xóm được người khác nâng niu, yêu thương, nhiều người lớn cũng bắt đầu thay đổi cách đối xử. Mỗi khi cô bé sắp tới kỳ hóa trị, người trong xóm lại gom góp gửi thêm chút tiền.
 
Công việc hằng ngày của những cô bé, cậu bé ở khu Hương Quê là phụ việc nhà, trông em thay vì tới trường như bạn cùng trang lứa
“Anh Ba dù có hung dữ, đánh con chửi vợ nhưng khi có tiền lại cho 300.000 - 500.000 đồng, nói để cháu thêm tiền chữa bệnh”, chị Giang mẹ Mi xác nhận. Chị cho hay, ở xóm nghèo này cái gì cũng thiếu thốn. Chị buôn vài chai nước sống qua ngày nhưng người thiếu đầu, người thiếu đuôi thu lại chẳng được là bao. Nhiều khi đưa con đi viện mà túi không có tiền, cũng nhờ bà con đóng góp, giúp đỡ nên con chị mới sống được tới nay.
Dắt tay bé Mi đi một vòng xóm ngụ cư, tôi bất ngờ bởi thay bằng ánh mắt hằn học, dè chừng khi tôi mới đến, những người ở đây nhìn chúng tôi bằng ánh mắt thân thương kèm theo vài câu nói ấm áp: “Hôm nay con khỏe nhiều chưa? Cô gắng giúp cho con bé. Lúc trước, mặt nó tròn ủm mà giờ xanh xao vậy đó” rồi họ níu Mi lại mua cho lon nước yến, hỏi han. Bà Phương (con sâu rượu của xóm ngụ cư) xưng hô với bé Mi là mẹ: “Con có thấy mẹ Phương thương con không?”. Bé Mi gật đầu, con cũng thương mẹ Phương. Dù ham nhậu, mạnh miệng chửi bới nhiều người trong xóm nhưng với Mi và nhiều đứa trẻ khác, bà Phương luôn dành những lời nói vừa phải. Có gạo, mì gói của những người hảo tâm cho bà Phương cũng thường chia cho những nhà khó khăn hơn mình: “Giúp người phải giúp đúng mới có ý nghĩa. Những người bệnh, người già cô đơn không còn khả năng làm việc thì nên giúp. Còn những kẻ không lo làm chỉ lo ngửa tay xin thiên hạ thì cho bao nhiêu cũng không đủ”.
*****
Qua tết, tôi trở lại xóm Hương Quê thấy vài căn trọ đã được thu vén, vài nền nhà tường đang được định hình. Mấy đứa trẻ xôn xao: “Tụi con sắp chuyển trọ rồi”. Hỏi mới biết, chủ đất thông báo bà con tìm chỗ mới bởi vài tuần nữa ông sẽ lấy lại phòng trọ để xây nhà bán. Bà Thắm, một người sống ở khu Hương Quê từ những ngày đầu, bùi ngùi: “Cái xóm này đã tồn tại mấy chục năm nay. Ở lâu mến đất, mến người, giờ chuyển đi cũng rầu rĩ lắm”.
Những hộ có tiền có thể mua nhà tại đây với giá khoảng 200 triệu đồng. Còn những nhà không tiền, đông con - họ sẽ đi đâu, về đâu?...
Người vú già và 10 năm làm việc không lương
Trong căn chòi xập xệ dựng bằng những tấm bạt rách rưới, bà Mến (đã ngoài 70 tuổi) cặm cụi nấu cơm, rửa ráy cho gần chục đứa trẻ. Bà làm vú nuôi cho gia đình bà H. (75 tuổi) tới nay đã là… đời thứ tư.
Trước năm 2010, bà còn có lương vài triệu đồng/tháng nhưng chục năm nay, gia đình bà H. kiệt quệ, con cái nghiện ngập nên nhà cửa bán hết, dắt díu nhau đi thuê trọ. Không còn tiền, bà H. khuyên bà Mến về sống với con cháu an hưởng tuổi già vì con bà Mến cũng khấm khá.

Tuy nhiên, vì thương gia đình bà H. nên bà Mến gói ghém đồ đạc đi theo. Từ ngày về sống ở xóm Hương Quê, bà Mến không những làm không lương mà ngược lại, thỉnh thoảng bà lại về nhà xin tiền con mua đồ ăn, vài thứ đồ dùng cho gia đình bà H. Trước là căn trọ nhỏ xíu ở xóm ngụ cư và giờ là căn lều dựng tạm trên nền đất trống, bà Mến vẫn luôn chăm sóc tận tụy cho bà H. và gần chục đứa cháu, chắt. Hỏi bà Mến lý do làm việc không công, bà nói thêm: “Khi giàu có, họ cưu mang tôi. Giờ họ khốn khó, phải dựng chòi trên đất mượn. Tôi không nỡ bỏ đi”.

Lam Ngọc (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.