Sông Lại sẽ thôi làm khổ ruộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi đập ngăn mặn trên sông Lại hoàn thành, con đập sẽ mở ra cho người dân Hoài Nhơn những viễn cảnh tươi sáng.
Sông Lại Giang chảy qua địa bàn huyện Hoài Nhơn (Bình Định) được hợp thành bởi 2 dòng sông Kim Sơn từ huyện Hoài Ân và An Lão từ huyện An Lão đổ về đây để rồi chảy ra cửa biển An Dũ. Đối với người dân Hoài Nhơn, sông Lại như 1 nét vẽ thơ mộng chạy giữa những rừng dừa, bờ tre, bãi mía, nương dâu xanh mướt.
Tuy nhiên, những năm gần đây do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, vào mùa khô hạn, nét thơ mộng của sông Lại bỗng trở thành nỗi ám ảnh của ruộng đồng…  
I.
Giữa cái nắng nóng gay gắt với nhiệt độ luôn tiệm cận 40 độ C như hiện nay mà được ngồi dưới bóng mát rừng dừa bên bờ sông Lại thì thú thật, như lạc vào tiên cảnh. Những ngày đầu tháng 5 này, nhân chuyến công tác về Hoài Nhơn, chúng tôi đi tìm “tiên cảnh” thì thấy rừng dừa vẫn còn đấy, nhưng dòng sông Lại vốn rộng đến vài trăm mét giờ chỉ còn 1 dòng nước nhỏ bên bờ Bắc. Hiện hữu giữa lòng sông đoạn thuộc xã Hoài Mỹ là 1 đại công trường ngổn ngang sắt thép và xe cơ giới hạng nặng đang thi công đập ngăn mặn.
 
Đại công trường xây dựng đập ngăn mặn giữa dòng sông Lại Giang.
“Ngành chức năng chặn dòng để thi công xây dựng đập ngăn mặn trên sông Lại Giang. Con đập này sẽ là cứu cánh về nước tưới cho cả ngàn héc ta đất sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho gần 50 ngàn người dân sống 2 bên bờ sông Lại về phía hạ lưu”, anh bạn đồng hành Diệp Bảo Dương hiện đang công tác tại Đài Truyền thanh thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), nói như để xoa dịu nỗi thất vọng của tôi khi không tìm được “tiên cảnh”.
Lang thang qua những vùng quê nằm về phía hạ lưu sông Lại thuộc các xã Hoài Xuân, Hoài Hương, Hoài Mỹ, Hoài Hải và Hoài Đức, góp nhặt những ký ức buồn của người dân ở đây về dòng sông Lại vào những mùa khô, tôi mới thấu hết ý nghĩa của con đập dâng ngăn mặn đang được xây dựng. Do có độ dốc lớn, khoảng cách từ đầu nguồn đến hạ lưu ngắn, nên vào những mùa nắng nóng, nước dòng sông Lại thường bị cạn kiệt. Đây cũng là thời điểm thủy triều dâng cao, mang theo nước mặn của biển trào lên, xâm nhập vào những cánh đồng nằm 2 bên bờ sông Lại.
Mùa này nước sông Lại không còn ngọt ngào do đã bị nhiễm mặn. Bơm nước sông tưới lúa, lúa chết; tưới ngô, ngô héo; mạch nước ngầm 2 bên bờ ăn mạch nước sông Lại cũng bị nhiễm mặn, sống gần sông mà người dân cứ phải chịu cảnh “khát” nước. Mùa mưa lũ thì nước trên thượng nguồn ùa về, rất xiết, con sông Lại bỗng trở nên hung hãn, nước hùng hục chảy dồn về phía hạ lưu, gây sạt lở 2 bên bờ và nhấn chìm nhiều làng xóm. Sông Lại thơ mộng bỗng trở thành nỗi ám ảnh của người dân.
Ông Nguyễn Văn Lai, nông dân ở thôn An Nghiệp, xã Hoài Mỹ, chia sẻ: “Vùng này nước nhiễm mặn thường xuyên, bà con phải đi mua nước đóng bình về để sử dụng trong việc ăn uống. Đồng ruộng ở đây hầu hết cũng bị nhiễm mặn. Hàng năm chỉ canh tác được vụ đông xuân, vụ hè thì phải ra sức đắp bờ ngăn mặn mới có thể sản xuất, nhưng cũng rất bấp bênh. Bởi, bờ ngăn mặn làm theo kiểu thủ công thì không bảo đảm, nhiều khi bờ lở, nước nhiễm mặn tràn vào đồng ruộng lập tức cây lúa đứng ngơ, kể như công sức của bà con trở thành “công cốc”. Chẳng biết khí hậu biến đổi ra sao mà những năm gần đây, mùa hè năm sau nước mặn xâm nhập vào sông luôn “đậm” hơn năm trước”.
II.
Những thảm cảnh kể trên sẽ chỉ còn là ký ức, khi đập ngăn mặn trên sông Lại hoàn thành, con đập sẽ mở ra cho người dân Hoài Nhơn những viễn cảnh tươi sáng.
Trong không gian đầy ắp tiếng nổ của các loại xe cơ giới hạng nặng đang thi công đập ngăn mặn trên sông Lại, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, phải “gân cổ” để chia sẻ niềm vui khi con đập này được triển khai xây dựng.
 
Đập chính đang được thi công.
“Bước sang đầu năm 2019, vào ngày 25/1, Ban quản lý Dự án NN-PTNT tỉnh Bình Định phối hợp với UBND huyện Hoài Nhơn tổ chức lễ khởi công Dự án Đập ngăn mặn trên sông Lại. Ngày ấy, người dân các xã vùng hạ lưu sông đổ dồn về thôn Định Trị, xã Hoài Mỹ đông nghìn nghịt để tham dự buổi lễ với những gương mặt rạng rỡ niềm hy vọng. Họ không thể không vui mừng, bởi con đập này sẽ giải tỏa nỗi ám ảnh nước sông Lại bị nhiễm mặn gây khó cho sản xuất, nhất là nguồn nước sinh hoạt không còn bị nhiễm mặn như trước đây”, ông Công kể mà không giấu được vẻ phấn khởi. Tôi hiểu, bởi ông cũng là công dân huyện Hoài Nhơn, lại là người lãnh đạo chịu trách nhiệm trực tiếp về mảng nông nghiệp.
Theo ông Công, Dự án đập ngăn mặn trên sông Lại Giang là công trình trọng điểm của tỉnh Bình Định với tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu biến đổi khí hậu cùng vốn đối ứng ngân sách của tỉnh Bình Định và của huyện Hoài Nhơn. Con đập sẽ được xây chắn ngang sông Lại thuộc địa bàn xã Hoài Mỹ với hệ thống kè bảo vệ bờ sông, kết hợp đường giao thông và các trạm bơm.
Con đập này sẽ góp phần ngăn mặn, giữ ngọt, tạo nguồn cấp nước tưới ổn định cho 900ha đất nông nghiệp và 155ha mặt nước nuôi trồng thủy sản; đồng thời bổ sung nguồn nước ngầm, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 47.000 người dân ở khu vực thị trấn Bồng Sơn và các xã Hoài Xuân, Hoài Hương, Hoài Mỹ, Hoài Hải, Hoài Ðức; cải tạo môi trường sinh thái, tạo cảnh quan cho khu vực trung tâm huyện lỵ Hoài Nhơn; kết hợp làm cầu giao thông trên mặt đập, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại và lưu thông hàng hóa.
“Từ năm 2010, UBND tỉnh và huyện Hoài Nhơn đã tập trung nghiên cứu dự án này, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để thực hiện. Dự án đập ngăn mặn trên sông Lại Giang là công trình thủy lợi lớn, có tầm quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hoài Nhơn. Đây là điều kiện tốt để Hoài Nhơn đánh thức tiềm năng về kinh tế nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ; là cơ sở để cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Hoài Nhơn trở thành thị xã trong năm 2020 và thành phố Hoài Nhơn trước năm 2035”, ông Công kỳ vọng.
 
Phương tiện, nhân lực, vật liệu được huy động tổng lực với quyết tâm hoàn thành đập ngăn mặn sông Lại trước kế hoạch.
Có thể nói, toàn bộ người dân sống ở lưu vực sông Lại đều đang đổ dồn hy vọng vào con đập ngăn mặn trên sông lại, đặc biệt là người dân ở những khu vực phía Đông Lại Giang, tính từ cầu Bồng Sơn cũ. Bà Trần Thị Bạn, ở thôn Định Trị, xã Hoài Mỹ, chia sẻ: “Gia đình tôi làm được 14 sào lúa. Mùa nắng, nước sông hạ thấp, phải dùng bơm hút nước để tưới rất tốn kém. Còn mùa mưa, nước dâng cao uy hiếp các hộ dân sinh sống ven đê, đồng ruộng ngập nước, phải gieo sạ lại nhiều lần. Vì vậy, người dân rất kỳ vọng vào đập ngăn mặn trên sông sẽ giải quyết được khó khăn lâu nay”.
Theo kế hoạch, đập ngăn mặn trên sông Lại sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2019 này. Thế nhưng với sự quyết tâm của chủ đầu tư và các nhà thầu, hy vọng công trình này sẽ về đích sớm hơn dự kiến. Sự quyết tâm được thể hiện trước mắt chúng tôi, dưới cái nắng nóng kinh hoàng mà đơn vị thực hiện 2 hạng mục chính của công trình là đập chính và 2 trạm bơm đang huy động tổng lực phương tiện, nhân lực, vật liệu, tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thi công.
Ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban quản lý Dự án NN-PTNT tỉnh Bình Định, chủ đầu tư dự án, khẳng định: “Chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời các tồn tại, vướng mắc; đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát tập trung cao độ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục công trình, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ trước 3 tháng so kế hoạch, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật cho công trình”.
Vũ Đình Thung (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

Gặp người phụ nữ 78 năm tuổi Đảng

(GLO)- Chúng tôi không khỏi xúc động khi mới đây được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thành-nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, người phụ nữ năm nay 95 năm tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng với sự mẫn tiệp hiếm thấy.

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Ayun Pa chữa cháy kho mì tại thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Lính cứu hỏa trên mặt trận không tiếng súng

(GLO)-Nghề nào cũng có vinh quang riêng, song với cán bộ, chiến sĩ phòng cháy và cứu nạn cứu hộ, bên cạnh niềm tự hào nghề nghiệp còn là sự hy sinh thầm lặng. Trên mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng muôn vàn nguy hiểm, họ luôn dốc hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

null