Sống giữa dòng Gianh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Họ không có đất, phải mượn đất hàng xóm để dựng lên những ngôi nhà sàn tạm bợ sống qua ngày; trong khi số khác đành chấp nhận cảnh ăn đời ở kiếp trên những khoang thuyền bức bí lênh đênh giữa dòng sông Gianh.

“Ở lậu” trên chính đất của mình


Văn Phú, vùng đất ở xã Quảng Văn, TX.Ba Đồn (Quảng Bình) bao bọc bởi sông Gianh và sông Son, tứ bề là nước. Ngày trước cách trở đò giang, nay đã có cầu Quảng Hải bắc qua sông Gianh nên việc đi lại có thuận lợi hơn. Với diện tích khoảng 4,2 km2, Quảng Văn có 4 thôn, riêng thôn Văn Phú không có đất nông nghiệp nên người dân sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản. Cơn lốc đô thị hóa dường như cũng "thổi" qua ốc đảo Văn Phú. Ai có tiền, có đất thì xây cất nhà lầu sơn xanh quét đỏ. Ai không tiền không đất phải tá túc trong những ngôi nhà ghép bằng ván chật hẹp...

 

Vợ chồng bà Hoàng Thị Thái sống kiếp vạn đò mấy chục năm nay.
Vợ chồng bà Hoàng Thị Thái sống kiếp vạn đò mấy chục năm nay.

Để vào nhà ông Hoàng Minh Huề, Trưởng thôn Văn Phú, chúng tôi phải bỏ xe ở rìa làng rồi cuốc bộ len lỏi qua những con hẻm nhỏ nhiều đoạn chỉ vừa 2 người đi lọt. Nhà ông Huề có khoảnh sân nho nhỏ đủ trồng vài ba cây cảnh, như thế đã khấm khá lắm so với dân trong vùng. Chúng tôi ngồi giữa hiên nhà mà không một ngọn gió, cảm giác bức bí và thèm được thoát ra ngoài kia, chỉ mấy bước chân thôi đã là sông gió lồng lộng. Chẳng cần sổ sách, Trưởng thôn Huề cung cấp những con số đến khó tin: toàn thôn có 786 hộ, hơn 2.857 nhân khẩu, trong số này khoảng 450 hộ đã có nhà, còn lại gần 300 hộ chưa có đất có nhà. Trong 300 hộ đó, hết 200 hộ phải sống trên thuyền.

Để giải quyết tình thế, những hộ không có đất chấp nhận cảnh "sống nhờ ở lậu" trên chính quê hương mình. Họ mua đất trao tay của người dân với bề ngang mặt tiền chỉ 3 m; nhiều nhà có 6 m ngang vẫn cắt đôi thành 2 lô, bán 1 lô còn để ở 1 lô. Giá đất không hề rẻ, 10 - 12 triệu đồng/m2, tương đương với giá đất đẹp ở TP.Đồng Hới. Vì diện tích chưa đủ theo quy định nên chỉ mua được đất chứ không thể làm giấy tờ hợp pháp. Dù “ở lậu” trên chính miếng đất mình bỏ tiền mua, nhưng đối với họ, như thế đã là hạnh phúc. Nhiều người phải đi mượn đất của những hộ khác rồi làm nhà tạm ở. Nói đất nhưng thực ra đó là những vũng sình lầy, ao hồ tù đọng. Để ở được, họ phải đóng cọc làm nhà sàn gỗ và diện tích cũng chẳng có nhiều, chỉ được 3 m ngang, dài chừng 15 m. Thời hạn "mượn" đất từ 3 - 5 năm tùy vào mối quan hệ và thỏa thuận. Sống tạm bợ nên dưới sàn nhà rất bẩn thỉu với rác rưởi, nước đọng đen ngòm.

Kiếp vạn đò

Tại khu bờ sông có ao đầm, 5 chiếc đò neo sát nhau và không một bóng người. Hỏi Trưởng thôn Huề, ông bảo họ lên bờ tránh nóng cả rồi.

 

Những gia đình nghèo và không đất ở Văn Phú phải tá túc trong những nhà sàn tạm bợ.
Những gia đình nghèo và không đất ở Văn Phú phải tá túc trong những nhà sàn tạm bợ.

Nhìn lên hướng thượng nguồn, thấy bóng một bà cụ lom khom trước mui thuyền nên chúng tôi tiến đến, bước qua cầu khỉ ọp ẹp tưởng như sắp gãy nối từ bờ ra thuyền. Thoáng thấy người lạ, gương mặt già nua, khắc khổ của bà cụ có vẻ lo âu; rồi bà đưa bàn tay gầy guộc xếp lại đồ đạc cho gọn gàng hơn. Đó là 2 cái nồi cũ kỹ, 1 đựng cơm nguội, 1 đựng dưa muối kho. Một cái rá đựng tô, bát, đũa, muỗng. Trong khoang thuyền cũng chẳng có gì giá trị ngoài mấy bộ áo quần bạc màu vắt trên dây.

Bà cụ tên Hoàng Thị Thái (82 tuổi). Bà và chồng (ông Cao Hoa) sinh sống trên thuyền lâu nay. Họ sinh được 6 người con (đã mất 1 người), có đất nhưng nghèo đến độ không đủ tiền làm nhà, chỉ dựng một trại nhỏ. Những ngày bị "hành" bởi trại lợp tôn nóng hầm hập, họ lại xuống thuyền ở cho mát. Ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng hằng ngày ông bà phải lặn lội đây đó mua con cá con tôm mang đi bán lại, kiếm chút tiền lời. Đã mấy hôm rồi động nước, không có cá mú gì để bán, nên mâm cơm của đôi vợ chồng già cũng "hẻo" theo.

Ở khu vực cửa làng, thuyền bè chiếc to chiếc nhỏ neo đậu san sát trên một khoảnh sông. Những cây cầu khỉ dài cỡ 30 m dẫn từ bờ ra sông; hai bên cầu, các thuyền vạn đò neo mũi vào đó tạo thành dãy. Vào đêm trăng sáng, xóm vạn đò đông vui, tấp nập hơn bởi có tàu đánh bắt xa bờ vào neo đậu. Đấy cũng là dịp cho phụ nữ xóm có thêm thu nhập từ việc đi vá lưới. Một ngày công vá trên tàu được trả 100.000 đồng. Sáng chèo thúng đi vá, trưa về đò nấu cơm ăn, chiều lại đi vá; ngày làm 8 - 9 tiếng. Mỗi tháng chỉ vá được 5 ngày trăng; khi hết trăng, tàu nhổ neo đi đánh bắt thì dân vạn đò trở lại công việc làm nghề trên sông.

Trong xóm vạn đò có muôn vàn hoàn cảnh khác nhau, chỉ chung cái sự khổ. Bắt chuyện với chị Hoàng Thị Lương (43 tuổi) khi vừa vá lưới trở về đò, chị bảo ở đò từ khi lấy chồng đến nay đã 20 năm và có 2 đứa con. Gia đình chị thuộc diện không nhà, không đất. Đến đám cưới của con gái đầu, vợ chồng chị cũng không thể tổ chức vì không có đất để dựng rạp. Bao nhiêu năm làm nghề đáy trên sông, chẳng tích trữ được mấy. Một tháng đóng đáy từ 10 - 15 ngày, có ngày thu được 100.000 đồng, có ngày chỉ hơn phân nửa. “Chẳng chi khổ bằng sống ở đò, cả đời mơ mỗi cái nhà. Nhìn họ ở trên nhà mà thèm chảy nước mắt chú à", chị Lương than vãn. Trên đò thiếu thốn đủ thứ, nên đứa con nhỏ đang học lớp 10 cứ đi suốt, tối về có khi lẻn ra ngủ đò hoặc nghỉ ké nhà bạn. Nước uống thì đi xin, còn tắm giặt thì "tự nhiên" dưới sông.

Cả nhà chị Lương 5 anh chị em cũng chẳng ai có đất. Chị và người em trai tên Hoàng Lịch (41 tuổi) ở đò, còn mấy người kia đi mượn đất làm nhà sàn ở. Đò của anh Lịch neo cách đò chị Lương tầm 15 m. Anh lập gia đình với chị Hoàng Thị Tâm (39 tuổi), sinh được 3 con. Con trai lớn bỏ học ngang lớp 7, đứa thứ hai học lớp 6, đứa thứ ba lớp 4. Anh chị có 2 đò, lúc không vá lưới thì chạy đò nhỏ đi làm nghề tận dưới Thanh Khê (xã Thanh Trạch, H.Bố Trạch), cách xóm vạn đò 5 - 6 km. Cuối giờ chiều đi, đến sáng hôm sau họ mới trở về cho 2 đứa con ăn để đi học. "Gia tài" có thêm chiếc xe đạp cũ, đang gửi nhà dân trên bờ, khi nào có việc cần thì lấy đi.

Biết bao nhiêu chuyện sinh hoạt tế nhị cứ vây bủa dân vạn đò, ngày này qua tháng khác. Vệ sinh cũng phải lên bờ xin "đi" nhờ, anh Lịch bật mí. "Chứ không phải... đi thẳng xuống sông à?”, chúng tôi hỏi dò. Chị Tâm ngồi trên đò bên cạnh cười rổn rảng nói với sang: “Chỉ đi buổi tối thôi chú, buổi ngày đông người mần răng mà đi được?”. Nghe đến đây, chúng tôi lướt nhìn, nào là thuyền bè, phao, cầu cọc và liên tưởng đến những chất thải của cư dân xóm vạn đò với hình ảnh hai đứa con chị Tâm ngụp lặn khoái chí lúc nãy mà không khỏi ái ngại.

Mộng lên bờ vẫn còn xa vời đối với bao kiếp vạn đò nghèo Văn Phú, dù chính quyền địa phương đang tiến hành san lấp một số ao hồ không sử dụng, chia được 151 lô để đấu giá nhằm giải tỏa bớt tình trạng ngột ngạt.

Chúng tôi rời xóm vạn đò khi ánh mặt trời dần tắt, bỏ lại sau lưng tiếng lao xao nồi chén trên mấy chiếc đò nhỏ, tiếng í ới gọi chồng, gọi con của chị Lương, chị Tâm... Chợt nghĩ, bao giờ họ mới được lên bờ?

Trương Quang Nam - Diệu Linh/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.