Sống bất an dưới đường dây điện cao thế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đường dây nóng Báo SGGP nhận được phản ánh của gần 100 hộ dân ở 2 thôn Măng Khênh và Đông Lốc (xã Đắk Man, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) về việc họ đang sống trong nguy hiểm bởi nguy cơ sạt lở, điện giật, tai nạn xe… Người dân muốn di dời đến khu tái định cư để được sinh sống an toàn.
Người dân thôn Đông Lốc sống trong hành lang đường bộ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên mong muốn được chuyển đến khu tái định cư.

Người dân thôn Đông Lốc sống trong hành lang đường bộ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên mong muốn được chuyển đến khu tái định cư.

Hai thôn Măng Khênh và Đông Lốc (xã Đắk Man, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) có 318 hộ dân sinh sống dọc đèo Lò Xo (đường Hồ Chí Minh). Nơi đây có địa thế cao, dốc, dễ bị sạt lở. Từ nhiều năm nay, có 97 hộ dân ở 2 thôn nói trên sống bất an và mong muốn di dời đến khu tái định cư để sinh sống an toàn. Tại đèo Lò Xo, đoạn qua thôn Đông Lốc có nhiều cua dốc, trong khi nhà dân xây dựng dọc hai bên đường, nếu xe mất thắng sẽ lao vào nhà, tính mạng người dân bị đe dọa.

Gia đình chị Y Hái xây dựng bên đèo Lò Xo được 12 năm nay. Căn nhà nằm ngay khúc cua gấp, bên hông là con suối đang “gặm nhấm” vào phần đất của gia đình. Chị cho biết, căn nhà của chị nằm trong hành lang an toàn đường bộ, lại có nguy cơ sạt lở cao. Sống ở đây, gia đình chị rất bất an. Đã từng có xe bị mất lái, lao vào nhà chị. “Cứ đến mùa mưa bão, tình trạng sạt lở diễn ra, nước tràn vào nhà. Gia đình mong mỏi được di dời lên một khu tái định cư an toàn, cao ráo để sống an cư, không còn phải sống thấp thỏm như bây giờ”, chị Y Hái nói.

Cạnh đó, nhà của bà Y Nhật xây mấy chục năm, cũng thường xuyên bị nước ngập khi mưa bão đổ bộ. Cứ mỗi lần như vậy, gia đình bà phải dắt díu nhau chạy lũ, còn đồ đạc phải để lại, bị hư hỏng. Hết bão, bà lại bỏ công dọn dẹp nhà cửa. Cuộc sống đến nay chưa yên ổn nên gia đình bà cũng khao khát được di dời đến khu tái định cư mới.

Trong khi đó, gia đình chị Y Bầu lại thấp thỏm nỗi lo sợ điện giật. Lý do là căn nhà chị xây dựng dưới đường dây điện 500kV. “Sống ở đây bất an lắm. Có lúc chập điện, âm thanh phát ra xẹt xẹt, khiến gia đình rất sợ. Sống 12 năm nhưng gia đình chưa được cấp sổ đỏ do nằm dưới điện lưới. Gia đình cũng mong muốn được di dời đến khu tái định cư ở cho an toàn”, chị Y Bầu tâm sự.

Theo ông Hoàng Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Man, nhiều năm qua, 97 hộ dân ở 2 thôn Măng Khênh, Đông Lốc đề nghị được di dời đến khu tái định cư. Những hộ này sống trong vùng hành lang an toàn đường bộ, vùng có nguy cơ sạt lở, dưới gầm cầu hoặc dưới đường dây điện 500kV. Cuộc sống của họ mất an toàn, rủi ro cao và nguy hiểm. Vì thế, việc di dời những hộ này đến khu tái định cư là cần và cấp thiết. Từ kiến nghị của người dân, ngành chức năng đã khảo sát. Phía xã đã giới thiệu mặt bằng để xây dựng khu tái định cư nếu được phê duyệt.

Liên quan đến vụ việc, cử tri huyện Đắk Glei đã đề nghị UBND tỉnh Kon Tum quan tâm giải quyết kiến nghị về dự án tái định cư cho người dân 2 thôn Măng Khênh, Đông Lốc. Trả lời cử tri, ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở cùng UBND huyện, các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát cơ sở pháp lý. Trên cơ sở đó, sẽ báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết tái định cư các hộ dân.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.