(GLO)- Đây là một câu hỏi lớn mà từ trước đến nay vẫn chưa có lời đáp. Không chỉ với sinh viên tốt nghiệp đại học từ loại khá trở lên mà cả những sinh viên cầm tấm bằng thạc sĩ trong tay… sau khi tốt nghiệp ra trường vẫn có rất nhiều trường hợp thất nghiệp, không tìm được việc làm theo đúng ngành, đúng nghề mình đã học.
Gian khó ngày trở về
Các học sinh, sau 12 năm đèn sách, tham gia kỳ thi đại học với ao ước lớn nhất là được trở thành sinh viên. Đây không chỉ là bước ngoặt lớn trong cuộc đời mà sẽ giúp tương lai của các em sáng lạn hơn. Cứ tưởng sau 4 năm đại học, cầm tấm bằng loại khá, giỏi trong tay, quay về quê hương sẽ nhanh chóng tìm được một công việc phù hợp, nhưng thực tế lại không như vậy.
Lao động đến tìm việc làm tại Sàn Giao dịch Việc làm tỉnh. Ảnh: Đinh Yến |
Em Đinh Thị Oanh (ở TP. Pleiku), tốt nghiệp loại khá Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, ngán ngẩm: Có những kỳ thi biết là đậu đứng thứ tư trong số hơn 200 hồ sơ dự tuyển vào một chi nhánh ngân hàng ở TP. Pleiku và chi nhánh này tuyển 6 chỉ tiêu nhưng rồi em vẫn bị đánh trượt. Em không nản lòng tiếp tục tham gia nhiều kỳ thi khác vào các ngân hàng khác nhưng cơ hội đến với mình thật là khó khăn.
Ông Lữ Đình Dưỡng-Phó Trưởng phòng Giáo dục Chuyên nghiệp-Giáo dục Thường xuyên (Sở Giáo dục-Đào tạo) cũng ngậm ngùi cho hay: Tôi có con học ngành bảo quản chế biến công nghiệp thực phẩm, tốt nghiệp đại học rồi muốn con về Gia Lai công tác để cho ổn định thế nhưng xin nơi nào cũng không có chỉ tiêu biên chế, tôi đành phải để con bươn chải ở đất Sài Gòn.
Mất cân đối cung-cầu
Biết rằng, cùng một tấm bằng tốt nghiệp như nhau nhưng tại sao người xin được việc, người không? Chắc chắn không phải là do yếu tố hên xui mà còn vì rất nhiều lý do khác. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Em-cán bộ Phòng Lao động-Việc làm (Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh) là người hàng ngày trực tiếp tiếp xúc với rất nhiều sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đến Trung tâm để tìm kiếm việc làm cho biết: Một công ty hay một doanh nghiệp, thường họ không đòi hỏi người làm việc cho họ tốt nghiệp đại học với loại gì mà cái họ quan tâm nhất là người đó có những kỹ năng như thế nào, có đáp ứng được cho công việc hay không. Hơn nữa, trong thời buổi kinh tế thị trường, các doanh nghiệp cũng e ngại nếu tuyển sinh viên học đại học thì phải trả lương cao. Hơn nữa, rất nhiều sinh viên mặc dù tốt nghiệp loại giỏi, thậm chí có cả bằng thạc sĩ nhưng kiến thức phổ thông và những kỹ năng mềm như viết lách, soạn thảo hợp đồng, ngoại ngữ lại quá thiếu hoặc yếu kém. Chính vì thế, có xin việc ở đâu đi chăng nữa thì câu trả lời cuối cùng vẫn chỉ là những cái lắc đầu hẹn gặp lại.
Ảnh: Hà Duy |
Vài năm gần đây do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, lao động qua đào tạo ở tỉnh ta đang làm việc ở một số thành phố lớn trong nước muốn quay về tỉnh xin việc làm để cuộc sống bớt khó khăn hơn nên nguồn lao động qua đào tạo khá dồi dào. Chính vì thế, mới đây cửa hàng điện thoại Thế Giới Di Động mở thêm chi nhánh ở TP. Pleiku có nhu cầu tuyển 20 lao động đã qua đào tạo nhưng có tới 400 hồ sơ đăng ký phỏng vấn, tuyển dụng. Còn Công ty Vàng bạc Đá quý PNJ-Chi nhánh Gia Lai tuyển dụng 17 người thì cũng có 140 người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng tham gia dự tuyển.
Trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thạch-Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Gia Lai, cho rằng: Đào tạo thì cứ đào tạo, còn bố trí nguồn nhân lực sau khi đã đào tạo thì đây là bài toán khó chưa có lời giải. Xã hội hóa giáo dục không có nghĩa là đào tạo tràn lan, cào bằng tất cả. Riêng về ngành Sư phạm cũng đã có sự mất cân đối cung-cầu quá lớn. Trong khi hàng năm, sinh viên ra trường ngày càng nhiều, nhưng nhu cầu lại bó hẹp, đơn cử như năm 2014 này, ngành Giáo dục- Đào tạo vẫn chưa được phân bổ chỉ tiêu biên chế.
Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục-Đào tạo, tính riêng năm 2010, toàn tỉnh có 4.047 em học đại học, cao đẳng (còn tính trung bình mỗi năm tỉnh ta có khoảng trên 5.000 em học đại học, cao đẳng; cao nhất là năm 2009: 7.149 em). Số sinh viên học đại học, cao đẳng năm 2010 thì năm 2014 ra trường và tham gia vào thị trường lao động, song theo kết quả giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh rất thấp: chỉ có 200/2.700 lao động của 308 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động có trình độ đại học.
Đinh Yến