Sinh viên Lào tại Kon Tum đón Tết Nguyên đán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum hiện có gần 30 sinh viên là người Lào học tập theo các chuyên ngành khác nhau.

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, khi các hoạt động học tập tạm dừng theo lịch nghỉ lễ, vì lý do trở ngại về điều kiện giao thông hoặc các vấn đề khác, nhiều sinh viên Lào đã chọn phương án ở lại trường mà không về với gia đình.

Các sinh viên người Lào tìm hiểu Tết Nguyên đán của Việt Nam thông qua chương trình trải nghiệm với chủ đề “Tết Việt Nam”.

Các sinh viên người Lào tìm hiểu Tết Nguyên đán của Việt Nam thông qua chương trình trải nghiệm với chủ đề “Tết Việt Nam”.

Thấu hiểu nỗi niềm của các bạn sinh viên Lào, Ban Giám đốc cũng như các bạn sinh viên người Việt Nam đã cùng tạo ra những hoạt động bổ ích, giúp các sinh viên Lào hiểu rõ hơn về Tết Nguyên đán - Tết truyền thống của người Việt Nam.

Các lưu học sinh Lào chủ yếu đến từ các tỉnh lân cận với Kon Tum như Champasack, Sekong, Attapeu. Các sinh viên Lào đa phần theo học các chuyên ngành như Công nghệ thông tin, Luật…với mục tiêu sau khi ra trường sẽ trở về xây dựng và phát triển quê hương. Trong số gần 30 sinh viên Lào đang theo học tại Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, thì có đến gần 20 em ở lại ký túc xá của nhà trường trong dịp Tết Nguyên đán. Phần lớn các em dành khoảng thời gian này để học tập hoặc đi làm thêm.

Sinh viên Lào không đón Tết Nguyên đán, mà sẽ đón Tết cổ truyền vào khoảng thời gian từ 14 – 16/4 hàng năm. Thấu hiểu nỗi lòng của các bạn sinh viên Lào, Ban Giám đốc và Đoàn thanh niên Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum đã xây dựng và triển khai chương trình trải nghiệm với chủ đề “Tết Việt Nam” vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán.

Tại chương trình, các bạn sinh viên Việt Nam đã giới thiệu đến các sinh viên Lào về nguồn gốc, ý nghĩa của Tết Nguyên đán; giới thiệu các nét văn hoá đặc trưng như cây nêu, câu đối đỏ, các loại ẩm thực ngày Tết như bánh Chưng, bánh Tét, mứt Tết; các trò chơi dân gian ngày Tết như kéo co, đua thuyền trên cạn, nhảy bao bố, cướp cờ… Qua đó, giúp các bạn sinh viên Lào hiểu rõ hơn về Tết Nguyên đán của Việt Nam cũng như vơi đi nỗi buồn, nỗi nhớ nhà của các bạn sinh viên Lào trong dịp Tết.

Em Bùi Y Minh Hảo, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn thanh niên Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum cho biết, để thực hiện chương trình, Đoàn đã phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Kon Tum xây dựng nội dung trình chiếu; về các trò chơi dân gian cũng như chuẩn bị các nguyên, vật liệu để các bạn sinh viên Lào trải nghiệm thực tế việc gói bánh Chưng, bánh Tét.

“Việc giới thiệu văn hóa, Tết cổ truyền Việt Nam cho các bạn sinh viên Lào là một điều rất tuyệt vời. Thông qua hoạt động này, các bạn sẽ hiểu biết rõ hơn về những giá trị văn hoá của người Việt Nam. Qua đó, góp phần vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết giữa sinh viên hai nước nói riêng và hai dân tộc nói chung”, Minh Hảo chia sẻ.

Em Inthakoummane Thipchay (sinh năm 2001, trú tỉnh Champasack, Lào) cho biết, em đang theo học ngành Công nghệ thông tin tại Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum. Tết Nguyên đán được nghỉ, nhưng do nhà xa, em đã quyết định ở lại ký túc xá của trường. Được tham gia chương trình trải nghiệm với chủ đề “Tết Việt Nam” do nhà trường tổ chức, em đã hiểu rõ hơn về Tết Nguyên đán của Việt Nam.

“Em thấy gói bánh Tét cũng dễ, bởi các nguyên liệu như gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn đều có thể dễ dàng tìm thấy trong tự nhiên. Tuy nhiên, em thấy gói bánh hơi khó vì lạt giòn. Sau khi ra trường, em sẽ giới thiệu bánh Tét, bánh Chưng cho ba mẹ biết vì các loại bánh này có nhiều ý nghĩa và ăn rất ngon, nhất là khi ăn kèm với củ hành, củ kiệu muối”, Inthakoummane Thipchay nói.

Em Sisoulath Kulap (sinh năm 2001, trú tỉnh Attapeu, sinh viên ngành Luật Kinh tế) cũng chia sẻ, em rất vui khi được tham gia chương trình, được học và hiểu rõ hơn về phong tục, tập quán, văn hoá của Việt Nam cũng như các nét đẹp như nấu bánh Chưng, bánh Tét. Em cũng rất thích các trò chơi dân gian của Việt Nam trong dịp Tết như kéo co, nhảy bao bố, đua thuyền trên cạn. Đây là những trải nghiệm tuyệt vời cho em cùng các bạn trong khoảng thời gian theo học tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Tố Như, Phó Giám đốc Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum cho biết, trong số gần 30 em lưu học sinh Lào đang theo học tại phân hiệu thì đa số các em không về nhà mà ở lại trường. Bên cạnh sứ mệnh là đào tạo, nhà trường cũng muốn vun đúc sự hiểu biết về văn hoá, sự giao lưu giữa lưu học sinh Lào và sinh viên Việt Nam nên rất quan tâm đến các hoạt động dành cho lưu học sinh để giúp cho các em hiểu về Tết cổ truyền của Việt Nam.

“Nhà trường tổ chức rất nhiều hoạt động như gói bánh chưng, bánh tét để các em lưu học sinh hiểu về ẩm thực và các sản phẩm đặc trưng của Tết. Bên cạnh đó, cũng tổ chức một số trò chơi dân gian để các em hiểu được Việt Nam có các phong tục, tập quán như thế nào trong ngày Tết. Nhà trường cũng có các phần quà để động viên các em trong thời gian các em ở lại với Tết Nguyên đán của Việt Nam”, bà Nguyễn Tố Như cho biết thêm.

Với vị trí đặc biệt “Ngã ba Đông Dương”, tỉnh Kon Tum đã ký kết biên bản ghi nhớ và hợp tác với các tỉnh giáp ranh thuộc nước bạn Lào như Champasack, Sekong, Attapeu. Trong các nội dung ký kết, tỉnh Kon Tum luôn cam kết nội dung dành các suất học bổng cho các sinh viên Lào sang theo học tại Phân hiệu Đại học Đà Nẵng. Đó không chỉ thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị giữa Kon Tum với các tỉnh bạn, mà còn biểu hiện cho tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển của hai nước Việt Nam – Lào. Qua đó, tạo “sợi dây” gắn kết giữa các thế hệ trẻ - các mầm non tương lai của hai nước; góp phần xây dựng mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Lào “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Có thể bạn quan tâm