"Siết" cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội, người thu nhập thấp thêm lo lắng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong khi nguồn cung nhà ở xã hội đang khan hiếm, đề xuất "siết" cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội khiến nhiều người thu nhập thấp càng thêm lo lắng.
Người mua nhà ở xã hội lo lắng
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN ngày 9/12/2015 hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Điểm đáng chú ý là đối tượng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không nằm trong nhóm được hưởng chính sách ưu đãi tại các ngân hàng thương mại. Chỉ người vay vốn để đầu tư, xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội mới nhận được hỗ trợ.
Với đề xuất quy định trên, người dân muốn mua nhà ở xã hội chỉ còn một phương án duy nhất là tới Ngân hàng Chính sách xã hội vay vốn ưu đãi với lãi suất 4,8%/năm. Thế nhưng, theo quy định hiện tại, người dân muốn được vay tiền tại Ngân hàng Chính sách xã hội phải chịu chi phối của nhiều quy định ngặt nghèo.
Dù dự thảo đang được lấy ý kiến, nhưng nhiều người đang có ý định mua nhà ở xã hội đã tỏ ra lo lắng. Bởi, việc loại trừ hoàn toàn đối tượng người dân vay mua, thuê nhà ở xã hội khỏi nhóm ưu đãi lãi suất ở khối ngân hàng thương mại chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn cho những người thu nhập thấp.
 
Một dự án nhà ở xã hội ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Ảnh: M.K
Một dự án nhà ở xã hội ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Ảnh: M.K
Anh Đỗ Văn Điện (34 tuổi, quê Nam Định) chia sẻ với PV Dân Việt, vợ chồng anh đã sinh sống ở Hà Nội từ năm 2013, nhưng do làm công việc tự do, thu nhập lúc có lúc không. Mới đây, vợ chồng anh Đạt xem và chọn được căn hộ trị giá gần 900 triệu đồng tại một dự án nhà ở xã hội trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.
Do không đủ các điều kiện để vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Điện quyết định quay sang vay ngân hàng thương mại với mức ưu đãi hơn, thủ tục cũng có phần "dễ thở" hơn. Nhưng, khi nghe tin Ngân hàng Nhà nước muốn "siết" việc cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội tại các ngân hàng thương mại, anh Đạt lại bắt đầu lo lắng… giấc mơ mua nhà giá rẻ lại dang dở.
Tương tự như anh Điện, nhiều người mua căn hộ tại một dự án nhà ở xã hội ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) đang vay ưu đãi mua nhà ở thương mại với lãi suất gần 7%/năm, ân hạn nợ gốc trong thời gian này là 24 tháng. Nhưng, nếu ngân hàng "siết" không cho vay ưu đãi tại các ngân hàng thương mại để mua nhà ở xã hội sẽ khiến nhiều người gặp khó, không biết xoay sở nguồn vốn như thế nào.
 
Dự án nhà ở xã hội IEC Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh: M.K
Dự án nhà ở xã hội IEC Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh: M.K
Theo Bộ Xây dựng, nguồn vốn ưu đãi cho nhà ở xã hội thông qua tổ chức tín dụng, ngân hàng chính sách đang thiếu. Giai đoạn 2018-2020, vốn đã bố trí cho nhà ở xã hội mới đạt 1.261,208 tỷ đồng, chỉ bằng 12% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Riêng năm 2018, Ngân hàng Chính sách Xã hội mới chỉ được cấp 500 tỷ đồng. Hiện Bộ này vẫn đang phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ "nút thắt" vốn.
Nhiều ý kiến trái chiều
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, đề xuất của Ngân hàng Nhà nước sẽ "tước bỏ" chính sách cốt lõi của nhà nước là hỗ trợ cho vay vốn tín dụng ưu đãi dài hạn với lãi suất thấp để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Theo đó, các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội là những người bị thiệt nhất, có tác động tiêu cực đến thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.
 
Dự án nhà ở xã hội ở Phúc Đồng, quận Long Biên (Hà Nội) đã đưa vào sử dụng. Ảnh: MK
Dự án nhà ở xã hội ở Phúc Đồng, quận Long Biên (Hà Nội) đã đưa vào sử dụng. Ảnh: MK
Bởi theo Chủ tịch HoREA, đề xuất của Ngân hàng Nhà nước không phù hợp với chính sách về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở năm 2014. Tuy nhiên, cũng cần phải sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với các điều khoản khác của Luật Nhà ở 2014.
"Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc loại trừ đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội là theo quy định của Luật Nhà ở. Nhưng, Hiệp hội đã nghiên cứu rất kỹ các chính sách về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở 2014 thì nhận thấy rất rõ là Luật Nhà ở 2014 không hề cấm các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi đối với các đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6 và 7 Điều 49 Luật Nhà ở 2014 để mua, thuê mua nhà ở xã hội", ông Châu nhấn mạnh.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, hiện nhu cầu vay vốn ưu đãi để mua nhà ở xã hội rất cao. Nếu Ngân hàng Nhà nước loại bỏ ưu đãi trong thời điểm hiện nay thì cũng nên khuyến khích các ngân hàng có chính sách cho vay khác dễ dàng hơn. Mục đích nhằm tạo điều kiện cho người dân dễ đáp ứng để đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho PV Dân Việt biết, ông ủng hộ việc vẫn tiếp tục duy trì gói cho vay ưu đãi đối với chương trình nhà ở xã hội nhưng nên rút ngân hàng thương mại ra khỏi chương trình cho vay này. Nếu cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội thì tập trung vào Ngân hàng chính sách xã hội hoặc quỹ phát triển nhà.
"Ngân hàng thương mại cổ phần kinh doanh vốn theo cơ chế thị trường, nên khi cho vay lãi suất ưu đãi, nhà nước cũng phải bù lãi suất lại. Việc này nên để cho các ngân hàng nhà nước lo", ông Hiển nói.
Theo Minh Khôi (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.