Sắp trình Bộ Chính trị Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam gần 59 tỉ USD

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo Bộ Giao thông-Vận tải, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam có tổng vốn đầu tư khoảng 58,71 tỉ USD, chiều dài 1.545 km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320 km/giờ sẽ trình Bộ Chính trị xem xét, có ý kiến chủ trương đầu tư trong tháng 9-2022.
 


Như Báo Gia Lai điện tử đã đưa tin, ngày 12-8, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5133/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) thống nhất với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoàn chỉnh kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.

Hiện, Bộ GT-VT đã có báo cáo gửi Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GT-VT. Như vậy, căn cứ chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2022 (dự kiến tháng 9-2022), Bộ Chính trị sẽ xem xét, có ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, quy mô đầu tư là đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, chiều dài 1.545 km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320 km/giờ. Đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam vẫn chưa qua được vòng thẩm định báo cáo
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam vẫn chưa qua được vòng thẩm định báo cáo



Tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án khoảng 58,71 tỉ USD. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 1,98 tỉ USD; chi phí xây dựng 31,58 tỉ USD, chi phí thiết bị 15 tỉ USD; chi phí quản lý dự án, tư vấn, khác 5,82 tỉ USD; chi phí dự phòng 4,07 tỉ USD.

Dự án dự kiến phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư đoạn Hà Nội-Vinh và đoạn Nha Trang-TP. HCM chiều dài 665 km, tổng mức đầu tư dự kiến 24,72 tỉ USD (chuẩn bị đầu tư cho toàn tuyến giai đoạn 2020-2026, thi công giai đoạn 2027-2031), đưa vào khai thác khoảng năm 2032. Giai đoạn 2 đầu tư đoạn Vinh-Nha Trang để nối thông toàn tuyến, chiều dài 894 km, tổng mức đầu tư dự kiến 33,99 tỉ USD. Trong đó, khoảng năm 2040 đưa vào khai thác đoạn Vinh-Đà Nẵng; khoảng năm 2045-2050 khai thác đoạn Đà Nẵng-Nha Trang.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết kết quả thẩm tra của Liên danh tư vấn thẩm tra quốc tế cho thấy báo cáo nghiên cứu tiền khả thi còn nhiều vấn đề cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi. Các vấn đề này bao gồm: lựa chọn cấp tốc độ thiết kế và khai thác; hướng tuyến và kết nối với các mạng lưới giao thông trong và ngoài nước; tổng mức đầu tư và phương án huy động vốn…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đây là dự án có quy mô, tổng mức đầu tư rất lớn, công nghệ phức tạp, có ảnh hưởng rất lớn, lâu dài đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cần được đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề liên quan. Do đó, tiến độ thẩm định có thể kéo dài.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam đi qua 20 tỉnh, thành phố, trong đó điểm đầu là ga Ngọc Hồi (TP. Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM).



HUỲNH LÊ (tổng hợp)
 

 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin người sử dụng đất được ghi trên sổ đỏ như nào theo quy định mới?

Thông tin người sử dụng đất được ghi trên sổ đỏ như nào theo quy định mới?

Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (Sổ đỏ, Sổ hồng) và hồ sơ địa chính đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến quy định cụ thể thông tin người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được ghi Giấy chứng nhận.