Sạp báo tuổi thơ...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong trái tim mỗi chúng ta, hầu như ai cũng đều có một góc cũ, nơi mà ta vẫn lưu giữ cho riêng mình những ký ức đẹp, về những tháng ngày đã qua. Tôi cũng có cho riêng mình một góc nhỏ xinh như thế.

Đó là nơi gói ghém giùm tôi những kỷ niệm vụng về, những tươi xanh, dịu dàng và những day dứt của tuổi thanh xuân. Là tôi đang muốn nói đến sạp báo khiêm nhường nằm nép mình bên đường Hai Bà Trưng (TP. Pleiku), ngay bên ngoài Nhà Thiếu nhi tỉnh. Sạp báo nhỏ xinh đến độ, trong những lần ngang qua, nếu không chủ ý nhìn vào, cũng sẽ có người không nhận ra. Nhưng với tôi, gương mặt hiền khô, nụ cười sảng khoái, đặc biệt hơn cả là bộ râu khá ấn tượng của người bán hàng, đẹp tựa như một nhân vật tôi vẫn hình dung trong các truyện cổ tích, luôn là một hình ảnh nhân hậu, thân thương đến lạ.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hồi tôi còn nhỏ, hầu như chẳng có nhiều sự lựa chọn để vui chơi và giải trí như bây giờ. Và trước khi xuất hiện “smartphone” hay chỉ cần thao tác “click” chuột, cả thế giới thu nhỏ trong tầm tay thì những người cùng thời với tôi-thế hệ trẻ 8X, sau này là 9X, thậm chí có cả  những người được sinh ra trong những năm cuối thập niên 70 thế kỷ trước, ở Phố núi nhỏ bé, quanh năm chỉ có sương mù và những hàng thông xanh mát ấy, tuổi thơ của chúng tôi đã đi qua những tháng năm rực rỡ trong những niềm vui đơn sơ, bé bỏng. Ấy là khi được cầm trên tay những tờ báo có rất nhiều thông tin và hình ảnh, thơ văn mới mẻ thú vị. Niềm vui lớn lao nhất của tôi khi đó là đạp xe thật nhanh ra quầy báo bên góc đường Hai Bà Trưng để mua cho mình những tờ báo mới như Thiếu niên Tiền phong, Mực Tím, Hoa Học trò, Áo trắng hay Nữ sinh.

Nhưng để có được những tờ báo ấy, tôi và rất nhiều bạn khác nữa phải chờ đợi, đếm từng ngày để có trên tay số báo mới nhất. Vì thời ấy, đám học trò như chúng tôi không được ba mẹ cho quá nhiều tiền tiêu vặt để mua về những thứ mình thích. Có khi phải nhịn ăn sáng mấy ngày trời hoặc chơi kiểu “hùn vốn mua chung”. Có bạn được ba mẹ đặt báo theo quý hoặc hàng tháng, những đứa còn lại chỉ biết nhìn theo mà ước mơ, mà  “ngưỡng mộ” vô cùng. Lại nhớ, lúc được cầm trên tay tờ báo thơm mùi mực mới, mê mẩn khám phá từng trang, đứa này chuyền tay đứa khác, đi qua hết bao góc lớp học, qua bao mùa hoa phượng, ký ức học trò đẹp đẽ, rộng lớn vô ngần. Rồi chúng tôi mách nhau cách xin ba mẹ để mình có được nhiều sách báo hơn. Ấy là những khi đi ngang sạp báo cùng ba mẹ, hãy không thôi vòi vĩnh, đề nghị ba mẹ mua thêm báo, thêm sách.

Và, kết quả là kiểu gì chúng tôi cũng được cầm trên tay cuốn sách văn học còn thơm màu giấy mới như: Đảo giấu vàng, Túp lều của bác Tôm, Không gia đình… Sau đấy thì đổi cho nhau và đọc một cách say mê, ngấu nghiến. Thời gian sau này, cũng từ sạp báo bên đường Hai Bà Trưng ấy, chúng tôi biết đến những câu chuyện dễ thương trong rất nhiều trang sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nhiều người thầm cảm ơn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã luôn bảo vệ trọn vẹn ký ức tuổi thơ với những tác phẩm như: Bàn có năm chỗ ngồi, Cô gái đến từ hôm qua, Chú bé rắc rối, Thằng quỷ nhỏ. Và, cũng không ít người luôn thầm cảm ơn sạp báo đã góp phần điểm tô cho những ký ức thân thương ấy.

Mới hôm qua đây, tôi ghé thăm sạp báo nhỏ. Trò chuyện với bác Lương Tiến Dũng (68 tuổi, tổ dân phố 5, phường Yên Đổ, TP. Pleiku)-chủ nhân của sạp báo, tôi lại thấy mình như được tiếp thêm năng lượng, thấy yêu hơn cuộc sống này. Bác Dũng vẫn thế, hồ hởi, nhiệt tình. Giọng bác Dũng vui vui: “Năm nay nữa là 23 năm tôi gắn bó với công việc này. Chỉ với diện tích khoảng 15 m2, đủ để trưng bày các tờ báo dành cho một số độc giả thân quen mà khi thấy bóng khách là tôi biết họ cần ấn phẩm nào. Những năm 90 của thế kỷ trước, có rất nhiều sạp báo được dựng lên, họ bán rất nhiều từ những tờ báo dành cho tuổi học trò cho đến Thanh Niên, Tuổi Trẻ. Nhưng rồi, thời buổi công nghệ thông tin phát triển cộng với các nhà sách được mở ra thì những sạp báo như của tôi không còn thích nghi với thói quen và văn hóa đọc nên dần dần chuyển đổi mô hình. Dường như bây giờ chỉ còn có tôi vẫn thủy chung với công việc cũ, duy trì vì lẽ giản đơn tôi yêu thích công việc này, yêu góc phố này, yêu cả những khách hàng thân thuộc”.

Vui chuyện bác Dũng kể, bây giờ, có đôi lần, có một vài người ngang qua-là những cô cậu trò nhỏ ngày trước, mong tìm về lại ký ức xưa, ghé ngang qua tiệm, nhớ đến bác râu kẽm: “Bác nhớ con không, hồi đó con hay đến tiệm mình mua sách báo để đọc?”. Nghe mà thấy lòng ấm áp lạ lùng. Năm tháng đã trôi qua làm sao bác có thể nhớ hết những gương mặt, giọng nói cơ chứ?  Có bao nhiêu thế hệ học trò từng có kỷ niệm thân quen nơi góc bán sách nhỏ nhoi này? Nhưng có thể từ những quyển sách bổ ích có đứa hoàn thành con đường học vấn, đứa rẽ hướng sang một con đường khác. Dẫu có muôn ngàn lối đi, cái góc nhỏ này vẫn luôn níu kéo nhiều niềm luyến nhớ.

Nếu trong một ngày cuối tuần rảnh rỗi, bạn băng qua những đường phố xe cộ ồn ào, tìm đến góc quen như sạp báo nhỏ bên Phố núi Pleiku, chắc chắn bạn sẽ không thôi nhớ về những tháng ngày đã đi qua. Điều đó như một cách để quên đi những mệt mỏi, nhọc nhằn mà nhịp sống hiện đại làm bạn như cuốn theo và dần quên những điều đã cũ. Đến tận bây giờ, tôi mới nhận ra rằng, mỗi nơi mình đã đi qua, nơi sinh ra hay chỉ là một góc nhỏ sẽ là một mảnh ghép bình thường nằm thật sâu ở trong ký ức nhưng chỉ cần gợi lại thật nhẹ nhàng là có thể thành một bức tranh hoàn chỉnh, có thể thắp lên một sự thôi thúc dịu dàng và mạnh mẽ, đủ khiến đôi chân bồn chồn chỉ muốn bước đi và tìm về nơi nhỏ thân thương ấy!

Nguyễn Thị Diễm

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.