Sản xuất điều ở Đắk Nông sa sút

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm nay, Đắk Nông tiếp tục mất mùa. Thực trạng này cho thấy, việc sản xuất điều ở Đắk Nông còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Thời gian này, nông dân một số địa phương trong tỉnh đã bước vào mùa thu hoạch điều với một nỗi niềm cũ: mất mùa, giá không cao.

Gia đình chị Nhự Thị Bình, ở thôn 7, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp có 2ha điều trồng xen trong cà phê. Từ giữa tháng 3, vườn điều đã bắt đầu rụng nhiều, chị tiến hành thu hoạch, nhưng tâm trạng không vui vì sản lượng giảm. Cụ thể, năm 2023, chị thu về khoảng 1,6 tấn hạt điều tươi, nhưng năm nay chỉ được gần 1 tấn.

Nông dân nhiều nơi ở Đắk Nông mất mùa điều.

Nông dân nhiều nơi ở Đắk Nông mất mùa điều.

Chị Bình cho biết thêm, nhìn sơ qua, năm nay hoa điều ra từng chùm khá dày. Nhưng sau đó, chùm hoa bị thối, quả đậu ít. Hơn thế, quả điều cũng teo tóp, dẫn hạt nhỏ, sản phẩm kém chất lượng.

Theo ông Võ Văn Đình, thôn 6, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, vườn điều 5 sào của gia đình năm nay giảm sản lượng. Đây là năm mất mùa điều thứ 5 liên tiếp của gia đình ông.

Lý giải nguyên nhân, ông cho rằng, điều ít quả do ảnh hưởng của thời tiết bất thường, nhất là việc xuất hiện những cơn mưa trái mùa vào khoảng đầu năm âm lịch.

Các cơn mưa vào đầu mùa khô, rồi sương muối, nên cây điều ra hoa nhiều đợt lẻ tẻ, không đồng đều, đậu quả ít, có những lứa hoa bị thối đen. Sản lượng điều bình quân của các nhà nông ước khoảng 5 tạ/ha. Việc ra hoa không đồng đều cũng làm kéo dài thời gian thu hoạch, nhà nông tốn thêm công sức lao động.

Hạt điều ở Đắk Nông năm nay có chất lượng không cao

Hạt điều ở Đắk Nông năm nay có chất lượng không cao

Sản lượng điều giảm, nhà nông kỳ vọng giá cả sẽ tăng lên nhằm bù đắp khoản thu nhập. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, giá thu mua điều tươi năm nay không cao hơn so với năm ngoái.

Hiện người dân đang bán ra ở mức 22.000-23.000 đồng/kg điều tươi. Với mức giá này, nhiều người cho rằng, sau khi trừ các khoản chi phí, nhà nông có lãi rất thấp, thậm chí lấy công làm lãi là chính.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Đắk Nông, điều là một trong bốn cây trồng chủ lực của tỉnh. Những năm gần đây, cây điều liên tục sa sút cả về sản lượng, chất lượng và giá cả.

Cây điều chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều hộ dân.

Năng suất điều Đắk Nông năm nay chỉ đạt khoảng 0,52 tấn/ha.

Năng suất điều Đắk Nông năm nay chỉ đạt khoảng 0,52 tấn/ha.

Cũng theo Sở NN-PTNT, sự phát triển của cây điều ở Đắk Nông vẫn còn nhiều hạn chế như về vùng trồng, giống, kỹ thuật... đều chưa bảo đảm yêu cầu.

Việc liên kết ngành hàng giữa vùng trồng điều của hộ dân với các hợp tác xã, doanh nghiệp vẫn còn ít ỏi. Nhiều hộ trồng điều chưa chú trọng đầu tư đúng mức để chăm sóc, giúp vườn cây phát triển tốt .

Đắk Nông hiện có 16.800ha điều, sản lượng khoảng 16.400 tấn/năm. Tỉnh chỉ có 1 liên kết sản xuất điều, với hơn 100 hộ tham gia, quy mô khoảng 4.000ha, sản lượng 6000 tấn/năm.

Đắk Nông có 9 doanh nghiệp hoạt động sơ chế, chế biến sản phẩm chính là hạt điều rang; sản lượng chế biến, tiêu thụ khoảng trên 2.000 tấn/năm, chiếm tỷ lệ 10% so với tổng sản lượng điều của tỉnh, còn lại tiêu thụ sản phẩm hạt điều qua chế biến thô.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT, ngành Nông nghiệp và các địa phương sẽ thúc đẩy việc tái cơ cấu cây điều theo chuỗi ngành hàng có quy mô, chất lượng cao.

Trong đó, ngành tập trung thực hiện duy trì và phát triển ổn định mức 16.000ha điều. Vùng trồng điều sẽ được quy hoạch, xây dựng tập trung tại các huyện Cư Jút, Krông Nô, Đắk R’lấp, Tuy Đức.

Về giải pháp kỹ thuật, ngành Nông nghiệp và các ngành liên quan, các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng các giống điều mới tái canh, thay thế vườn điều già cỗi, năng suất thấp, chất lượng kém.

Những giống mới đã được ngành chức năng khảo nghiệm, đánh giá phù hợp tại các vùng trồng tập trung như PN1, BP18, BP27,BP43,BP68, BP 89, AB 29, A05-08.

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Kết nối rừng và biển

Kết nối rừng và biển

Cùng với việc sáp nhập tỉnh, câu chuyện giao thông kết nối biển - rừng giữa các tỉnh Nam Tây nguyên với khu vực Duyên hải Nam Trung bộ cũng rất được người dân quan tâm, với mong mỏi có thể sớm "sáng uống cà phê ở rừng chiều tắm biển".

Hỏi cây K'nia

Hỏi cây K'nia

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Tuệ, người có vốn hiểu biết đáng nể về Tây Nguyên, vừa gặp tôi và than: "Em đang tìm làm một vệt clip về cây K'nia mà giờ khó tìm quá, hầu như đã hết".

null