Săn bò cạp núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phát hiện bò cạp núi trong vườn cà phê, nhiều người ở làng Hát (xã Ia Pia, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) rủ nhau đi đào về chiên giòn, làm mồi nhậu. Ăn mãi cũng chán nên họ chuyển dần sang ngâm rượu uống. Không biết từ đâu, lời đồn rượu ngâm thứ bò cạp núi này ngoài tác dụng trị nhức mỏi, xương khớp còn là thần dược trị bệnh đàn ông. Và cứ thế người đi săn bò cạp ngày một nhiều hơn.

Săn bò cạp dễ như… bắt dế

Dẫn chúng tôi ra lô cà phê nơi có nhiều bò cạp núi chọn làm nơi trú ngụ, anh Tôn Thất Dũng (Nông trường Cà phê Chư Prông, Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai) vừa đi vừa trò chuyện: Đây là mùa khô nên bò cạp rúc sâu vào hang, mùa mưa chúng ở cạn lắm, chỉ cần cuốc một vài nhát là bắt được ngay. “Bò cạp thường làm hang trên những bờ bao quanh các hố cà phê. Hang của chúng cũng dễ nhận biết, miệng hang lớn cỡ đầu ngón tay cái, không tròn mà hơi dẹp hơn hang dế một chút. Nhưng để biết chính xác có bò cạp trong hang hay không còn tùy thuộc vào kinh nghiệm của mỗi người”-anh Dũng nói khi chúng tôi còn chưa kịp hỏi.

 

Tìm hang bò cạp. Ảnh: M.N
Ảnh: M.N

Theo anh Dũng, nếu trong hang có bò cạp sinh sống thì miệng hang thường láng lẫy, dấu hiệu chứng tỏ bò cạp hay ra vào hang. Chỉ cần vài nhát cuốc, thấy bên trong hang có vỏ ốc sên còn mới hay xác giun, dế hoặc rết thì chắc chắn có bò cạp. Nhưng nếu không phải người trong nghề thì khó xác định hang nào có hay không có bò cạp. Do vậy có người chỉ cần đi 1 giờ đồng hồ bắt được vài trăm con là chuyện thường, nhưng cũng có người chỉ được vài ba con. Nói vừa dứt câu, anh Dũng hô to: “Có rồi!”. Một con bò cạp đen trũi, bóng nhẫy đang huơ cặp càng rắn chắc. Bò cạp tỏ ra hung dữ dùng đôi càng bập mạnh đôi đũa đang chọc vào gắp nó. Chiếc đuôi dài nhọn hoắc cong lên hướng về phía trước để tự vệ. Thế nhưng, nó không hề biết điều này là vô nghĩa trước một tay săn bò cạp lão luyện như anh Dũng. Đôi đũa “thần kỳ” mà anh Dũng mang theo ngoài nhiệm vụ khều đất, gắp bò cạp bỏ vào xô còn có chức năng đặc biệt khác. Đó là, khi chọc vào hang, nếu có bò cạp thì chúng sẽ dùng đôi càng cắn mạnh vào đôi đũa kêu cộp cộp như phát đi tín hiệu “tôi đang ở đây”.
 

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng-Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng Gia Lai khuyến cáo: Người uống rượu ngâm bò cạp cho dù vẫn an toàn thì cũng nên dừng uống, những ai chưa uống thì không nên thử. Đây chỉ là lời đồn thổi, thứ rượu ngâm này không có tác dụng gì, thậm chí còn độc hại. Có nhiều người suýt chết vì uống thứ rượu ngâm bò cạp này.

“Chiến lợi phẩm” đầu tiên đã nằm gọn trong xô. Rồi nhiều con bò cạp khác tiếp tục bị tóm gọn. Khi một lượng kha khá bò cạp được anh Dũng “di dời” ra khỏi hang cũng là lúc câu chuyện săn bò cạp của chúng tôi càng trở nên cởi mở hơn. Người thợ săn say mồi bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm: Nếu nhìn thấy hang bò cạp thẳng đứng thì chớ dại mà đụng vào, loại hang này phải đào sâu vừa tốn sức, vừa dễ bị mất dấu nên thường rất khó bắt. Hay khi đào xuống trúng bọng mối thì cũng nên bỏ qua vì hang rộng, nhiều ngách lùng bùng khó xác định được vị trí của bò cạp. Tuy nhiên, với những kiểu hang này nếu bắt được thường là những con bò cạp “thành tinh” hoặc trúng mánh thì bắt cả đàn. Một thanh niên ở đây đang giữ “kỷ lục” bắt được 32 con bò cạp trong một bọng mối.

Theo anh Dũng, phần nguy hiểm nhất của loài bò cạp nằm ở phần đuôi chứa đầy nọc độc, những thợ săn lành nghề cũng ít có người dùng tay bắt bò cạp, mà chỉ dùng đũa để gắp. Đôi khi chỉ lơ đễnh một chút cũng bị chúng đớp ngay. “Nếu người có cơ địa yếu thì bị hành sốt, phải mua thuốc uống… mất 3 ngày”-anh Dũng nói.

 

Tìm hang bò cạp. Ảnh: M.N
Tìm hang bò cạp. Ảnh: M.N

Nghề… hái ra tiền

Bò cạp núi được phát hiện lần đầu cách đây vài năm trong vườn cà phê nhận khoán của anh Hồ Trọng Giao (Nông trường Cà phê Chư Prông). Anh Giao cho biết, bò cạp chiên trở thành món nhậu khoái khẩu của những người hái cà phê ở đây. Ăn mãi cũng ngán, họ bắt đầu chuyển sang ngâm rượu uống. Từ nhiều câu chuyện được thêu dệt trên bàn nhậu, thứ rượu bò cạp núi này bỗng trở thành thần dược chữa được “bệnh đàn ông”. Thêm vào đó, có một câu chuyện vui khiến cho công dụng của thứ rượu ngâm bò cạp này càng được thổi phồng. Chuyện là, có một người từ Bắc vào thăm bạn hái cà phê ở đây. Anh này được bạn thết đãi một bữa rượu bò cạp ra trò. Không biết là do rượu ngon hay công dụng gì đặc biệt mà sáng ra khi trời còn chưa hửng nắng, người bạn này bê hũ rượu đi theo chẳng thèm từ biệt gia chủ. Anh Phạm Đình Minh-giám đốc một công ty xây dựng tại TP. Pleiku cho biết, anh cũng được bạn bè tặng mấy chục con bò cạp núi với những lời “có cánh”. Anh bèn nhờ người có kinh nghiệm xử lý bước đầu như ngâm phèn chua cho bò cạp nhả ra hết chất độc, rồi ngâm thêm một số vị thuốc Bắc để khắc chế mùi tanh. Thẩu rượu ngâm này đã nhiều lần cạn đáy, nhưng khi được hỏi về công dụng như lời đồn thổi thì anh Minh chỉ… cười trừ mà không đưa ra câu trả lời.

Mặc dù chưa có ai đứng ra kiểm chứng, nhưng lời đồn thổi về loại rượu “ông uống bà khen” đã biến bò cạp núi trở nên có giá. Cũng nhờ gửi hũ rượu ngâm bò cạp về quê (Nam Định) cho người quen uống giải mỏi, chị Nguyễn Thị Thu Hà-người nhận khoán cà phê-Nông trường Cà phê Chư Prông bỗng có thêm nghề tay trái là săn bò cạp. Đơn đặt hàng đến liên tục từ quê, lúc thì 500 con, lúc thì hơn 1.000 con. Còn tại địa phương thì ngoài những người trong Công ty cũng đặt hàng, người thì trăm con, người vài trăm con để ngâm rượu. Chị Hà cho biết, với đơn đặt hàng số lượng lớn, chị huy động thêm những người dân địa phương đi đào. Chỉ cần trong vòng 3 đến 4 ngày là chị đã có hàng cung cấp.

Ngoài việc tự mình đi đào, chị còn mua lại của người khác giá 8.000 đồng/con rồi bán ra với giá 10.000 đồng/con để kiếm lời. Chị Hà còn tiết lộ, chị cũng đang có “đại lý” bán bò cạp ở huyện Mang Yang. Khách hàng của chị không những ở Gia Lai mà cả Nam Định, Hà Nội cũng đặt hàng với số lượng lớn.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm