Chát với bạn giữa đêm khuya, tôi không thể tâm sự hết ý, nhưng thật sự chúng tôi vẫn tự tin, vẫn thấy thành phố Sài Gòn chúng tôi ở vẫn thật đẹp, thật hồn hậu, đáng yêu biết bao.
|
Người Sài Gòn luôn năng động, may mũ "chống dịch" để bán bên đường - Ảnh: MẠNH DŨNG |
"Tình hình Sài Gòn thế nào rồi bạn? Sợ lắm không? Tụi mình ở Mỹ như ngồi trên đống lửa vì dịch bệnh. Đến cái khẩu trang muốn mua cũng không biết tìm đâu...". 1h sáng, điện thoại tôi vẫn sáng dòng chat của cô bạn ở Mỹ. "Yên tâm nhé. Bên mình có lo lắng, đề phòng, nhưng không sợ hãi đâu".
Hơn lúc nào hết, đây là những ngày nên sống có trách nhiệm và quan tâm, sẻ chia với nhau. Khó khăn nào rồi cũng qua đi như sau cơn mưa trời lại sáng. |
Tôi nhắn trả lời bạn không phải qua loa trấn an, mà từ thật tâm. Buổi tối, gia đình ba thế hệ chúng tôi vừa có bữa cơm ấm cúng, ngon miệng với tô rau xanh tươi ngọt nhờ bàn tay vợ trồng trên sân thượng.
1. Ba chúng tôi đã lớn tuổi, tính hay lo xa, hỏi con cái: "Nếu nơi mình có ai nhiễm rồi bị cách ly cả khu phố thì sao?"."Không sao đâu ba. Nếu vậy gia đình mình lại có dịp quây quần bên nhau nhiều hơn ngày thường. Rau tụi con trồng ăn cả tháng không hết.
Mà bà con trong xóm đã dặn dò, chia sẻ nhau rồi. Nếu chẳng may nhà này bị cách ly thì nhà kia ở ngoài sẽ mua sắm, tiếp tế giúp", vợ tôi trả lời ngay trong lúc tôi chưa kịp trấn an ba. Gương mặt âu lo của ông lại giãn ra, mâm cơm lại rộn tiếng cười.
|
Trẻ em vẫn ra đường chơi thể thao, nhưng cha mẹ cho chơi cách xa nhau - Ảnh: MẠNH DŨNG |
Chát với bạn giữa đêm khuya, tôi không thể tâm sự hết ý, nhưng thật sự chúng tôi vẫn tự tin, vẫn thấy thành phố Sài Gòn chúng tôi ở vẫn thật đẹp, thật hồn hậu, đáng yêu biết bao.
Mấy hôm rồi, vài khu dân cư và chung cư thành phố phải tạm cách ly để phòng dịch, tôi thấy người dân vẫn bình tĩnh đón nhận sự bất tiện này mà không mấy ai kêu ca, phàn nàn.
Bảo vệ mình, gia đình mình cũng là bảo vệ cộng đồng. Có lẽ chính trong hoàn cảnh khó khăn này, người ta mới thấm hai chữ "trách nhiệm" sâu sắc hơn.
Một buổi sáng, tôi thấy cô bạn giáo viên Thúy Hải ở khu phố mình đi siêu thị, khệ nệ mang về mấy bọc rau, thịt lớn bất thường.
Chưa kịp hỏi, cô ấy như đọc được sự tò mò và cười nói: "Em không giành giật tích trữ gì đâu, chỉ mua giùm đứa bạn đang ở khu chung cư Hòa Bình bị cách ly. Không trực tiếp gặp nhau được thì nhờ bảo vệ nhận chuyển giúp. An toàn thôi mà. Bạn bè quý nhau những lúc thế này".
Thúy Hải kể rằng bạn mình nói có thể tự mua online, nhưng cô muốn đem đến cho bạn, một chút nghĩa tình và niềm vui nhỏ bé cho nhau khi khó khăn.
|
Công nhân quét rác vẫn miệt mài làm việc đêm - Ảnh: MẠNH DŨNG |
2. Gió lạnh mùa xuân đã qua đi, Sài Gòn trở nóng, cái nắng nóng gay gắt báo hiệu mùa hè đang dần đến.
Nhiều người hạn chế ra đường vì sợ lây nhiễm dịch bệnh lẫn tránh sự oi bức như đổ lửa. Nhưng những người công nhân cây xanh vẫn tưới tắm, vun chăm tán xanh bên đường, anh công nhân quét rác vẫn cần mẫn giữ cho phố phường sạch sẽ.
Tình hình dịch bệnh nóng dần theo từng ngày, nhưng tôi vẫn thấy sự bình an và chăm chỉ trên gương mặt họ. "Có sợ lây bệnh không?".
"Mình đeo khẩu trang đề phòng cẩn thận thôi, chứ sợ hãi mà để rác ngập đường thì bệnh tật lây nhiễm còn nặng nề hơn cho mọi người", anh công nhân nhẹ nhàng trả lời tôi.
Thành phố đã lên đèn, hơi nóng của ngày nắng vẫn còn hầm hập. Tiếng chổi tre vẫn xào xạc đều nhịp trên đường hệt như những ngày bình an trước khi có dịch...
Đúng là gần đây, thành phố đáng yêu của tôi như có vẻ trầm xuống, chậm lại và xuất hiện nhiều nét lo âu trên mặt người. Dịch bệnh chưa có dấu hiệu ngừng lan rộng. Quán xá ế ẩm hẳn. Bao người giảm thu nhập. Hàng cà phê tôi hay ngồi chỉ còn lác đác khách. Cô chủ quán có vẻ buồn.
nhiều khách mối thân quen cũng đồng cảm với nỗ lo của cô. Một số người ở gần thì nhờ cô bưng về nhà, người xa thì chịu khó chạy xe ra mua về uống.
"Khách của tôi thật tốt bụng, nếu không chia sẻ với nhau như vậy thì mẹ con tôi gặp khó rồi", cô hàng cà phê tâm sự với tôi mà như tự sự với chính mình.
|
Dịch bệnh, ít ra đường thì có nhiều thời gian chăm sóc cho vườn rau xanh trên sân thượng - Ảnh: MẠNH DŨNG |
3. Bên cạnh những chương trình chung tay góp sức vượt qua khó khăn dịch bệnh, hạn hán do Nhà nước kêu gọi, tôi đã chứng kiến biết bao nghĩa tình thầm lặng như vậy.
Những cụ già, đứa bé bán vé số vẫn phải ra đường mưu sinh. Khách của cụ, của bé không còn đông đúc ở các quán xá như trước, nhưng một số người đã tinh tế mua cho nhiều hơn.
"Tội đứa nhỏ đáng tuổi con cháu mình, mua thêm mấy tờ không đáng là bao mà giúp cho nó được đĩa cơm, gói bánh", tâm sự giản đơn mà ấm lòng của người mua vé số.
Những ngày khó khăn này, sự sẻ chia lại càng thể hiện nghĩa tình và thiết thực hơn bao giờ hết. Anh bạn của tôi có 50 phòng trọ cho công nhân thuê ở Bình Chánh đã chủ động giảm giá 25%.
Cũng là người làm doanh nghiệp, anh đang gặp khó nên càng thấu hiểu nỗi khó khăn của công nhân xa nhà khi không còn việc để tăng ca, các phụ cấp phải cắt giảm.
Anh tâm sự sắp tới nếu tình hình khó khăn không dừng lại, anh sẽ tiếp tục giảm 50% giá phòng trọ, thậm chí nhiều hơn nữa, nhất là cho những người lao động tự do không có đồng lương ổn định. Suy nghĩ của anh giản đơn mà cũng rất tình cảm: giúp bà con khi khó khăn để họ cũng không bỏ mình!
Khi bóng đêm đen tối nhất là lúc mặt trời chuẩn bị mọc lên. Sài Gòn thành phố của tôi vẫn đẹp, vẫn hồn hậu, đáng yêu biết bao...
“Nếu tháng sau hết dịch thì sao? Ồ, thì vui biết bao nhiêu. Chúng ta lại tung tăng ra đường. Trường mầm non lại bi bô tiếng trẻ thơ. Cô giáo lại vui vẻ giảng bài”. “Nhưng nếu vẫn chưa hết dịch thì sao? Thì biết sao được. Nhưng dù thế nào chúng ta cũng phải bình tĩnh, cùng nhau mạnh mẽ vượt qua”. Những lời tâm sự của bạn bè, của hàng xóm giúp chúng tôi bình tĩnh và tự tin hơn. Như hàng cây xanh bên đường vẫn rợp che bóng mát, chậu hoa hồng trước nhà ai vẫn nở tươi. Như tình nghĩa con người vẫn chan hòa sẻ chia. |
Theo MẠNH DŨNG (TTO)